SCIC và những câu hỏi lớn - Bài 2
SCIC và những câu hỏi lớn - Bài 1 |
Ảnh minh họa |
11,8 tỷ đồng/năm tiền thù lao cho người đại diện được SCIC tiêu thế nào?
SCIC đang có 230 người làm đại diện vốn nhà nước tại các DN với các chức danh thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát. Năm 2015, khoản thù lao các DN trả cho 230 người này là 11,8 tỷ đồng; trong đó thù lao cho lãnh đạo SCIC kiêm nhiệm thành viên HĐQT các DN là 3,2 tỷ đồng.
Không giấu giếm, Lê Song Lai - Phó Tổng Giám đốc SCIC kể: “Riêng tôi, tôi là đại diện phần vốn Nhà nước ở nhiều DN. Những khoản thù lao trả cho tôi từ Vinamilk năm 2014 là 770 triệu đồng, FPT 20 triệu đồng/tháng, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh là 5 triệu đồng/tháng, Vinare 15 triệu đồng/tháng... Nhưng tất cả các khoản thù lao này tôi không được nhận mà được chuyển vào tài khoản quỹ chung của SCIC”.
Nghị định 91/NĐ-CP/2015 về quản lý vốn Nhà nước và quy chế của SCIC quy định rõ, tất cả các loại thù lao và lợi ích vật chất mà DN trả cho người đại diện vốn Nhà nước tại các DN là cán bộ của SCIC kiêm nhiệm đều phải chuyển vào tài khoản của SCIC.
Việc chi tiêu số tiền này được quy định tại quy chế tài chính của SCIC, và phải được trích lập các quỹ theo quy định. Cũng không có kẽ hở cho việc DN trả nhiều, chuyển vào tài khoản quy định ở SCIC ít, vì hàng năm, SCIC đều có văn bản gửi các DN đề nghị cung cấp số tiền thù lao DN trả và tra soát khớp lại số tiền chuyển về tài khoản trên làm cơ sở đối chiếu.
SCIC từ thất vọng đến kỳ vọng
“Kỳ vọng của Chính phủ vào SCIC khi thành lập Tổng công ty này là rất lớn, nhưng thực tế hoạt động của SCIC lại khiến không ít người thất vọng, trong đó có cả những ĐBQH như tôi”, ông Bùi Đức Thụ - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã trả lời báo chí như vậy. Thất vọng vì chưa thấy SCIC có nhiều thương vụ đầu tư lớn mang tầm “nhà đầu tư Nhà nước”.
“Nhưng nếu xét nguyên nhân chủ quan thì cũng có thể hiểu được. Hiện cơ chế thoái vốn của chúng ta còn nặng về hành chính hoá, quyền tự chủ cho SCIC chưa thoả đáng. Chưa kể quy mô quản lý vốn Nhà nước giao cho SCIC còn nhỏ - chỉ 3%, còn số vốn lớn vẫn nằm trong tay các tổng công ty, tập đoàn lớn... khiến kết quả hoạt động của SCIC không như kỳ vọng”, ông Thụ nói.
Hơn nữa với số lượng DN đã tiếp nhận và số vốn SCIC đang quản lý và kinh doanh đang quá nhiều so với nguồn nhân lực của SCIC.
Thành lập năm 2006, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại gần 1.000 DN với tổng giá trị vốn Nhà nước theo sổ sách kế toán hơn 8.850 tỷ đồng.
Sau khi tiếp nhận, SCIC đã tái cấu trúc DN và áp dụng các biện pháp quản trị hiện đại vào DN. SCIC tham gia quyết định các phương án kinh doanh của DN, đầu tư thêm vốn vào các DN kinh doanh có hiệu quả, giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, giúp DN nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho vốn Nhà nước, tăng nguồn thu cổ tức cho ngân sách Nhà nước.
Đến 31/12/2015, SCIC đã thực hiện tái cơ cấu, bán vốn thành công tại 851 DN, bán quyền mua tại 19 DN, thu về cho Nhà nước hơn 10.800 tỷ đồng, thặng dư bán vốn hơn 6.200 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với giá vốn. Danh mục DN của SCIC giảm về số lượng nhưng tổng giá trị vốn nhà nước do SCIC quản lý không ngừng gia tăng do vốn nhà nước được tái cơ cấu, không dàn trải.
“Chúng tôi tiếp tục rà soát, xem xét tổng thể, để tiếp tục củng cố, nâng cao quản trị, sản xuất kinh doanh của DN để nâng cao giá trị, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước theo đúng tôn chỉ, mục đích đã đề ra”, ông Lê Song Lai nói.
Đầu tư mang tầm “nhà đầu tư nhà nước” - bao giờ?
Danh mục vốn tiếp nhận và đầu tư SCIC đang quản lý hiện có gần 200 khoản với tổng giá vốn theo sổ sách kế toán khoảng 19.000 tỷ đồng (không bao gồm đầu tư theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ), giá thị trường ước đạt gần 94.000 tỷ đồng, gấp hơn 4,9 lần so với giá vốn sổ sách kế toán. Vốn chủ sở hữu của SCIC đạt khoảng 35.000 tỷ đồng. Tổng nguồn thu cổ tức cho Nhà nước giai đoạn 2006-2015 đạt khoảng 21.000 tỷ đồng.
“Với vai trò cổ đông tại DN, SCIC đã giúp đem lại các giá trị gia tăng và sự ổn định một cách bền vững cho DN. Thực tế đã chỉ rõ hầu hết các DN sau khi chuyển giao về SCIC đều đạt tốc độ tăng trưởng khá”, ông Lai cho biết.
So với thời điểm tiếp nhận, đa số các DN có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của khoảng 50 DN lớn (chiếm 90% giá trị danh mục của SCIC) vào khoảng 20%, trong đó có những DN có ROE cao như: CTCP Sữa Việt Nam (32%), CTCP Dược Hậu Giang (23%), CTCP Nhựa Bình Minh (22%),CTCP FPT (21%)…
Trả lời câu hỏi, vì sao chưa thấy có vụ đầu tư đình đám nào của SCIC, ông Nguyễn Đức Chi cho biết, SCIC đang nghiên cứu chiến lược đầu tư để có những thương vụ đầu tư tương xứng nhưng mục tiêu cao nhất vẫn là đảm bảo hiệu quả vốn nhà nước.
Một ví dụ là SCIC đã cùng các cổ đông khác đầu tư vào CTCP Cảng Vũng Áng – Việt Lào và SCIC chiếm 27% vốn. Nhưng muốn đầu tư lớn, đầu tư mới mà phải đảm bảo đầu tư nào cũng có lãi là việc thực sự khó và lại càng khó với vốn của Nhà nước.
“Quả thực anh em cán bộ trong SCIC vẫn có tâm lý “ngại” trách nhiệm. Trong 3 dự án, 2 dự án có lãi mà 1 dự án lỗ thì cũng có thể có rủi ro với cá nhân ngay”, ông Chi chia sẻ.
Hiện đầu tư chính của SCIC là đi mua cổ phần của các DN mà SCIC thấy sẽ có hiệu quả, chưa đầu tư mới vì nguồn lực có hạn. Hơn nữa nếu đầu tư mới mà bằng cách thành lập DN mới, đầu tư dự án mới … phải suy tính thật kỹ. Và có lẽ hiệu quả hơn là khi SCIC nhìn thấy cơ hội đầu tư, thay vì lập DN mới thì đầu tư vào cơ hội đó bằng DN hiện hữu mà SCIC có vốn trong đó.
“Nếu mạnh dạn đầu tư không may thua lỗ thì gay – vốn Nhà nước trong khi nếu đầu tư có lãi thì gần như cũng chẳng hơn được gì. Điển hình là thù lao của người đại diện tham giá HĐQT ở DN hoạt động tốt và người đại diện có vất vả bao nhiêu cũng bằng chỗ DN làm ăn tệ hại. Nhiệm vụ lớn, kỳ vọng nhiều nhưng cơ chế đặt cho SCIC lại đang không khuyến khích sáng tạo”, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty luật BASICO chỉ ra.
Vị thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng rất chia sẻ trước trách nhiệm và đòi hỏi của dư luận đối với SCIC. Ông nói: “SCIC là DNNN, cán bộ SCIC là công chức Nhà nước, một phía quy định họ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép nhưng một phía lại đòi hỏi phải sáng tạo… rất khó”.
Theo ông phải xét xem cái gì thuộc về SCIC cái gì không thuộc về nó, vấn đề nào trong tầm tay trong quyền hạn, vấn đề nào SCIC chưa làm được do việc đó vượt tầm SCIC.
Vị chuyên gia bật mí, SCIC đang có một kế hoạch cải tổ, và kế hoạch này sẽ mang lại sự thay đổi lớn. “Hãy để họ làm rồi hãy phán xét”, ông nói và cho biết thêm: “Tôi nghĩ trong hoàn cảnh hiện nay, SCIC chưa thể đạt được kỳ vọng, chưa thể bứt lên được. Nếu Nhà nước thật sự muốn SCIC khá lên được thì phải cải tổ, phải có những cải cách mạnh mẽ, trước hết là về tư duy thứ hai là cơ chế”.