Sinh lợi tốt với tiền gửi kỳ hạn dài
Đầu tư tiền vào tiết kiệm | |
Sốt đất nền chưa tác động lớn vào tiền gửi | |
Phụ nữ: Tay hòm chìa khóa thông minh |
Gửi dài lãi cao
Chị Nguyên Ái ngụ quận Gò Vấp TP.HCM cho biết, giữa tháng 7, khoản tiền gửi 1 tỷ đồng với kỳ hạn 3 tháng sẽ đến hạn tất toán. Do không có thói quen mạo hiểm trong đầu tư nên chị vẫn tiếp tục gửi tiết kiệm song thay vì gửi ngắn hạn, khoản tiền này sẽ gửi dài hạn để sinh lợi tốt hơn. Chị cho biết, nếu gửi ngắn hạn, lãi suất cao nhất 5,5%/năm chỉ hưởng lãi suất khoảng 4,6 triệu đồng/tháng, còn lãi suất kỳ hạn dài hiện nay đã lên đến 8%/năm, số tiền lãi lên đến gần 6,9 triệu đồng/tháng.
Đầu tư bằng kênh tiết kiệm lợi ích vượt trội |
Không riêng trường hợp của khách hàng này mà nhiều người có thói quen gửi tiết kiệm cũng đang bắt đầu chuyển hướng tìm hiểu gửi tiền kỳ hạn dài vì chênh lệch lãi suất kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài đang ngày càng nới rộng.
Tại Eximbank, theo chương trình khuyến mãi gửi dài, tài lộc tăng, lãi suất cuối kỳ dành cho kỳ hạn 15 tháng ở mức 7,5%/năm, 18 tháng ở mức 7,8%/năm, kỳ hạn 24 và 36 tháng lên đến 8%/năm. Đáng chú ý, NH còn tặng thêm 0,2%/năm cho khách hàng gửi tiền trên Internet, Mobile Banking. Như vậy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng lên đến 8,2%/năm. Trong khi đó, nếu gửi tiết kiệm thường kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất được hưởng thấp hơn chỉ từ 4,6-5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6-12 tháng cũng chỉ từ 5,6-6,2%/năm.
Bên cạnh Eximbank, lãi suất kỳ hạn dài từ 8% trở lên cũng đang phổ biến, như lãi suất tiết kiệm trực tuyến tại VietBank kỳ hạn 36 tháng là 8%/năm, lãi suất kỳ hạn 24 tháng của NCB cũng ở mức 8%/năm, Viet Capital Bank áp dụng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 18 tháng ở mức 8,2%/năm. CBBank công bố tùy theo số tiền gửi, lãi suất cao nhất từ 12 tháng là 8,2%/năm, kỳ hạn từ 6-11 tháng là 8%/năm áp dụng từ ngày 5/4/2017. Nhiều NH khác mặc dù chưa đưa lãi suất chạm đến mốc 8%/năm nhưng cũng đang ngấp nghé mức này.
Tại BacABank, lãi suất huy động cao nhất là 7,75%/năm, gửi tiết kiệm trực tuyến tại Sacombank kỳ hạn 36 tháng được hưởng lãi suất 7,5%/năm, gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 15 tháng và tiết kiệm thường kỳ hạn 18 tháng tại HDBank cũng cùng mức lãi suất 7,5%/năm. Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi dài hạn đã tăng khoảng 0,2-0,4%. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định, mặt bằng lãi suất huy động trong 6 tháng đầu năm 2017 trên thị trường một nhìn chung có xu hướng tăng nhẹ. Tính đến 20/6/2017, lãi suất huy động bình quân toàn hệ thống tăng khoảng 0,03 điểm % đối với kỳ hạn trên 12 tháng và ổn định ở các kỳ hạn ngắn.
Thêm lựa chọn đầu tư
Không chỉ tăng lãi suất kỳ hạn dài, hiện nay, các NH còn chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi. Trong các đợt phát hành từ năm 2016 đến nay, hầu như chứng chỉ tiền gửi đều được bán hết và đáng chú ý là lãi suất đang ngày càng hấp dẫn. Ngày 21/6, ACB công bố lãi suất đối với 2.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm đã phát hành năm 2016 áp dụng cho kỳ tính lãi từ 30/6/2017 đến 30/6/2018 với mức khá cao 8,55%/năm. Tuy nhiên, ACB vẫn chưa phải là NH áp dụng lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất. Tháng 3/2017, Sacombank phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng VND với mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 5 năm trở lên hoặc 7 năm với mức lãi suất lên tới 8,88%/năm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, trong bối cảnh Việt Nam huy động vốn trung dài hạn khó khăn, đây là một công cụ hữu hiệu, tích cực cho cả phía NH lẫn người dân và thị trường tài chính.
6 tháng đầu năm 2017, cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng trung dài hạn và tăng tỷ trọng ngắn hạn, cụ thể ước tính tỷ trọng tín dụng ngắn hạn chiếm khoảng 45,9% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 44,9%), tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn giảm xuống còn 54,1% (cuối năm 2016 là 55,1%). Xu hướng này xuất phát từ việc Thông tư 06 quy định năm nay, hệ thống NH chỉ được phép dùng 50% vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn.
Vì vậy, các NH cũng phải cân đối lại kỳ hạn cho vay. 6 tháng cuối năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo việc ổn định lãi suất vẫn có các yếu tố hỗ trợ từ phía trong nước và quốc tế, tuy nhiên, lãi suất huy động có thể biến động mang tính cục bộ tại một số NH cân đối nguồn vốn để đáp ứng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% kể từ 1/1/2018. Như vậy, áp lực huy động vốn dài hạn của các NH vẫn còn rất lớn.
Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất sẽ không có nhiều biến động trong năm nay vì hiện NHNN đã yêu cầu giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn và giảm lãi suất điều hành chủ chốt từ 0,25-0,5%. Do đó, tâm lý gửi tiền kỳ hạn ngắn và đợi đáo hạn với lãi suất cao hơn đã không còn phù hợp. Vì vậy, chọn NH uy tín có mức lãi suất cao để gửi kỳ hạn dài và nhận lãi cuối kỳ hoặc mua chứng chỉ tiền gửi sẽ sinh lợi tối ưu đối với những người chuộng kênh gửi tiết kiệm NH.