Điểm lại thông tin kinh tế tuần 13-17/5
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/5 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 16/5 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Giải ngân vốn đầu tư công của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2024 cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối và tuyệt đối, Chính phủ chỉ đạo sát sao để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công năm 2024 được Quốc hội quyết nghị và phân bổ chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 657.349 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 225.000 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 432.349 tỷ đồng. Năm 2024, vốn đầu tư công tiếp tục được kỳ vọng là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội cả nước và các địa phương.
Đến hết tháng 4, ước số vốn đầu tư công thanh toán là 115.906,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16,41% tổng kế hoạch; đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (663.807 tỷ đồng), cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 ước giải ngân được 110.633,6 tỷ đồng, đạt 14,66% tổng kế hoạch và 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công của năm 2024. Đạt được con số giải ngân đầu tư công cao trong 4 tháng đầu năm nay, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là nhờ hiện nay các cơ chế, chính sách về đầu tư công đã dần được hoàn thiện. Đồng thời, ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp xúc tiến giải ngân đầu tư công.
Cụ thể, từ 5 tổ công tác đôn đốc giải ngân, nay đã thành lập tới 26 tổ do các bộ trưởng, thành viên Chính phủ làm tổ trưởng để đôn đốc thực hiện tất cả các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư tích cực triển khai, đôn đốc thực hiện các công trình, dự án đầu tư công. Tại các công trình, các nhà thầu luôn làm việc cả ngày cả đêm, không có ngày nghỉ, không có ngày lễ, không quản nắng mưa, phấn đầu hoàn thành các công trình trước hạn từ 3-6 tháng. Qua các kết quả trên, có thể tin tưởng, mục tiêu Chính phủ đặt ra giải ngân được 95% kế hoạch đầu tư công 2024 hoàn toàn có khả năng đạt được.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng đặt ra. Những điểm nghẽn cố hữu của việc giải ngân đầu tư công vẫn là vấn đề thường trực, gồm khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư; liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng...; nhiều dự án chuyển tiếp vẫn chậm hoàn thành; nguồn thu từ đất của các địa phương còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách địa phương…
Liên quan đến các vướng mắc của các dự án trọng điểm quốc gia, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, ngày 30/03/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 258/QĐ-TTg về giao dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Giao thông vận tải và 8 địa phương, để thực hiện 3 dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia.
Tuy nhiên, đến ngày 23/4/2024, mới có Bộ GTVT và 4 địa phương (Khánh Hoà, Đắk Lắk, Cần Thơ, Hậu Giang) giao chi tiết kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 cho các dự án thành phần được giao quản lý, với tổng số vốn đã giao 4.021 tỷ đồng. Còn 4 địa phương là An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu chưa giao kế hoạch năm 2024 với tổng kế hoạch vốn chưa giao là 2.437 tỷ đồng.
Hơn nữa, về công tác giải phóng mặt bằng, thi công dự án, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay tiến độ giải phóng mặt bằng tại một số dự án thành phần thuộc những dự án như Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; dự án Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chậm hơn so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường điện cao thế còn nhiều khó khăn, chậm trễ. Các chủ đầu tư cũng chưa hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Bên cạnh đó, việc triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông lớn trong cùng khu vực dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu trong quá trình thi công, đặc biệt là vật liệu đất đắp, cát, đá… đối với các dự án tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Đối với những khó khăn, vướng mắc này, Chính phủ, TTCP đã có những chỉ đạo sát sao như yêu cầu các địa phương tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân để tăng tiến độ GPMB, các địa phương phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công nhanh chóng hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công.
Tóm lược thị trường trong nước tuần 13-17/5
Thị trường ngoại tệ trong tuần 13-17/5, tỷ giá trung tâm chủ yếu được NHNN điều chỉnh theo xu hướng giảm. Chốt ngày 17/05, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.239 VND/USD, giảm 32 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.450 VND/USD qua tất cả các phiên.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng ít biến động trong tuần từ 13/05 - 17/05. Kết thúc phiên 17/05, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.450 VND/USD, giảm nhẹ 02 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do cũng chỉ biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 17/05, tỷ giá tự do tăng 80 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.750 VND/USD và 25.820 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong tuần 13-17/5, lãi suất VND liên ngân hàng giảm ở tất cả các kỳ hạn qua hầu hết các phiên. Chốt ngày 17/5, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 3,95% (-0,30 điểm phần trăm); 1 tuần 4,22% (-0,21 điểm phần trăm); 2 tuần 4,40% (-0,26 điểm phần trăm); 1 tháng 4,65% (-0,15 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tăng - giảm nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 17/05, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,27% (+0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 5,33% (+0,02 điểm phần trăm); 2 tuần 5,40% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,43% (+0,02 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở tuần 13-17/5, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 28.000 tỷ VND, lãi suất 4,25%. Có 7.506,03 tỷ đồng trúng thầu và 7.337,87 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 6.000 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất đi ngang ở 3,75%/năm ở 4 phiên đầu tuần, phiên cuối tuần tăng lên mức 3,85%, có 13.100 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN bơm ròng 7.268,16 tỷ VND ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành giảm xuống mức 61.490 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 7.506,03 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu ngày 15/5, Kho bạc nhà nước huy động thành công 6.755 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 68%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 30 năm huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu, lần lượt là 2.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng. Kỳ hạn 10 năm huy động được 2.600 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 755 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng và kỳ hạn 20 năm huy động được 400 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 7 năm gọi thầu 500 tỷ đồng, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 1,72% (+0,06 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước), 10 năm là 2,61% (+0,06 điểm phần trăm), 15 năm là 2,78% (+0,05 điểm phần trăm), 20 năm là 2,86% (+0,06 điểm phần trăm), 30 năm là 3,03% (+0,03 điểm phần trăm).
Trong tuần này, ngày 22/05, Kho bạc nhà nước dự kiến chào thầu 9.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm và 10 năm cùng chào thầu 3.000 tỷ, 15 năm chào thầu 2.000 tỷ đồng/kỳ hạn, 20 năm chào thầu 500 tỷ đồng/kỳ hạn và kỳ hạn 30 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.419 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 11.619 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ kỳ hạn 30 năm. Chốt phiên 17/5, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,82% (-0,01 điểm phần trăm); 2 năm 1,84% (-0,01 điểm phần trăm); 3 năm 1,86% (-0,02 điểm phần trăm); 5 năm 2,01% (-0,02điểm phần trăm); 7 năm 2,27% (-0,002 điểm phần trăm); 10 năm 2,75% (-0,002 điểm phần trăm); 15 năm 2,96% (-0,01 điểm phần trăm); 30 năm 3,12% (không thay đổi).
Thị trường chứng khoán trong tuần 13-17/5, thị trường chứng khoán tiếp tục có một tuần tích cực. Chốt phiên 17/05, VN-Index đứng ở mức 1.273,11 điểm, tăng mạnh 28,41 điểm (+2,28%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 5,86 điểm (+2,49%) lên mức 241,54 điểm; UPCom-Index tăng 1,35 điểm (+1,47%) đạt 93,07 điểm.
Thanh khoản thị trường có cải thiện, trung bình đạt gần 22.000 tỷ đồng/phiên, so với mức 21.500 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 2.500 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell có phát biểu quan trọng về lạm phát và lãi suất, bên cạnh đó nước Mỹ cũng đón một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Ngày 14/05, trong sự kiện của Hiệp hội Ngân hàng tại Amsterdam, ông Powell nhận định quá trình hạ nhiệt lạm phát đã chậm lại đáng kể trong năm 2024.
Theo đó, ông để ngỏ khả năng liệu Fed có phải duy trì lãi suất hiện tại lâu hơn dự tính trước đây hay không, và cũng khẳng định không kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất chính sách xét trên dữ liệu hiện tại.
Liên quan đến thông tin kinh tế Mỹ, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần và PPI lõi tại nước này cùng tăng 0,5% so với tháng trước trong tháng Tư, vượt qua dự báo lần lượt tăng 0,3% và 0,2% của giới chuyên gia.
So với cùng kỳ năm 2023, PPI toàn phần và PPI lõi tháng Tư lần lượt tăng 2,2% và 3,1%, cùng tăng tốc so với mức 1,8% và 2,8% của tháng Ba.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại Mỹ cùng tăng 0,3% so với tháng trước trong tháng Tư sau khi cùng tăng 0,4% ở tháng trước đó, gần khớp với dự báo lần lượt tăng 0,4% và 0,3% của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2023, CPI toàn phần và CPI lõi tháng 4 lần lượt tăng 3,4% và 3,6%, cùng hạ nhiệt so với mức tăng 3,5% và 3,8% ghi nhận ở tháng Ba.
Tiếp theo, doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ trong tháng Tư đi ngang so với tháng Ba sau khi tăng 0,6% ở tháng trước đó (điều chỉnh về từ mức tăng 0,7% theo dữ liệu sơ bộ), trái với kỳ vọng tiếp tục tăng 0,4%. Doanh số bán lẻ lõi trong tháng vừa qua ghi nhận mức tăng 0,2% so với tháng trước, giảm tốc tương đối nhiều so với mức tăng 1,1% của tháng Ba và khớp với dự báo.
Tại lĩnh vực xây dựng, số cấp phép xây dựng nhà trong tháng Ba đạt 1,44 triệu đơn, giảm nhẹ so với 1,49 triệu đơn của tháng Ba và đồng thời thấp hơn mức 1,48 triệu đơn theo dự báo. Số nhà khởi công trong tháng vừa qua đạt 1,36 triệu căn, tăng lên so với 1,29 triệu của tháng trước đó, tuy nhiên chưa đạt mức 1,42 triệu căn theo kỳ vọng.
Cuối cùng, sản lượng công nghiệp tại Mỹ đi ngang trong tháng Tư, trái với dự báo tiếp tục tăng nhẹ 0,1% như kết quả đạt được trong tháng Ba. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng công nghiệp tại quốc gia này giảm nhẹ khoảng 0,4%.
Thị trường lao động Úc ghi nhận một số thông tin trái chiều. Văn phòng Thống kê Úc ABS cho biết quốc gia này tạo ra 38,5 nghìn việc làm mới trong tháng Tư sau khi giảm 5,9 nghìn ở tháng trước đó, tích cực hơn so với dự báo tạo ra 22,4 nghìn việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Úc trong tháng vừa qua tăng lên 4,1%, trái với dự báo tiếp tục đi ngang ở mức 3,9% như kết quả thống kê tháng Ba. Tỷ lệ thất nghiệp này bằng với kết quả thống kê của tháng 01/2024, mức cao nhất trong vòng gần 2 năm tại Úc.
Tiếp theo, biết chỉ số tiền lương tại quốc gia này tăng 0,8% so với quý trước trong quý I/2024, giảm tốc so với mức tăng 1,0% của quý trước đó và đồng thời thấp hơn mức tăng 0,9% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, tăng trưởng tiền lương trong quý đầu năm nay tăng 4,1% quý so với cùng kỳ, lần đầu tiên chậm lại kể từ quý IV/2020 (quý IV/2023 ghi nhận mức tăng 4,2%).