Sacombank: Đề án đã xong?
Ông Dương Công Minh đạt số phiếu bầu cao nhất Chủ tịch Sacombank | |
Giữa khó khăn, Sacombank khẳng định vị thế “ông lớn” | |
Sacombank quyết chiến mảng bán lẻ |
Tỷ lệ nợ xấu thực sự ở Sacombank từ lâu đã là một dấu hỏi lớn kể từ khi sáp nhập với NH Phương Nam. Tuy nhiên, NHNN cuối cùng cũng đã có thông tin chính thức về khoản nợ này. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, số nợ xấu của Sacombank là 13.166 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu 6,8%. Ngoài ra, số nợ xấu mà NH đã bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) là 37.300 tỷ đồng. Nếu cộng gộp khoản này, tỷ lệ nợ xấu có thể đã lên đến hơn 21%.
Sacombank kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn |
Thực tế, con số tỷ lệ nợ xấu từ báo cáo trước kiểm toán của NH là 5,5%. Theo ông Nguyễn Miên Tuấn, Thành viên HĐQT Sacombank, việc đánh giá nợ xấu là định lượng nhưng cũng có yếu tố định tính. Lý do cao hơn là vì NHNN muốn xử lý nợ triệt để, nên phải đánh giá lại và rà soát các rủi ro tiềm ẩn của khoản vay kỹ càng hơn.
Năm ngoái, dư nợ tín dụng của Sacombank đạt 237.918 tỷ đồng, tăng 18,3%. Tuy nhiên, phần thu nhập từ lãi dự thu lại giảm. Theo ông Tuấn, Sacombank phải dừng các khoản lãi dự thu, đặc biệt là những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC. Hơn nữa, tổng tài sản không sinh lời hiện còn khá nhiều, trong khi NH vẫn phải trả chi phí huy động vốn từ khoản tiết kiệm của người dân. Vì vậy thu nhập lãi thuần giảm mạnh trong năm qua.
Dựa trên bối cảnh đó, NHNN đã đưa ra những hướng xử lý cho Sacombank với điểm chung là kéo dài thời gian trích lập dự phòng. Cụ thể, với phần lãi dự thu được NHNN cho khoanh lại, xử lý theo năng lực tài chính. Riêng các khoản dự thu của NH Phương Nam từ năm 2015 trở về trước được “khoanh” lại và phân bổ dần qua các năm và sẽ không đưa vào bảng cân đối kể từ năm 2016. Dự kiến, khoản nợ xấu hơn 15.000 tỷ đồng sẽ được khoanh lại và phân bổ dự phòng rủi ro trong 10 năm.
Với khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, thay vì trích lập trong vòng 5 năm, Sacombank được phép trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt trong vòng 10 năm. Phần xử lý tài sản, nếu bán thấp hơn giá trị sổ sách, NHNN cũng cho phép phân bổ trong vòng 5 năm, thay vì ảnh hưởng đến kết quả tài chính ngay trong năm.
Trên thực tế, cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng đồng ý cho Sacombank thời hạn 10 năm, tức giai đoạn 2015 - 2025 để xử lý dứt điểm phần nợ xấu. Dù vậy, các lãnh đạo của Sacombank lại tỏ ra khá tự tin, khi kỳ vọng đặt ra thời hạn xử lý chỉ 5 năm. “Lộ trình 10 năm là do Sacombank đề ra trên cơ sở thận trọng. Chúng tôi mong muốn có thể đẩy nhanh hơn tiến độ này”, ông Tuấn chia sẻ với báo giới.
Tình trạng chung của các NH trong thời gian qua là việc xử lý nợ bị vướng do cơ chế và do ảnh hưởng từ việc thị trường bất động sản bị đóng băng. Cơ sở để Sacombank tin rằng NH sẽ hoàn thành trước hẹn là vì tính thanh khoản của thị trường bất động sản đã được cải thiện. Hơn nữa, theo lãnh đạo Sacombank, khoản nợ xấu này phần lớn đến từ NH Phương Nam và đều có tài sản đảm bảo tương đối đầy đủ. NH dự kiến xử lý được 70% nợ xấu trong vòng 3 năm nếu như tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và những chính sách hỗ trợ được phê duyệt. Sacombank là NH có nội lực, hướng xử lý đã rõ ràng. Vì vậy, lãnh đạo Sacombank kỳ vọng sau 5 năm NH sẽ xử lý được tương đối dứt điểm, đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3% và trở lại như thời điểm trước sáp nhập.
Với những cơ hội mở ra như trên, cộng thêm yếu tố nhân sự được giải quyết trong mùa ĐHCĐ vừa qua càng củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư trong quá trình tái cấu trúc Sacombank. Theo đó, nhà đầu tư, cổ đông cũng như khách hàng có mối liên hệ với Sacombank có thể kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn đối với NH này sau nhiều năm “dính phốt”…