(Kỳ II) Làm rõ những sai phạm
(Kỳ I) Tàu cá vỏ thép: Chưa ra khơi đã... nằm bờ | |
Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra việc đóng tàu cá theo Nghị định 67 | |
“Chia lửa” với ngư dân |
Liệu có nhắm mắt làm ngơ?
Sau khi những lùm xùm về việc tàu cá vỏ thép mới đóng đã hỏng, các cơ quan chức năng ở Bình Định đã tổ chức một buổi đối thoại giữa các cơ sở đóng tàu, cơ quan chức năng và ngư dân... Tuy nhiên, ngay tại cuộc đối thoại này các bên đã không tìm được tiếng nói chung, nhiều ngư dân đã bỏ về giữa chừng vì thái độ thiếu hợp tác, chối bỏ trách nhiệm của một số công ty đóng tàu, cũng như đại diện các hãng máy tàu.
Chuyên gia của hãng Doosan (Hàn Quốc) kiểm tra thiết bị trên tàu cá của ngư dân bị hư hỏng |
Tham gia buổi đối thoại này có đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH ô tô Đông Hải (nhà phân phối chính thức của hãng máy Doosan tại Việt Nam)... Tại cuộc đối thoại, ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH ô tô Đông Hải cho biết, DN đã có kết quả kiểm tra các tàu cá của ngư dân có sử dụng máy Doosan bị hư hỏng, hầu hết đều do lỗi khách quan. Cụ thể, tàu cá của ông Nguyễn Đức Hưng ở Phù Cát có hiện tượng cải tạo một số bộ phận máy trên tàu, nhưng không báo cáo với nhà sản xuất. Tàu cá của ông Lê Văn Hát cũng ở Phù Cát có hiện tượng bộ nước làm mát bị cạn; máy điện có nước vào; táp lô điện bị tháo và buộc dây thừng, ngư dân không thể đỗ lỗi cho hãng máy...
Tuy nhiên, những đánh giá, xác định về tình trạng, nguyên nhân máy tàu bị hư hỏng và giải pháp khắc phục của các công ty đã bị ngư dân địa phương phản ứng gay gắt. Ông Trần Đình Sơn, chủ tàu BĐ 99245 TS ở Phù Mỹ bức xúc “máy tàu tôi mua là máy đập hộp, nguyên đai nguyên kiện trị giá gần 3 tỷ đồng, nhưng mới sử dụng đi 2 chuyến biển thì cả 2 chuyến đều xảy ra sự cố máy hư hỏng, thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Máy "xịn" sao mới dùng mà đã gãy cốt, còn thua máy cũ. Công ty phải thay toàn bộ máy mới, nếu không chúng tôi sẽ trả lại máy”.
Nhìn ở góc độ quản lý Nhà nước, nhiều người cho rằng, tàu cá vỏ thép hư hỏng nhiều như ở Bình Định, còn có nguyên nhân từ việc kiểm định của cơ quan đăng kiểm không tốt đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngư dân. Tại hội nghị bàn về vấn đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo NĐ 67 tại Bình Định, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã không né tránh việc tàu vỏ thép không đạt yêu cầu nhưng vẫn bàn giao cho ngư dân, có phần trách nhiệm Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản. Thực tế, để đóng một con tàu cũng như giám sát toàn bộ quy trình liên quan cần rất nhiều đơn vị, trong đó có quản lý Nhà nước. Đặc biệt, phải qua rất nhiều khâu đăng kiểm, kiểm tra chặt chẽ con tàu mới được bàn giao cho ngư dân. Vậy nên, nhiều người cho rằng nếu cơ quan đăng kiểm làm đúng nhiệm vụ thì khó có thể xảy ra hiện tượng tàu mới đóng đã... nằm bờ.
Điều đáng nói, sau khi một số ngư dân làm đơn phản ánh tình trạng tàu cá vỏ thép được đóng không như bản thiết kế lên cơ quan chức năng, một số công ty đã có biểu hiện khuất tất, có hành vi tung tiền mua lấy sự im lặng. Một số chủ tàu đã phản ánh tình trạng các cơ sở đóng tàu dùng tiền để yêu cầu ngư dân rút đơn kiện. Theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất tạm đình chỉ 2 cơ sở đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, nhận hợp đồng đóng mới tàu cá để tập trung khắc phục hậu quả và chấn chỉnh, đảm bảo chất lượng các tàu cá vỏ thép đã đóng
Phải làm đúng hợp đồng
Hiện, hầu hết các chủ tàu gặp sự cố ở Bình Định không đồng ý với chủ trương thay thế phụ tùng máy và yêu cầu các cơ sở đóng tàu phải thay bằng máy mới. Lý do được các ngư dân đưa ra, trường hợp máy hư hỏng, tàu cá bị thả trôi trên biển, tính mạng của ngư dân nguy kịch, lúc đó gọi báo tin, liệu các công ty có cử người ra biển sửa máy móc bị hư hỏng cho ngư dân và có chịu tổn thất do máy bị hỏng. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với những chuyến biển mà ngư dân thua lỗ do máy tàu gặp sự cố. Tuy nhiên, ông Chulhe Jeong, Trợ lý Tổng giám đốc phụ trách sau bán hàng khu vực châu Á của Hãng Doosan cho rằng, DN chỉ thay thế phụ tùng máy cho ngư dân theo chính sách bảo hành toàn cầu của hãng, không có trường hợp ngoại lệ...
Trong một diễn biến mới nhất, Công ty TNHH thương mại - xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát, trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh đã cam kết sẽ thay toàn bộ máy thủy mới chính hãng Mitsubishi cho 10 con tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định. Được biết, đây là DN đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Nam Triệu cung cấp động cơ máy chính hãng Mitsubishi cho các tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định. Thời gian khắc phục thay mới máy từ 1 đến 3 tháng. Trước thông tin này, nhiều ngư dân ở địa phương đã khá bất ngờ, bởi trước đó tại cuộc họp với UBND tỉnh Bình Định, đại diện của Hoàng Gia Phát đã khẳng định máy Mitsubishi chính hãng 100% và đổ lỗi nguyên nhân hỏng máy do ngư dân không biết sử dụng.
Xung quanh vụ việc, được biết công an tỉnh Bình Định đã vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã chỉ đạo tổ thẩm định độc lập tàu vỏ thép, sớm hoàn thành việc kiểm tra, giám định các tàu vỏ thép bị hư hỏng, để có các kết luận sớm nhất. Ông Trần Châu khẳng định, phải trả lại cho ngư dân một con tàu đúng nghĩa theo NĐ 67, để bà con ngư dân yên tâm ra khơi làm ăn, giữ biển đảo Tổ quốc. Nếu lắp máy không đúng thì tháo ra thay máy mới, chính hãng; Nếu làm thép Trung Quốc thì tháo ra, thay thép Hàn Quốc hay Nhật Bản như trong hợp đồng. Hiện, dư luận cả nước đang mong muốn các cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, xung quanh vụ việc này. Không thể chỉ cần đền bù hay thay mới vỏ tàu hay máy móc cho bà con ngư dân là có thể cho qua sự việc.