Quyết liệt và đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn không lãi suất | |
Tất cả để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển | |
Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú |
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, NHNN đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu đề xuất những mục tiêu lượng hóa, giải pháp thực hiện có tính khả thi nhằm xóa bỏ các yếu tố gây cản trở về TTHC trong hoạt động của TCTD, DN, đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng góp phần xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, trong đó có các DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Và chỉ hơn 1 tháng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, ngày 28/6/2016, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thành viên Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chia sẻ cùng phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Thưa ông, kế hoạch lần này có gì đặc biệt khi nhiều năm gần đây NHNN đã triển khai rất mạnh mẽ kế hoạch về CCHC, CCTTHC và thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ?
Với 7 nhóm nhiệm vụ, lộ trình và các giải pháp thực hiện cũng như việc lượng hóa kết quả theo từng năm và cả giai đoạn từ nay đến hết năm 2020, Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao xếp hạng tín dụng quốc gia, nâng cao mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ ngân hàng; nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn tín dụng; thực hiện các giải pháp để tiếp tục đơn giản hóa TTHC, cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với NHNN; cải tiến đơn giản hóa các thủ tục giao dịch của TCTD với khách hàng.
Khác với các kế hoạch về CCHC, CCTTHC của NHNN, kế hoạch hành động lần này có nhiều nội dung chỉ đạo cụ thể đối với hệ thống các TCTD, tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục vay vốn, cắt giảm các loại phí không hợp lý, công khai, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ…
Có thể lý giải thêm về điểm khác biệt này như nhiệm vụ cải cách, đổi mới không chỉ được thực hiện đối với các đơn vị trong hệ thống NHNN mà còn chỉ đạo, yêu cầu các TCTD cũng phải đẩy mạnh cải cách thủ tục cho vay, cung cấp các dịch vụ tốt hơn. Mặc dù TCTD là DN không có chức năng quản lý và ban hành thủ tục hành chính, nhưng việc cải cách, đổi mới, tạo thuận lợi trong các hoạt động, quan hệ có tính chất hành chính, nhất là trong quan hệ tín dụng, tiền tệ, thanh toán… cho thấy rõ ràng các DN sẽ trực tiếp hưởng lợi ngay.
Trong kế hoạch hành động, NHNN đã giao nhiệm vụ rất cụ thể đổi mới, cải tiến cho các TCTD. Quan điểm chỉ đạo của NHNN đối với TCTD đó là ngoài việc chú trọng vào mục tiêu lợi nhuận, còn phải quan tâm đến lợi ích xã hội; nhiệm vụ chung đối với xã hội thông qua việc nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân và DN, giải quyết hài hòa mối quan hệ kinh doanh và phục vụ. Các cải cách về thủ tục, cắt giảm phí… cho DN phải bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ, phòng chống rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động cho mỗi ngân hàng.
Bên cạnh việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai kế hoạch hành động, hiện nay, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo trong toàn Ngành các giải pháp đồng bộ cả về xây dựng cơ chế, chính sách và quán triệt nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của đội ngũ cán bộ, công chức đối với Ngành, đối với đất nước trong công cuộc đổi mới hiện đại hóa đất nước, theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 64/NQ-CP mới được ban hành, đó là thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh.
Được biết hiện nay, Cơ quan NHNN Trung ương đang tập trung triển khai các giải pháp đẩy mạnh CCHC nội bộ, liệu cải cách nội bộ và triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ là hai nhiệm vụ riêng biệt?
Thực tế trong nhiều năm qua, có nhiều chương trình CCHC, TTHC được triển khai thành công trong ngành Ngân hàng đã được Chính phủ và xã hội ghi nhận, đánh giá cao, điển hình trong các lĩnh vực cải cách thể chế, CCTTHC và hiện đại hóa hoạt động NHNN… Những kết quả cải cách trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế của NHTW, đồng thời đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành.
Tuy nhiên, sau một quá trình triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực, chúng tôi nhận thấy về sự chủ động trong cải cách, đổi mới có dấu hiệu chậm lại, nguyên nhân chủ yếu là sự quan tâm để cải cách, đổi mới trong nội bộ các đơn vị còn hạn chế, ý thức nỗ lực của công chức chưa thực sự rõ nét, vẫn còn một số Thủ trưởng đơn vị xem nhẹ, chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác CCHC.
Cùng với những yêu cầu đặt ra để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Ngành nói riêng và việc tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ nói chung, ngành Ngân hàng đã đặt ra và thực hiện tích cực nhiều giải pháp. Trong đó đẩy mạnh cải cách nội bộ tại Cơ quan NHNN Trung ương là một giải pháp được đánh giá quan trọng và đang được NHNN chú trọng chỉ đạo triển khai, ngay từ đầu năm 2016, nhằm tạo điều kiện, cơ sở để cải cách, đổi mới trong toàn Ngành.
Thống đốc NHNN đã yêu cầu các đơn vị triển khai đẩy mạnh công tác CCHC nói chung, CCTTHC nói riêng trong nội bộ tại trụ sở chính NHNN Trung ương, quán triệt quan điểm, trách nhiệm và tập trung hoàn thành ngay 8 nhiệm vụ.
Trong đó, Thống đốc yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị quán triệt và xác định công tác CCHC, CCTTHC là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là giải pháp chủ yếu để cải thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc của đơn vị, nâng cao vị thế, uy tín của NHTW.
Thống đốc đã khẳng định công tác CCHC là tiêu chuẩn quan trọng đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2016 đối với tập thể đơn vị và cá nhân người đứng đầu đơn vị. Và để hiện thực hoá không chỉ là hô hào chung chung, chúng tôi đang xây dựng chương trình quản lý, giám sát công việc thông qua các chương trình phần mềm công nghệ tin học, để đảm bảo tính khách quan và công khai cho tất cả các đơn vị và lãnh đạo các cấp.
Đồng thời tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của các tổ chức công đoàn, thanh niên nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị về tinh thần đẩy mạnh CCHC, ý thức phối hợp giải quyết công việc, trách nhiệm phận sự giải quyết công việc với vị trí, vai trò của cơ quan đầu não NHTW.
Cùng với việc rà soát lại toàn bộ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị của NHNN Trung ương để phát hiện những nội dung, quy định còn trùng lắp, chồng chéo, NHNN cũng sẽ rà soát toàn bộ các văn bản pháp lý có liên quan đến quy định hành chính, thủ tục đối với các TCTD, các DN và người dân, kể cả các TTHC trong quan hệ giải quyết công việc nội bộ, để phát hiện những vấn đề còn trống vắng chưa được quy định, không phù hợp, chưa cụ thể, hoặc những vấn đề cần đề xuất cải cách, đổi mới theo hướng công khai, minh bạch kết quả, tiến độ xử lý…
Việc tổ chức nghiên cứu và triển khai nghiêm túc các quy định tại Quy chế làm việc của NHNN, Quy chế văn hóa công sở và các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm công vụ, công chức sẽ gắn với công tác kiểm tra, giám sát thực thi; gắn chấn chỉnh trật tự nội vụ với đẩy mạnh công tác CCHC.
Trong đó đơn vị đầu mối phối hợp cần chủ động đưa ra quan điểm, nội dung cụ thể cần xin ý kiến để tạo điều kiện cho các đơn vị có cơ sở tham gia đầy đủ, đúng trọng tâm; rút ngắn thời gian thực hiện công việc, giảm bớt giấy tờ. Đơn vị được yêu cầu phối hợp cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tham gia đúng thời hạn, đúng phạm vi chức năng, nhiệm vụ, ý kiến tham gia có chất lượng.
Cùng với việc hoàn thiện quy trình và nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao chất lượng trong công tác phối hợp trong giải quyết công việc giữa các đơn vị, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả, triệt để các chương trình phần mềm, hạ tầng cơ sở tin học đã được NHNN trang bị để phục vụ công việc, nâng cao năng suất công việc.
Như ông nói sự chủ động trong cải cách, đổi mới có dấu hiệu chậm lại, từ nguyên nhân ý thức nỗ lực của công chức chưa thực sự rõ nét, một số Thủ trưởng đơn vị xem nhẹ, chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác CCHC. Vậy vấn đề này sẽ được NHNN giải quyết như thế nào trong thời gian tới?
Đối với DN, thời cơ, cơ hội là nhân tố quyết định trong kinh doanh, nhưng nhiều DN bỏ lỡ thời cơ ngay trước mắt chính vì thói quan liêu, sách nhiễu của một số công chức. Rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, các thủ tục giao dịch ngân hàng sẽ giúp DN nắm bắt cơ hội và hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh kịp thời hơn.
Để làm được điều này ngoài việc đơn giản hóa các TTHC cần kết hợp với đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc và nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức. Vấn đề này, thời gian qua ngành Ngân hàng đã bước đầu triển khai quyết liệt và đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả CCHC.
Nếu xem xét về hệ thống các quy định của pháp luật và quy định của các cơ quan hành chính nhà nước về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công chức, có thể thấy hệ thống văn bản quy định đã được ban hành đồng bộ, khá đầy đủ, nhưng thiếu quy định cụ thể. Thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng công chức làm thì đúng, nhưng chưa đủ, còn sợ trách nhiệm, đùn đẩy, tính phối hợp không cao và như vậy yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức của con người, ý thức của cán bộ công chức.
Để cải thiện trong việc nâng cao trách nhiệm của đội ngũ công chức trong kế hoạch cải cách công vụ công chức của NHNN đã chỉ đạo xây dựng cơ chế để đề cao trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức và gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với các chế tài về khen thưởng, kỷ luật, thăng tiến, đãi ngộ.
Để tránh tình trạng dĩ hòa vi quý, bao che cán bộ, chúng tôi cũng sẽ áp dụng những phương pháp kiểm soát chất lượng và thời hạn hoàn thành công việc cho từng người, từng đơn vị một cách khách quan, công khai, cụ thể qua các chương trình tin học hóa, không phụ thuộc nhiều vào nhận xét của người phụ trách.
Bên cạnh những giải pháp đánh giá lượng hóa cơ học, chúng tôi cũng sẽ kết hợp với những hình thức tuyên truyền, giáo dục, từ đó thúc đẩy được ý thức tự giác, động cơ công vụ công tâm, trong sáng, có tinh thần yêu ngành, yêu nghề, truyền thống đoàn kết và tự hào với công việc của mình. Đây chính là mục tiêu chính, quan trọng trong nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, công chức đã và đang được hiện thực hóa tại NHNN.
Xin trân trọng cảm ơn ông!