Lập lại kỷ cương với vốn ODA
Không đề xuất mua xe ô tô cho các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi | |
Khi vốn ODA cắt giảm | |
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA: Ai quyết định sai phải chịu trách nhiệm |
Sáng 16/8, khi cho ý kiến tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Chính phủ lập lại trật tự, kỷ cương và thực hiện nghiêm việc quản lý sử dụng các nguồn vốn NSNN, trong đó có vốn nước ngoài.
Theo tờ trình nói trên, kết quả giải ngân vốn nước ngoài 5 tháng đầu năm có sự chênh lệch rất lớn giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương. Một số bộ, ngành đã giải ngân cơ bản hết kế hoạch, nhưng cũng còn nhiều cơ quan và địa bàn giải ngân rất thấp, thậm chí chưa giải ngân. Trong khi tổng số kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 50.000 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5 năm 2016 mới giải ngân được 17.297,746 tỷ đồng, đạt 36,1% kế hoạch vốn đã giao.
Nguyên nhân giải ngân vốn chậm chủ yếu là do có sự khác biệt trong công tác đấu thầu giữa các thủ tục trong nước và nhà tài trợ, vốn đối ứng không đáp ứng đủ nhu cầu... |
Bên cạnh 8 địa phương giải ngân cao, còn lại khá nhiều đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân thấp hoặc hoàn toàn chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2016. Các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường; các địa phương gồm tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… trong danh sách 5 bộ, ngành trung ương và 11 địa phương giải ngân dưới 10% kế hoạch.
Ngoài ra, có 5 bộ, ngành trung ương và 9 địa phương khác hoàn toàn chưa giải ngân kế hoạch. Trong khi theo báo cáo, nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2016, tính đến hết ngày 30/6/2016 có 37 bộ, ngành trung ương và địa phương đề nghị bổ sung 23.416,765 tỷ đồng cho 125 dự án.
Giải trình cho nguyên nhân giải ngân vốn chậm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do có sự khác biệt trong công tác đấu thầu giữa các thủ tục trong nước và nhà tài trợ, giải phóng mặt bằng còn chậm, năng lực ban quản lý một số dự án còn hạn chế, vốn đối ứng không đáp ứng đủ nhu cầu, không được giải ngân vốn nước ngoài theo tiến độ thực hiện, công tác xây dựng kế hoạch vốn nước ngoài chưa được các bộ, ngành trung ương và địa phương thực sự quan tâm...
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải thì cho rằng, trong nhiều năm qua, công tác quản lý, sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập. Việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) điều chỉnh kế hoạch vốn, một lần nữa khẳng định những tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng dự toán, đề xuất danh mục, phân bổ, sử dụng nguồn vốn nước ngoài.
Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhiều công trình, dự án đang cần được bổ sung vốn để sớm hoàn thiện thì tình trạng trên là biểu hiện lãng phí, kém hiệu quả trong sử dụng vốn vay nước ngoài. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm để việc lập dự toán, phân bổ vốn phải đảm bảo tính hợp lý và được xây dựng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các điều kiện luật định.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khá gay gắt khi cho biết, Quốc hội khóa XIII đã có đề xuất giám sát việc giải ngân vốn ODA, minh chứng là hiện nay 638,5 tỷ đồng vẫn chưa phân giao, có 3 địa phương không có nhu cầu mà vẫn phân giao, 3 bộ chưa hoàn thành thủ tục mà vẫn ghi vốn, có bộ có ghi kế hoạch nhưng có bộ chưa ghi, có tình trạng sử dụng vốn ODA chưa cao.
“Khi các nhà đầu tư cho chúng ta vay đều đưa ra quy định ngặt nghèo về lãi suất, đấu thầu, vốn… Vậy quản lý ODA thời gian tới phải như thế nào cho hiệu quả là yêu cầu cấp bách. Đây là vấn đề lớn nhưng báo cáo của Chính phủ lại không rõ ràng. Đề nghị Chính phủ rà soát thêm, có thể phải trình ra Quốc hội xem xét đưa việc quản lý ODA đi vào nề nếp được”, ông Phùng Quốc Hiển nói.
Đề cập đến đề xuất bổ sung vốn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với đa số ý kiến của ủy viên UBTVQH là, hiện nay chưa đủ cơ sở để UBTVQH cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016. Việc này cần thực hiện đúng Luật Ngân sách Nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ lập lại trật tự, kỷ cương và thực hiện nghiêm việc quản lý sử dụng các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trong đó có vốn nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ giải trình rõ lý do dự án Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định đầu tư từ tháng 5/2014 nhưng không được đưa vào dự toán năm 2016 trình Quốc hội quyết định, nay lại đề nghị bổ sung. Ngoài ra, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân 3 địa phương là Bắc Ninh, Đồng Nai, Khánh Hòa không có nhu cầu phân bổ vốn ODA mà vẫn được bố trí vốn, trong khi Bộ Tư pháp lại chưa được giao kế hoạch vốn.
“Đối với một số bộ, ngành, địa phương có khối lượng hoàn thành khá cao so với kế hoạch nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp, đề nghị Chính phủ đôn đốc các đơn vị giải ngân đúng tiến độ và chỉ điều chuyển vốn đối với những đơn vị không có khả năng thực hiện, tránh để nợ đọng xây dựng cơ bản”, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.