Số hoá sẽ là xu hướng phát triển ngân hàng bán lẻ
Cơ hội tạo làn sóng sức mạnh toàn cầu, giải bài toán Kinh tế số hoá cho Việt Nam | |
“Kinh tế số hóa: Thế giới không chờ chúng ta” | |
“Số hoá” ngân hàng để bắt kịp thời đại |
Mảng ngân hàng (NH) bán lẻ Việt Nam được ghi nhận tăng trưởng chỉ mới từ năm 2015. Năm 2018, theo luật WTO, các NH nước ngoài sẽ được tiếp cận đầy đủ thị trường Việt Nam. Vì vậy, không chỉ là vấn đề cạnh tranh trên chính sân nhà, mà các NH còn cần nhận thức được đây là những thách thức lớn trong phát triển NH bán lẻ.
Số hoá dịch vụ bán lẻ giúp khách hàng nâng cao trải nghiệm dịch vụ NH |
Tại Việt Nam, dự báo xu hướng phát triển NH bán lẻ trong năm 2018, LPBResearch nhận định tài chính tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng khả quan và sẽ là mảng kinh doanh chủ đạo của các NH định hướng bán lẻ. Bên cạnh đó, trong năm 2018, các NH sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn trong việc nghiên cứu và ứng dụng NH số để mang tới cho khách hàng những trải nghiệm mới ưu việt và cắt giảm chi phí hoạt động cho NH.
Trao đổi với phóng viên một chuyên gia kinh tế cho biết, có một thực tế là, NH bán lẻ tại Việt Nam hiện giờ đang thiếu tính đặc thù khi “NH nào cũng là NH bán lẻ, với những sản phẩm na ná như nhau, thiếu tính cạnh tranh”. Do đó, chuyên gia này cho rằng, công nghệ số chính là chìa khoá để tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh, vì “NH nào chuyển đổi nhanh, an toàn đi kèm với nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, cạnh tranh về giá cả thì NH đó sẽ là tiên phong”.
Theo ông Phạm Xuân Hoè, Phó viện trưởng Viện Chiến lược NH (NHNN), sự thay đổi của công nghệ và nhu cầu của con người chính là cơ hội cho NH số và cả Fintech phát triển. Từ đó mà các sản phẩm, dịch vụ tài chính, NH linh hoạt, hiệu quả hơn và số lượng các Fintech tham gia thị trường cũng ngày càng gia tăng nhờ lợi thế cung cấp các dịch vụ tài chính, NH trên nền tảng công nghệ trong môi trường mạng. “Người tiêu dùng, nhà đầu tư, những người cung cấp dịch vụ tài chính, NH sẽ nghĩ nhiều hơn đến các hoạt động NH số và chú ý nhiều hơn tới sự phát triển của các Fintech”, ông Hoè cho biết.
Tuy nhiên, để chuyển đổi dần sang NH số không phải là chuyện nói mà làm ngay được. NH số đồng nghĩa với sự đầu tư lớn về công nghệ, nhân sự, trình độ quản lý, đào tạo...
Mới đây, Vietcombank lần đầu tiên bổ nhiệm chuyên gia nước ngoài ở vị trí giám đốc điều hành khối dịch vụ bán lẻ. Bên cạnh đó, một số NHTM đã và đang dần chuyển đổi, vận hành hệ thống CoreBanking mới như PVcomBank với Core T24, VietinBank với CoreSunshine... Bởi phải nâng cấp hệ thống CoreBanking mới đáp ứng được sản phẩm, dịch vụ NH số về tính đa dạng, phong phú và độ bảo mật cao.
Techcombank cũng là đơn vị có những đầu tư tương đối để phát triển theo hướng NH số. Thậm chí, từ cách đây 16 năm, Techcombank đã chi một khoản tiền tương đối lớn, tương đương 20% vốn điều lệ để đầu tư cho công nghệ là hệ thống CoreBanking của Temenos (Thụy Sỹ) mà theo chia sẻ của CEO nhà băng này thì đến cả chục năm sau nhiều thành viên khác trong hệ thống mới áp dụng được.
“Trở thành NH số đã không là một lựa chọn, mà là sự cần thiết đối với mỗi NH” là nhìn nhận của Ths. Phạm Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT Vietcombank về xu hướng phát triển NH số tại Việt Nam.
Bên cạnh vấn đề xác thực người dùng, ứng dụng chữ ký số, hay an toàn bảo mật dữ liệu... thì ông Tuấn cũng nêu ra thực tế: Trong quá trình cung cấp các dịch vụ trực tuyến vẫn xảy ra việc nghẽn mạng, mất kết nối, ảnh hưởng tiêu cực đến tính liên tục và ổn định của dịch vụ. Chưa kể tới sự chênh lệch về hạ tầng công nghệ giữa khu đô thị và khu vực nông thôn còn khá cao cũng gây khó khăn cho NH trong việc tăng khả năng thâm nhập của các dịch vụ NH điện tử.
Chính điều này đặt ra đòi hỏi với mỗi nhà băng phải tập trung đầu tư hơn về hạ tầng công nghệ thông tin. Cũng như thay đổi, chuẩn hoá trong hoạt động quản trị hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo hệ thống hoạt động 24/7, thông suốt, không gián đoạn.
Nguyên Phó tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Danh Lương có chia sẻ về trường hợp của Hàn Quốc - một trong những quốc gia đầu tiên có NH trực tuyến thực sự. Hệ thống thanh toán ở quốc gia này gồm một hệ thống xử lý các giao dịch có giá trị lớn và các hệ thống bán lẻ khác. Những năm gần đây chứng kiến bước phát triển đáng chú ý trong hệ thống thanh toán của quốc gia này.
Theo đó, với các hệ thống thanh toán giá trị thấp có thể thấy được sự phát triển nhanh của thẻ tín dụng (với các thương hiệu thẻ nội địa), tiền điện tử (ví điện tử trong thanh toán vé tàu xe), công cụ trả trước và các dịch vụ mobile banking (sử dụng apps).
Cũng tại Hàn Quốc, vào tháng 4/2017, KBank là NH trực tuyến đầu tiên không có điểm giao dịch, không có tư vấn viên, tất cả mọi nghiệp vụ NH như mở tài khoản, chuyển tiền, cho vay... được thực hiện chỉ với điện thoại thông minh và mạng internet.
Theo ông Lương, giải pháp cho Việt Nam là NHNN cần xây dựng hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ NH số theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp với rủi ro của từng sản phẩm, dịch vụ mới. NHNN cũng như các bộ, ngành liên quan cũng cần xây dựng các cơ chế phù hợp để hỗ trợ tài chính, công nghệ và tạo điều kiện thử nghiệm thực tế trong giới hạn nhất định với các sản phẩm, dịch vụ chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể.