(Kỳ I) Tàu cá vỏ thép: Chưa ra khơi đã... nằm bờ
(Kỳ II) Làm rõ những sai phạm | |
Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra việc đóng tàu cá theo Nghị định 67 | |
Để đội tàu “sáu bảy” khai thác hiệu quả |
Bình Định, một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) về chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ. Với nhiều nỗ lực của của các ban ngành, trong đó có ngành Ngân hàng, liên tiếp nhiều “tàu sáu bảy” đã được hạ thủy. Thế nhưng, trong số đó có không ít con tàu vỏ thép trị giá hàng chục tỷ đồng, mới chỉ sử dụng trong thời gian ngắn đã lâm vào cảnh nằm bờ...
Tàu cá vỏ thép BĐ 99086 TS bị hư hỏng đang neo đậu tại cảng cá Đề Gi |
Tàu mới nhận đã hỏng
Huyện Phù Cát, địa phương có nhiều tàu cá vỏ thép đang gặp sự cố ở Bình Định. Tại cảng cá Đề Gi, thuộc địa bàn xã Cát Khánh, có rất nhiều con tàu vỏ thép của ngư dân đang đậu san sát bên nhau. Một số chiếc mới đóng những đã hoen gỉ, loang lổ, bong tróc.
Trên boong tàu cá vỏ thép Lê Gia 01 BĐ 99016 TS công suất 940 CV hành nghề lưới vây, ông Lê Văn Thãi chủ tàu đang hì hục tự sửa một số thiết bị bị hư hỏng. Ông Thãi cho biết, sau khi nhận tàu từ Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng), cuối năm 2016 mới mở chuyến biển đầu tiên nhưng đã thất bại. Nguyên nhân, do thiết bị hầm bảo quản sản phẩm không đảm bảo, khiến cho đá lạnh tiêu hao nhiều, phải quay đầu cho tàu vào bờ sớm, thua lỗ hơn 200 triệu đồng. Sau khi khắc phục xong sự cố, vận hành tàu để chuẩn bị mở chuyến biển tiếp theo thì hộp số và kim phun dầu của tàu bị hỏng, mười mấy ngày sau mới khắc phục được. Tuy nhiên, sau khi cho tàu chạy thử, thợ máy kiểm tra và cho biết bộ sơn hàn giải nhiệt tàu cá lại bị hư hỏng. Sau khi, tạm khắc phục xong những sự cố thì một số anh em bạn thuyền không dám lên tàu ra khơi. Bởi, anh em suy nghĩ đánh bắt xa bờ đến cả trăm hải lý, nếu không may tiếp tục gặp sự cố, biết kêu ai...
Tương tự, ngư dân Lê Văn Mi, cùng ở Cát Khánh, chủ tàu cá vỏ thép Lê Gia 03 BĐ 99569 TS cũng đang lâm vào cảnh tàu cá phải nằm bờ do tàu trục trặc. Con tàu Lê Gia 03 BĐ 99569 TS cũng được đóng ở Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu. Ngay hôm điều khiển tàu từ Hải Phòng chạy về cảng Đề Gi, dây lái trợ lực đã hỏng, không điều khiển được tàu, may nhờ có thợ máy của công ty đi cùng, nên mới khắc phục được. Tuy nhiên, mới đây trong một chuyến ra khơi, dây lái trợ lực của tàu lại bị bung, tàu mất phương hướng. Từ anh em bạn thuyền đến chủ tàu được một phen hú vía.
Những hỏng hóc như của tàu cá vỏ thép Lê Gia 01 BĐ 99016 TS hay Lê Gia 03 BĐ 99569 TS đang là chuyện thường ngày ở cảng cá Đề Gi. Còn những “ca” nặng hơn như, trường hợp tàu vỏ thép mang tên Khánh Đỏ BĐ 99086 TS của ông Đinh Công Khánh. Con tàu này bị hỏng hộp số, nằm bờ hơn cả mấy tháng nay, bất chấp thời điểm này đang là vụ đánh cá chính trong năm. Không nén nổi tiếng thở dài, ông Khánh tâm sự, tháng 9/2016 con tàu được hạ thủy. Con tàu đã được Trung tâm Đăng kiểm tàu cá của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm định, xác nhận tàu lắp máy Mitsubishi mới chính hãng. Thế nhưng, chiếc máy Mitsubishi được cho là mới “bóc tem” này ngay hôm chạy chuyến biển đầu tiên, khói phun ra đen kịt... như đốt than củi. Mới đây, các cơ quan chức năng ở địa phương đã xác định, máy chính của Khánh Đỏ BĐ 99086 TS không phải là Mitsubishi chính hãng, máy thủy nguyên chiếc...
Ngư dân lao đao
Đến nay, ngư dân Bình Định đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng 56 tàu cá đóng mới theo NĐ 67. Tuy nhiên, qua kiểm tra có đến 18 tàu cá vỏ thép mới đóng đã bị hư hỏng. Trong đó, có 13 chiếc do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng, 5 chiếc do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ở Nam Định đóng. Không biết ngẫu nhiên hay cố ý, hầu hết những tàu cá vỏ thép hư hỏng ở địa phương đều được đóng ở hai công ty này!
Thực tế, tại Bình Định không chỉ riêng ở Phù Cát, tại các địa phương khác như, Hoài Nhơn, Phù Mỹ hay TP. Quy Nhơn đều có nhiều tàu cá vỏ thép mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngư dân, tiến độ trả nợ ngân hàng. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng và hiệu quả khai thác thủy sản của các tàu đóng mới theo NĐ 67 trên địa bàn. Qua kiểm tra phát hiện trên nhiều tàu vỏ thép bị rỉ sét nặng, sơn chưa đúng quy định; máy tàu bị hư hỏng; các trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn… đều không hoạt động. Đặc biệt, trong số 13 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng, ngoài phần rỉ sét nặng ở vỏ tàu, thép không đúng loại theo hợp đồng thì máy chính của tàu cũng không được lắp theo đúng hợp đồng đã ký kết với ngư dân. Có 4/5 tàu cá của ngư dân tiếp nhận từ Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã bị gỉ sét, hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng.
Ngư dân Trần Đình Sơn, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99245 TS ở Phù Mỹ cho biết, con tàu được vay vốn theo NĐ 67 trị giá gần 20 tỷ đồng. Trong đó, ông vay ở BIDV Phú Tài 19 tỷ đồng. Như nhiều tàu cá vỏ thép khác ở địa phương, tàu BĐ 99245 TS cũng được đóng ở Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Thế nhưng, trong chuyến đi biển đầu tiên máy tàu đã trục trặc, phải quay về. Đến chuyến thứ hai thì máy bị gãy trục chính, gia đình phải thuê hai tàu kéo vào bờ, nằm chờ sửa chữa. Gia đình đã nhiều lần đề nghị cơ sở đóng tàu có biện pháp sửa chữa triệt để yên tâm vươn khơi. Thế nhưng, đến thời điểm này vẫn chưa được đáp ứng. Tàu không hoạt động, vừa không có thu nhập, vừa không có tiền trả lãi vay ngân hàng, gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Quay trở lại với những khó khăn của ông Đinh Công Khánh, chủ tàu cá Khánh Đỏ BĐ 99086 TS ở Phù Cát, ông Khánh cho biết, tàu nằm bờ, không những không đi biển được mà mỗi ngày còn phải mất mấy trăm nghìn đồng để thuê người trông coi tàu...
Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Bình Định Toàn tỉnh Bình Định có 57 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với các Ngân hàng. Trong đó, có 56 hợp đồng đóng mới, 47 tàu vỏ thép, 5 vỏ composite, 4 tàu gỗ và 1 hợp đồng nâng cấp với tổng số vốn cam kết cho vay 874,639 tỷ đồng. Các NHTM đã giải ngân cho 56 hợp đồng với số tiền 816,255 tỷ đồng. Dư nợ cho vay hiện tại là 813,273 tỷ đồng... Tuy nhiên, đến nay có 12 ngư dân vay vốn đóng tàu đã quá hạn nhưng vẫn không trả được nợ. Việc trả nợ không đúng kỳ hạn dẫn đến toàn bộ dư nợ sẽ bị chuyển đến sang nhóm nợ quá hạn, đồng nghĩa với việc ngư dân sẽ không được hỗ trợ lãi suất. Bởi vậy, chúng tôi đã đề nghị Ban chỉ đạo thực hiện NĐ 67/CP của tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, đánh giá lại năng lực tài chính, chuyên môn của các cơ sở đóng tàu và công bố kết quả cho các đơn vị có liên quan biết để tư vấn cho ngư dân, tránh tình trạng ngư dân thiếu thông tin khi lựa chọn cơ sở đóng tàu, dẫn đến chất lượng tàu không đạt yêu cầu. Đặc biệt, kiến nghị Bộ Tài chính, cho phép cơ cấu nợ nhưng vẫn được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản nợ vay theo NĐ 67 do nguyên nhân khách quan khác như: Công ty đóng tàu không giao tàu theo đúng thời hạn như trong hợp đồng đã ký kết; Công ty đóng tàu giao tàu kém chất lượng, thiết kế không phù hợp với thực tế nên ngư dân phải tốn thời gian và chi phí để sửa chữa lại tàu, dẫn đến khả năng tài chính bị ảnh hưởng, đồng thời phải kéo dài thêm thời gian ra khơi; Do diễn biến bất thường về khí hậu, ngư trường khai thác... Bổ sung nguồn tái cấp vốn cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo NĐ 67 cho ngân hàng để giảm áp lực về chi phí vốn, thực hiện tốt chính sách phát triển thủy sản theo NĐ 67 của Chính phủ. |