Rủi ro tỷ giá: Phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại
Cảnh giác không thừa
Chu kỳ sản xuất kinh doanh (SXKD) cuối năm đã bắt đầu tại nhiều DN, kéo theo đó là nhu cầu với các sản phẩm bảo hiểm tài chính cũng tăng lên. Nắm bắt và đón đầu nhu cầu này, đồng thời hướng các DN đến những sản phẩm tài chính dài hạn, chuyên nghiệp hơn trong tương lai, nhiều ngân hàng đang tiếp cận DN, đặc biệt là DN xuất nhập khẩu (XNK) bằng các sản phẩm bảo hiểm tài chính của mình.
Bởi theo các chuyên gia và lãnh đạo một số ngân hàng, mặc dù lãi suất và tỷ giá tiếp tục xu hướng ổn định nhưng các DN vẫn nên cảnh giác với những rủi ro có thể xảy ra. Vì thực tế đã có nhiều DN chịu lỗ khi tỷ giá tăng trong quá khứ.
Phòng ngừa rủi ro tỷ giá là không thừa với DN xuất nhập khẩu
Phó tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài cho biết, một DN có tiếng trên thị trường từng phải đối diện với khoản lỗ do tỷ giá tăng. Bởi với kim ngạch nhập khẩu khoảng 400 triệu USD/năm, chỉ cần tỷ giá ngoại tệ tăng lên 1%, DN này sẽ phải bỏ ra chục tỷ đồng để bù đắp cho sự biến động này. DN khác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm làm từ cao su cũng đã chịu khoản lỗ đến 15 tỷ đồng do biến động tỷ giá.
Một vụ “lỗ” do biến động tỷ giá điển hình là ở Công ty LG Electronics Vietnam. Vào năm 2008, do không sử dụng các biện pháp phòng rủi ro tỷ giá, thậm chí còn vay nhiều bằng tiền USD nên DN này đã mất tới 3 triệu USD chỉ trong một lần biến động tỷ giá lớn vào năm đó.
Bà Trần Hải Hạnh, Trưởng phòng Tài chính kế toán của LG Electronics Vietnam cho biết, công ty này nhập khẩu linh kiện nhiều, trong khi xuất khẩu hàng hóa đầu ra thường xuyên ít hơn do một phần hàng hóa sản xuất xong bán ngay trong nước nên lượng ngoại tệ thu về từ xuất khẩu luôn ít hơn lượng cần cho nhập khẩu. Nên khả năng dự báo biến động tỷ giá cũng là một trong những rủi ro rất lớn của công ty.
Chính vì không chủ động khoanh vùng rủi ro từ tỷ giá mang lại, các DN thường xử lý ở thế bị động bằng cách tăng giá bán hàng hóa dịch vụ. Nhưng rõ ràng, việc tăng giá trong bối cảnh hàng tồn kho cao, cạnh tranh hàng hóa giữa các công ty trong nước và giữa các nước ngày càng gay gắt thì đây không hẳn là giải pháp hay, thậm chí còn khiến DN kinh doanh càng thêm khó khăn hơn.
Những dẫn chứng đưa ra ở trên cho thấy một thực tế luôn đúng: Phòng hơn chống. Nếu chủ động, dù mất thêm một phần chi phí nhỏ nhưng bù lại, DN được bảo hiểm và miễn nhiễm khỏi rủi ro tỷ giá biến động.
Yên tâm tập trung cho SXKD
Trở lại câu chuyện của LG Electronics Vietnam. Từ sau năm 2008, DN này đã sử dụng các giải pháp phòng chống rủi ro, chủ yếu là nghiệp vụ hợp đồng tương lai (Forward) kỳ hạn 1 tháng, với tỷ lệ 30 - 50% nhu cầu ngoại tệ trong quan hệ tín dụng với HSBC, Citibank... nên đã phòng tránh được các rủi ro tỷ giá này.
“Chúng tôi phòng chống rủi ro biến động tỷ giá bằng cách mua Forward trước một lượng ngoại tệ. Dù phải mua với giá cao hơn một chút so với mua giao ngay (Spot) nhưng bù lại là sự an tâm không còn lo biến động. Nhờ đó, DN tập trung nhiều hơn cho hoạt động SXKD", bà Hạnh nói và cho biết thêm, khoản ngoại tệ thu về từ xuất khẩu sản phẩm chủ yếu được dùng để thanh toán cho phần nhập khẩu.
Trường hợp ngoại tệ về, đọng trong tài khoản lâu thì chỉ sử dụng nghiệp vụ Swap (hoán đổi) để bán cho ngân hàng và mua ngoại tệ nếu cần. Nhưng nghiệp vụ này ít dùng vì chênh lệnh khoảng thời gian nhập khẩu - xuất khẩu thường không nhiều.
Thực tế cũng cho thấy, các DN có hoạt động phòng ngừa rủi ro như LG Electronics Vietnam chưa nhiều, đặc biệt là với các DN có hoạt động liên quan đến XNK hàng hóa. “Trong khi biến động tỷ giá luôn là một ẩn số đối với các DN XNK và biến động này có thể gây nên thua lỗ lớn, số lượng DN thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá hiện nay vẫn còn quá ít”, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc nghiệp vụ Ngân hàng toàn cầu, Kinh doanh vốn và ngoại hối (HSBC Việt Nam) chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối (VIB) ghi nhận, nhiều DN vẫn ít quan tâm đến các biện pháp phòng chống rủi ro này. “Xu hướng trong thời gian tới, diễn biến tỷ giá sẽ tiếp tục cho thấy sự ổn định. Tuy nhiên, vẫn nên đề phòng những tác động đến việc điều chỉnh tỷ giá trong những tháng cuối năm. Trong những trường hợp đó, nếu không có biện pháp phòng ngừa, rủi ro có thể xảy đến với DN”, vị này nhìn nhận.
Nhìn về tương lai xa hơn, một chuyên gia ngân hàng đề xuất: “Khi đã tham gia vào các hoạt động giao thương trên thế giới, DN Việt Nam nên quan tâm phòng chống rủi ro về tỷ giá bởi họ không thể kỳ vọng tỷ giá sẽ luôn giữ nguyên không đổi”.
Đỗ Lê