Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: Đến năm 2050, đi đầu cả nước về kinh tế biển
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị |
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 3 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Trung Trung Bộ (Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh); Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận); cùng 2 hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây.
Phát triển nhanh, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 04/5/2024. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng.
Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2030 là vùng phát triển nhanh, năng động, bền vững, mạnh về kinh tế biển (GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7,5 - 8%); phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt mức trung bình cao (GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 165 triệu đồng, tương đương 6.500 USD vào năm 2030); có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp như: công nghiệp bán dẫn, sản xuất và thiết kế chíp, các ngành công nghiệp xanh, năng lượng, công nghiệp lọc, hóa dầu và sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế.
Tập trung phát triển công nghiệp dọc theo các hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với các cảng biển, các đường quốc lộ kết nối với vùng Tây Nguyên.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông |
Tầm nhìn đến năm 2050, là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển. Phát triển được ít nhất 02 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quyết định số 376/QĐ-TTg đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá trong thời kỳ quy hoạch; Phương hướng phát triển và phân bố không gian các ngành có lợi thế của vùng (về Công nghiệp; Các ngành dịch vụ; Nông, lâm nghiệp, thủy sản; Phát triển kinh tế biển); Phương hướng phát triển các tiểu vùng, hành lang kinh tế, vùng động lực; Phát triển hệ thống đô thị, nông thôn và khu chức năng; Phát triển kết cấu hạ tầng; Phương hướng bảo vệ môi trường; Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết tại Quyết định phê duyệt quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Hội đồng điều phối vùng, các bộ, ngành và địa phương trong vùng triển khai các nội dung Quy hoạch Vùng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời, lưu ý đẩy mạnh huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, sử dụng có hiệu quả đối với nguồn vốn đầu tư công để phát triển hạ tầng chiến lược, cấp bách, quan trọng của Vùng, đảm bảo tổ chức thực hiện quy hoạch hiệu quả.
Thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả nhất
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ (về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26) được ban hành, các bộ, ngành và địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã khẩn trương quán triệt các nội dung, ban hành các kế hoạch hành động, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Qua hơn 1 năm triển khai đã đạt được những kết quả tích cực. Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 17 chỉ tiêu phát triển, 34 nhiệm vụ và 11 dự án, nhóm dự án quan trọng của vùng cần thực hiện đến năm 2030. Đến nay, đã hoàn thành 3/34 nhiệm vụ (gồm: Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng vùng); đã phê duyệt quy hoạch của 14/14 tỉnh trong Vùng. Các nhiệm vụ còn lại là các đề án lớn đang được các Bộ, địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai theo tiến độ.
Về 11 dự án, nhóm dự án quan trọng, liên kết vùng: đã hoàn thành 03 cảng hàng không và 01 cảng biển; dự kiến năm 2025 hoàn thành 01 tuyến cao tốc và đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai đầu tư 07 dự án còn lại trong thời gian tới; Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực NSTW để sớm hoàn thành đảm bảo thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam và kết nối toàn bộ các địa phương trong vùng; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột tuyến đường kết nối Đông - Tây đã được tập trung nguồn lực để thực hiện theo đúng tiến độ.
“Qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, về cơ bản, kinh tế - xã hội từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn; Chất lượng cơ sở hạ tầng trong vùng từng bước được cải thiện; Thể chế và bộ máy điều phối vùng đã được hoàn thiện; Hoàn thành Quy hoạch Vùng và Quy hoạch tỉnh làm nền tảng, định hướng cho thu hút đầu tư trong thời gian tới. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các địa phương được giữ vững ổn định”, Bộ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, còn một số khó khăn về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp quy mô lớn, phát triển các ngành kinh tế biển, xử lý các vấn đề có tính liên vùng như: giao thông kết nối, xử lý môi trường, cứu hộ, cứu nạn; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa.
Trao quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng |
Quy hoạch Vùng vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, thể hiện sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đối với việc xây dựng quy hoạch của các vùng trong cả nước. Để triển khai có hiệu quả Quy hoạch Vùng đã được phê duyệt, một trong những nội dung cần tập trung triển khai là phổ biến bản Quy hoạch một cách rộng rãi, công khai, minh bạch tới người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả nhất.
Với vai trò là Thường trực Hội đồng điều phối vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nội dung.
Về các nhiệm vụ: Các bộ, địa phương tiếp tục triển khai 11 nhiệm vụ đã giao trong năm 2023 và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các nội dung: các dự án động lực phát triển vùng; tổ chức và cơ chế hoạt động của các tiểu vùng; hình thức và chính sách phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển; cơ chế điều phối, liên kết trong các lĩnh vực du lịch, môi trường, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ Hội đồng Vùng, nghiên cứu phần mềm chuyên dụng, kết nối liên thông.
Về cơ chế, chính sách đặc thù: Các Bộ, ngành, địa phương tham gia ý kiến cho từng cơ chế, chính sách cụ thể để tiếp tục hoàn thiện.
Về Quy hoạch Vùng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch Vùng; các Bộ, địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Quy hoạch Vùng.
Về các dự án quan trọng, liên kết vùng: Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã khởi công; Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư hoặc nghiên cứu triển khai, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sáchđặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.