Rầu lòng khi tàu vỏ thép nằm bờ
Ngư dân cần thêm cơ chế để tiếp tục ra khơi | |
(Kỳ II) Làm rõ những sai phạm | |
(Kỳ I) Tàu cá vỏ thép: Chưa ra khơi đã... nằm bờ |
Dư luận đang tỏ ra bất bình trước thông tin số tàu vỏ thép ở Bình Định mới đi vào sử dụng nhưng đã có 18 tàu bị hư hỏng (13 chiếc do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng, 5 chiếc do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng). Điều đáng nói ở đây là những chiếc tàu này được hình thành và hưởng các chính sách ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản.
Thoạt nghe thì có vẻ như sự việc trên chỉ tác động xấu về mặt xã hội, khiến những chủ tàu, ngư dân điêu đứng khi tàu không ra khơi đồng nghĩa với việc thu nhập không có, miếng cơm manh áo của họ bị ảnh hưởng. Nhưng nhìn rộng ra, việc một số doanh nghiệp đóng tàu làm ăn thiếu trách nhiệm, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà ảnh hưởng tới niềm tin của ngư dân, ảnh hưởng cả đến những chương trình, chính sách xã hội khác mà cả hệ thống chính trị đã, đang cùng nỗ lực triển khai.
Ảnh minh họa |
Còn nhớ Nghị định 67 từng được coi là một trong những nghị định được xây dựng nhanh và cấp bách nhất với các chính sách căn cơ hơn để hỗ trợ phát triển mạnh mẽ ngành đánh bắt thủy hải sản xa bờ, cũng như dần thay đổi phương thức đánh bắt cũ, định hình phương thức đánh bắt mới hiện đại, nâng cao giá trị thủy sản. Điểm quan trọng nữa của Nghị định 67 là khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển của Tổ quốc.
Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cho vay này, ngành NH cũng đã mường tượng và lường được những khó khăn, rủi ro khách quan, bất khả kháng như tàu gặp sự cố chìm tàu hoặc khai thác không hiệu quả, bị thua lỗ, không trả được nợ vay NH trong quá trình khai thác... Nhưng có lẽ cả NH và các bộ, ngành liên quan không lường được vấn đề lại phát sinh từ việc doanh nghiệp đóng tàu không tuân thủ các cam kết an toàn kỹ thuật, thậm chí trong hợp đồng nói rằng dùng thép của Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng trên thực tế lại sử dụng thép Trung Quốc giá rẻ, không đảm bảo chất lượng. Máy móc thì lắp ráp theo kiểu chắp vá... Tàu không thể ra khơi, không có thu nhập thì tiền vay NH, ngư dân sẽ trả bằng cách nào và trước mắt đã thấy “thấp thoáng” những khoản nợ xấu mà nguyên nhân lại do tắc trách từ phía DN đóng tàu.
Dư luận cũng đặc biệt lên án và đặt câu hỏi là tại sao một chủ trương, một chính sách tốt đẹp, an sinh xã hội như vậy mà DN đóng tàu trên lại cố tình làm sai. Nhất là khi cả xã hội, trong đó có ngành NH, các DN đủ mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế đã và đang chia sẻ với ngư dân với biển đảo quê hương thì hai DN đóng tàu trên có cảm thấy xấu hổ với sự gian dối của mình?!
Vụ việc gian dối, chỉ vì lợi ích của một, hai DN đóng tàu đã làm hỏng những nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là của hệ thống NH thời gian qua. Số liệu thống kê của NHNN đến hết quý I/2017 cho thấy, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 965 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay là 9.544 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.434 tỷ đồng. Tất nhiên, hiện nay rất nhiều tàu vỏ thép được hưởng chính sách của Nghị định 67 đang được ngư dân sử dụng hiệu quả và hy vọng rằng, sự cố tàu thép ở Bình Định chỉ là một “tai nạn”, có như vậy, NH mới yên lòng khi tiếp tục chính sách cho vay đóng tàu hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.