Tất cả để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Tăng cường triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp | |
Báo chí và DN hợp tác, đồng hành vì thương hiệu Việt | |
Hỗ trợ doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết |
Một trong những ưu tiên hàng đầu được đề ra là cải cách hành chính, trong đó ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh, công khai các điều kiện, quy trình, thủ tục cũng như các kết quả xử lý trên các trang thông tin của các cơ quan, đơn vị hành chính. Bên cạnh đó, Chính phủ cùng các địa phương đẩy mạnh đối thoại với DN, công khai các đường dây nóng để tiếp nhận giải đáp thắc mắc.
Nghị Quyết 35 đề ra trong giai đoạn tiếp theo là xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ các DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo |
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ mà Nghị Quyết 35 đề ra trong giai đoạn tiếp theo là xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ các DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành rà soát việc thực hiện và giám sát hiệu quả của các chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là với DN khởi nghiệp; Thành lập và vận hành các mô hình vườn ươm DN, trung tâm hỗ trợ DN.
Nghị quyết cũng nêu rõ, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm triển khai Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ vào quý I năm 2017; Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học chú trọng đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo.
Nắm bắt những khó khăn của DN về lĩnh vực thuế, Nghị quyết giao Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình Chính phủ để trình Quốc hội Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho DN ngay trong năm 2016; Xử lý nợ chậm nộp cho DN gặp khó khăn khách quan; nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập DN cho DNNVV;
Nghiên cứu, đề xuất để thực hiện bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng BĐS với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (bù trừ hai chiều), giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực: Công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản...
Đồng thời rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, thời gian và chi phí thực hiện; Nghiên cứu xây dựng lộ trình bỏ hình thức thuế khoán chuyển sang thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân đối với DN và Khoản thu nhập cá nhân do DN trả cho người lao động và đối với hộ kinh doanh có quy mô lớn theo quy định của Luật Quản lý thuế; Thực hiện đúng quy định của Luật Doanh nghiệp đối với hộ kinh doanh lớn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng được giao rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương, trình Chính phủ trong quý III năm 2016.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế đẩy mạnh thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, phát triển các nhà đầu tư tổ chức như: các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí… triển khai thị trường chứng khoán phái sinh từ năm 2017;
Hợp nhất hai Sở giao dịch chứng khoán; phát triển thị trường trái phiếu DN, hoàn thiện và mở rộng thị trường trái phiếu Chính phủ, thúc đẩy cổ phần hóa, gắn kết với việc niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán; đẩy mạnh triển khai các mô hình quỹ tương hỗ, trình Chính phủ trong quý III năm 2016.
Thực hiện Nghị Quyết 35/NQ-CP và để hỗ trợ các DN phát triển, NHNN Việt Nam được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình hoạt động tài chính vi mô phát triển, trình Chính phủ trong quý III năm 2016.
Cùng với đó, NHNN cũng được giao chỉ đạo các TCTD thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, nhất là DNNVV tiếp cận vốn tín dụng như: Rà soát, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; Nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng.
Nghiên cứu, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của DN. Các chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kết nối DN - ngân hàng, và chương trình bình ổn giá trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.
Ngoài ra NHNN cũng cần thực hiện đồng bộ lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ, đi đôi với phát triển thị trường mua bán ngoại tệ đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ cho người dân và DN. Xem xét đáp ứng nhu cầu tín dụng ngoại tệ đối với một số ngành hàng, lĩnh vực theo hướng không làm tăng chi phí của DN.