SCIC và những câu hỏi lớn - Bài 1
SCIC và những câu hỏi lớn - Bài 2 |
Ảnh minh họa |
Hợp pháp nhưng chưa hợp lý
Là một DNNN quá đặc thù lại nắm trong tay nguồn lực lớn của Nhà nước nên hoạt động và hiệu quả của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) luôn là tâm điểm của dư luận với những khía cạnh và quan điểm khác nhau.
Đơn cử có những ý kiến không đồng tình khi SCIC đã chiểu theo cơ chế quản lý công chức nhà nước về tuổi lao động nên không đề cử những người có năng lực có kinh nghiệm vốn đang là lãnh đạo của DN đó làm đại diện vốn tại DN, ứng cử vào HĐQT của DN.
“Thay thế người đại diện khác, đó là điều đáng tiếc, song buộc phải tuân theo vì đó là quy định”, ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐTV SCIC phát biểu. Bởi theo Nghị định 106/2015/NĐ-CP, người đại diện vốn Nhà nước, lãnh đạo DNNN áp dụng quy chế như các công chức, viên chức Nhà nước về tuổi lao động và tuổi nghỉ hưu.
“Những trường hợp như chị Vũ Thị Thuận tại Traphaco hay chị Phạm Thị Việt Nga tại Dược Hậu Giang đều đã đến tuổi nghỉ hưu nên chúng tôi không đề cử họ đại diện vốn tại DN. Nhưng SCIC cũng tuân thủ quy chế bầu, theo điều lệ công ty, SCIC cũng là cổ đông bỏ phiếu bầu theo quy chế. Như trường hợp chị Thuận có số phiếu cao vào HĐQT Traphaco, SCIC không có ý kiến gì”, ông Nguyễn Đức Chi giải thích.
“SCIC không đề cử là đúng luật, không sai. Đứng về nguyên lý thì việc SCIC là chủ sở hữu hay đại diện sở hữu và khi giữ cổ phần chi phối ở DN thì được quyền định đoạt nhân sự của DN. Thứ hai lãnh đạo DNNN cũng như tôi, là một công chức Nhà nước đến tuổi thì nghỉ hưu”. Vị chuyên gia thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng khẳng định.
Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến khác. “Hành động của SCIC là hợp pháp nhưng chưa thật hợp lý trong nhiều trường hợp với mục đích thu hút người có năng lực nhất để quản lý và phát triển có hiệu quả phần vốn Nhà nước tại DN”, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới DN – Văn phòng Chính phủ cho biết.
Theo ông, để đạt được sự hợp lý thì phải có cơ chế linh hoạt để thu hút người giỏi vào quản lý phần vốn nhà nước và DNNN. Họ là những doanh nhân, không nên quản lý họ hoàn toàn như quản lý công chức Nhà nước. Thế nhưng đáng tiếc là SCIC chưa có cơ chế để sử dụng những người tuy quá tuổi lao động nhưng họ giỏi, có năng lực và chưa thể thuê người giỏi người có năng lực khác cùng cán bộ của SCIC quản lý vốn Nhà nước.
“Công chức, viên chức Nhà nước đến tuổi nghỉ hưu thì phải cho nghỉ, vì pháp luật không có quy định cho phép kéo dài trong trường hợp này. Nếu muốn kéo dài thì chỉ có hai cách: Thứ nhất là ký hợp đồng lao động thêm như thuê lao động bên ngoài và giao cho nhiệm vụ tham gia việc quản lý vốn cổ phần. Thứ hai là dùng lá phiếu của mình để bầu họ tiếp tục làm thành viên HĐQT như bất kỳ thành viên nào khác, với sự tin tưởng rằng sẽ làm tốt cho công ty nói chung và cho cổ đông là chính mình nói riêng”, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật BASICO hiến kế.
Tốt hay không để thị trường phán xét
Một bức xúc nữa hướng vào SCIC đó là tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên của một số DN lớn, SCIC đã bỏ phiếu phủ quyết một số nội dung, đề xuất thay đổi một số nội dung như chia cổ tức; có những trường hợp SCIC không đồng ý cho DN tăng vốn, phát hành thêm cổ phiếu…
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “SCIC có quyền biểu quyết như thế, miễn là không làm gì sai trái, còn việc có tốt hay không thì để thị trường và "hậu thế" phán xét. Quan trọng nhất SCIC là “thủ môn”, chứ không phải "tiền đạo", nên nhiệm vụ sống còn của SCIC là giữ gôn, tức là làm sao cho không mất, không giảm quyền của nhà nước tại DN”.
“Tôi khẳng định SCIC đã tối đa áp dụng nguyên tắc thị trường”, ông Nguyễn Đức Chi – khẳng định và cho biết: "Đã là kinh doanh mà lại là kinh doanh vốn thì phải theo nguyên tắc thị trường nhưng là vốn nhà nước thì phải đặt nguyên tắc gia tăng và bảo toàn đồng vốn đó lên trên hết trước mỗi quyết định bán - giữ - đầu tư thêm".
Quả vậy, nhiều ý kiến cho rằng SCIC là DN đặc thù được Nhà nước giao nhiệm vụ đầu tư vốn sản xuất kinh doanh, nên thời điểm phát hành cổ phiếu thế nào, phát hành bao nhiêu... phải căn cứ trên hiệu quả, lợi ích của DN và phải đảm bảo được lợi ích của Nhà nước. Nếu thời điểm đó thị trường chứng khoán xuống quá thấp, việc huy động vốn bằng cách bán cổ phần, thoái vốn... là không nên. Vì thế, việc can thiệp của SCIC trong những trường hợp như vậy là đúng để bảo toàn vốn Nhà nước.
SCIC hiện có vốn điều lệ 50.000 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chưa đạt mức đó. Đến thời điểm này, SCIC chỉ còn quản lý khoảng gần 200 khoản đầu tư, với tổng giá vốn khoảng hơn 20.000 tỷ đồng. Có những DN do SCIC nắm giữ chi phối, nhưng có những DN nắm tỷ lệ thấp dưới 10%, 20%, 30%. |
"Xung đột lợi ích và mục tiêu là điều khó tránh giữa các cổ đông. SCIC đang hướng đến lợi ích dài hạn, muốn DN đầu tư sâu hơn. Nhưng nhiều cổ động chỉ nhìn vào mục tiêu ngắn hạn muốn cổ tức cao – nhất là các quỹ đầu tư tài chính, họ chỉ mong sau 2 năm đầu tư, DN có lãi chia cổ tức cao là họ bán cổ phần và đóng quỹ", ông Chi giải thích.
SCIC đang thực hiện chiến lược đầu tư, ở một số DN sẽ đầu tư thêm nhưng cũng sẽ thoái vốn ở một số DN… “nhưng bất cứ ở trường hợp nào khi SCIC còn giữ vốn thì SCIC sẽ thúc đẩy hoạt động của DN cho hiệu quả nhất, tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, quy định về quản lý vốn Nhà nước, bảo đảm quyền lợi của cổ đông Nhà nước”, ông Chi nhấn mạnh.
“Chúng tôi đều thống nhất một quan điểm rằng, luôn cố gắng kéo gần lợi ích cổ đông Nhà nước với các cổ đông nhất có thể, tạo sự đồng thuận. Nhưng nếu khi không có sự đồng thuận thì pháp luật quy định thế nào thì ứng xử đúng như thế với tinh thần đảm bảo quyền lợi Nhà nước, hài hòa và đồng hành cùng DN, để DN có thể hoạt động hiệu quả nhất”, ông Lê Song Lai - Phó Tổng Giám đốc SCIC khẳng định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cũng có những điều mà SCIC phải rút kinh nghiệm, đó là sự trao đổi và phối hợp chia sẻ với các cổ đông trong các vấn đề để họ hiểu rõ và nắm được quan điểm của SCIC hơn.
Vị chuyên gia thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng SCIC đã làm đúng luật, đúng quyền hạn được quy định và đúng trách nhiệm được giao. “Muốn phê phán phải chỉ ra họ có làm đúng quyền hạn của họ không”, ông nhắc nhở và cũng đặt câu hỏi, làm đúng nhưng hiệu quả mang lại có cao không – điều này còn phụ thuộc và năng lực nhân sự của SCIC.