Rào cản giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế
Lập lại kỷ cương với vốn ODA | |
Tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động | |
Thủ tướng đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật |
Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN) là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Lại đặt trong bối cảnh nền khoa học và công nghệ (KH&CN) thế giới đã và đang phát triển như vũ bão, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng việc phải sửa đổi Luật CGCN để kịp thời phát triển KH&CN là cần thiết. Đó là những nội dung được các đại biểu quốc hội thảo luận tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm qua (13/9/2016).
Nhìn lại Luật CGCN sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập. Ví như việc không bắt buộc đăng ký hợp đồng CGCN tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp công nghệ thuộc Danh mục hạn chế chuyển giao, đã tạo môi trường thực sự tự do cho các DN trong giao kết hợp đồng CGCN.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, mặt trái của quy định này là Nhà nước không có công cụ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào Việt Nam cũng như hành vi chuyển giá thông qua hoạt động CGCN. Thực tế cũng cho thấy tốc độ đổi mới công nghệ trong các DN thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm).
Chính vì vậy, đa số đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật CGCN là cần thiết và cấp bách nhằm thúc đẩy hoạt động CGCN, thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh thương mại hoá kết quả nghiên cứu và phát triển thị trường KH&CN.
Tuy nhiên, khi thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật sửa đổi bổ sung không đáp ứng được yêu cầu này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tỏ ra lo lắng khi Dự thảo luật khó có thể ngăn Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. Hàng loạt câu hỏi của bà được chuyển đến Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh khi chỉ đề nghị sửa đổi 16/61 điều của bộ Luật hiện hành và khó có giải quyết được các bất cập trong 10 năm qua.
“Chính sách của nhà nước đối với hoạt động CGCN thì không rõ, cũng không giao Chính phủ hướng dẫn hay ban hành trong khi luật vẫn ghi Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới KH&CN, hay có chính sách ưu đãi với nghiên cứu công nghệ mới, tiên tiến, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho khởi nghiệp công nghệ... Nhưng đọc hết mà không thấy chính sách gì”, bà Ngân nói và đề nghị cần phải sửa đổi một cách toàn diện luật này và trình Quốc hội thông qua trong 2 kỳ họp.
Đồng quan điểm này, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng: luật này phải giải quyết 2 nội dung lớn là CGCN nội địa giữa các viện, trường với DN và nhập khẩu công nghệ, nhất là nhập khẩu công nghệ lạc hậu.
Tuy nhiên, theo ông để giải quyết được vấn đề, cơ quan soạn thảo cần phải tìm cho được những khó khăn trong việc CGCN trong nước giữa trường, viện với DN đang nằm ở đâu? 3 công đoạn là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, tổ chức trung gian, khớp nối và DN sử dụng đồng bộ với nhau nhưng không được thể hiện trong dự thảo luật, nhất là các chính sách hỗ trợ các DN trung gian. Và cuối cùng là phát triển vườn ươm DN khoa học công nghệ. Nếu chúng ta làm tốt thì nó sẽ trở thành nguồn lực cho đất nước, nhưng nếu luật chỉ nói khởi nghiệp suông thì coi chừng trở thành bong bóng, không có hiệu quả.