Thấp thỏm quan hệ lao động thời TPP
Sửa đổi để thực thi TPP | |
Quy tắc xuất xứ và nước cờ hội nhập TPP | |
Phải giải được bài toán “lan tỏa” trong thu hút FDI |
Những lo ngại mơ hồ về sự thay đổi của quan hệ lao động sau khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP đang dần được nhận diện rất cụ thể. Thay đổi quan trọng nhất là việc TPP cho phép người lao động ở cấp cơ sở được tự do thành lập công đoàn riêng độc lập với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Chuyển biến mới mẻ này có tác động rất lớn tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, dẫu vậy vẫn gặp phải không ít băn khoăn từ phía cơ quan quản lý và cả cộng đồng DN, theo ghi nhận tại Diễn đàn quan hệ lao động Việt Nam, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phối hợp tổ chức ngày 19/4.
Người lao động có nhiều lựa chọn cơ quan đại diện tiếng nói của mình sẽ giúp giảm tranh chấp |
5-7 tổ chức công đoàn, DN biết đàm phán với ai?
“Một DN mà có 5-7 tổ chức đại diện cho người lao động thì chúng tôi biết đàm phán với ai?”, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Hưng Yên không ngần ngại chỉ thẳng vấn đề mà DN này nghi ngại.
Ông cho biết, nhiều DN rất lo lắng trước quy định tự do thành lập công đoàn vì khi xảy ra tranh chấp lao động, họ hình dung rằng sẽ không biết phải thương thảo với ai để có thể thống nhất các chính sách, cơ chế phục vụ cho hoạt động lâu dài của DN.
Vì lẽ đó, “giới chủ sử dụng lao động có lẽ chẳng mong trong DN mình có tới 5-7 tổ chức, phải làm thế nào thống nhất đầu mối để chúng tôi có người mà đàm phán, thống nhất các quyền lợi, nghĩa vụ”, ông Dương chỉ rõ.
Lo ngại này càng có cơ sở bởi hiện nay ở DN chỉ có một công đoàn trực thuộc hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, song trong nhiều trường hợp giữa DN và tổ chức đại diện cho người lao động đã khó tìm được tiếng nói chung. Bằng chứng là kể từ khi ban hành Bộ Luật Lao động năm 1994, cả nước đã có hơn 5.500 cuộc đình công.
Tất cả các cuộc đình công này đều là tự phát, không có cuộc đình công nào do công đoàn tổ chức. Điều này cho thấy hầu hết công đoàn tại cấp cơ sở đều không thể đại diện cho người lao động. Rõ ràng, hệ thống quan hệ lao động của Việt Nam đã thực sự lạc hậu và đòi hỏi đổi mới về thiết chế.
Bên cạnh đó, thời gian qua DN cũng liên tục ca thán khi chi phí công đoàn đã “ăn mòn” lợi nhuận, khiến cả DN và người lao động đều thiếu tin tưởng vào hoạt động của tổ chức này.
Ông Dương cho biết, theo quy định mỗi tháng công ty phải trích 2% quỹ lương cho công đoàn, tương đương khoảng 700 triệu đồng/tháng. Như vậy mỗi năm công đoàn Công ty CP May Hưng Yên phải nộp lên công đoàn cấp trên gần 6 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn đối với một DN gia công trong ngành dệt may.
Chi phí “nuôi” công đoàn lớn như vậy, song khi cần thì vai trò của tổ chức này rất mờ nhạt. Vì vậy DN càng băn khoăn nếu thành lập thêm nhiều tổ chức công đoàn, sức ép chi trả phí hoạt động cho bộ máy này có tiếp tục dồn lên vai DN? Và nhiều bộ máy cũng hoạt động thì có hiệu quả hơn hay không?
Sức ép đến sớm
Dù còn nhiều lúng túng trước yêu cầu tự do thành lập công đoàn sau khi gia nhập TPP, song các cơ quan quản lý và chuyên gia đều khẳng định đây là yêu cầu không thể khác trong bối cảnh hội nhập. Bà Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, môi trường kinh doanh sẽ đối mặt với rủi ro nếu không được đặt theo các tiêu chuẩn mới, trong đó có tiêu chuẩn về quan hệ lao động.
Dẫn con số 5.500 cuộc đình công tự phát, bà thẳng thắn chia sẻ đây không phải thông tin tích cực đối với các DN, bởi qua đó họ không thấy có đối tác để đối thoại, hay để chia sẻ khó khăn. “Đình công tạo sức ép với FDI. Các DN không muốn đầu tư vào những quốc gia bất ổn như vậy”, bà quả quyết. Do đó, tự do thành lập công đoàn sẽ là giải pháp hiệu quả để tăng cường đối thoại giữa DN và người lao động.
Bà Alison Tate, Giám đốc Bộ phận Chính sách kinh tế và xã hội của Tổ chức Công đoàn quốc tế, cũng nhấn mạnh vai trò của việc đổi mới quan hệ lao động bằng cách cho phép người lao động tự do thành lập và lựa chọn tổ chức đại diện cho tiếng nói của mình.
Bà cho biết, quan hệ lao động lành mạnh tạo ra khả năng thống nhất cao hơn cho các cuộc đối thoại cấp DN, cấp ngành, cho tới cấp quốc gia. Khi giải quyết được tranh chấp sẽ tạo ra nền tảng tăng cường năng suất nền kinh tế, cải thiện hơn mữa nôi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao giá trị các ngành công nghiệp, đưa đến tầm chính sách mới, tạo ra nền tảng cho sự phát triển.
Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, nếu không có TPP thì quá trình tự do thành lập tổ chức của người lao động chắc chắn cũng sẽ diễn ra sau năm 2020. Vì vậy đây có thể coi là sức ép đến sớm để buộc chúng ta đẩy nhanh quá trình này.
Tuy nhiên, thời gian còn lại rất ngắn sẽ là thách thức cho các cơ quan hoạch định chính sách. Bởi nếu theo đúng lộ trình thì Việt Nam chỉ còn 1,5 năm hoàn thiện khung pháp luật, tạo tiền đề cho sự hình thành các tổ chức công đoàn, nâng cao năng lực cán bộ thực thi…