“Số hoá” ngân hàng để bắt kịp thời đại
Kế hoạch phát triển thẻ thanh toán ngân hàng qua POS giai đoạn 2017-2020 | |
Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt: Việt Nam sẽ sớm đạt mục tiêu | |
Kiểm tra tiền gửi tại ngân hàng bằng QR code |
Tuy không nằm trong 9 lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhưng tài chính, NH - khu vực được coi là đứng đầu về tín dụng công nghệ thông tin - cũng sẽ không nằm ngoài vòng xoáy của cuộc cách mạng này. Đặc biệt khi càng ngày công nghệ đang làm thay đổi tất cả mô hình kinh doanh truyền thống, trong đó có ngành NH. Số hoá hoạt động NH dần trở thành xu hướng cạnh tranh của các nhà băng, bên cạnh lãi suất, hay việc mở rộng mạng lưới...
Cần sớm có chính sách, quy định về chuẩn công nghệ, kỹ thuật... áp dụng cho các NHTM Việt Nam để NH có cơ sở thực hiện |
Theo định nghĩa được Gartner (Công ty Nghiên cứu và Tư vấn về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới), NH kỹ thuật số sử dụng phạm vi rộng của công nghệ để tạo ra các phương pháp tương tác và cung cấp dịch vụ mới nhằm gia tăng trải nghiệm của khách hàng và có thể chuyển đổi DN.
Ông Bùi Quang Cương, Giám đốc khối CNTT của TPBank chia sẻ thêm, những khả năng này được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ, năng động, dễ tiếp cận. Nói một cách khác, NH số là NH dành cho công dân số. “Một NH số phát triển thông qua ba giai đoạn rõ ràng của cuộc cách mạng kinh doanh số: số hoá thụ động, chuyển đổi từ các quy trình tương tự sang số; và số hoá DN kinh doanh số. Hầu hết các NH hiện đang ở giai đoạn 1 hoặc 2, không phải giai đoạn 3”, ông Cương cho biết.
Một trong những mục tiêu lớn nhất của NH khi đầu tư công nghệ số là mong muốn nâng cao tính tương tác giữa NH và khách hàng trong cuộc sống bận rộn, không có nhiều thời gian để tới giao dịch trực tiếp tại NH. Đa phần các NHTM hiện nay đều đã và đang triển khai sale, marketing qua mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội là kênh để tối ưu hoá sản phẩm.
Đơn cử như TPBank, việc số hoá quy trình và tự động hoá, giảm thiểu sử dụng giấy, chuẩn hoá chất lượng dịch vụ, áp dụng công nghệ để tăng hiệu suất là yêu cầu đặt ra trong triển khai NH số của nhà băng này. NH này cũng ứng dụng công nghệ mới như private cloud để tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cấp hạ tầng active - active, truyền thông hợp nhất. Trong tháng 9/2017, TPBank đạt dấu mốc 30 máy LiveBank trên toàn quốc, đạt 60% kế hoạch mở rộng LiveBank trong năm 2017.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Giám đốc nhóm giải pháp kinh doanh châu Á, CitiBank Singapore, ông Jayarajan Balakrishnan đã nêu ra một số ứng dụng, tiện ích đang dần được các NHTM triển khai rộng rãi hơn. Có thể nói tới như việc thanh toán sử dụng mã quét QR, theo đó các NH sẽ có lựa chọn Scan&Pay cho dịch vụ chuyển tiền, các đơn vị chấp nhận thẻ có thể chấp nhận các thanh toán dựa trên mã QR, và khách hàng sẽ đăng ký và tạo mã pin QR riêng của mình.
Tại Việt Nam, từ năm 2015, SHB đã đưa ra phương thức thanh toán QPay sử dụng QRCode trên ứng dụng SHB Mobile. BIDV, VietinBank, Agribank, TPBank... cũng đã cập nhật thêm tính năng QR Pay dành cho thiết bị di động thông minh trên hệ điều hành iOS, Android. Với tiện ích này, khách hàng hoàn toàn bỏ qua tiền mặt hay các loại thẻ NH mà vẫn có thể giao dịch thanh toán, khi chỉ cần dùng camera điện thoại để quét mã QR trên các website bán hàng trực tuyến hay tại một số điểm như siêu thị, nhà hàng... có chấp nhận thanh toán QR do NH hỗ trợ.
Ngày 13/9 vừa qua, công ty Samsung và Napas đã công bố ra mắt giải pháp thanh toán di động Samsung Pay cho các khách hàng tại Việt Nam và là chủ thẻ của 6 NH VietinBank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, Shinhan Vietnam Bank và ABBank. Chủ thẻ ATM nội địa của 6 NH trên có thể thực hiện giao dịch thanh toán bằng Samsung Pay chỉ cần thao tác chạm vào máy quẹt thẻ với điện thoại Samsung có cài đặt ứng dụng Samsung Pay. Việc này giúp cho khách hàng không cần xuất trình thẻ mà vẫn có thể thực hiện giao dịch thanh toán, đồng thời cũng đảm bảo an toàn thông tin của khách hàng...
Không chỉ là thanh toán qua QR Code, những tiện ích bảo mật cũng được các NH đặc biệt quan tâm khi công nghệ nhận diện và xác thực bằng vân tay, khuôn mặt, giọng nói... dần trở nên phổ biến hơn.
Cạnh tranh công nghệ số giúp các NH từng bước khẳng định thương hiệu và phát huy thế mạnh của mình. Tuy vậy, một trong những vướng mắc trong triển khai các dự án CNTT, theo đại diện BIDV một phần do hiện nay NHNN cũng như các đơn vị quản lý khác tại Việt Nam chưa ban hành các Tiêu chuẩn kỹ thuật về CNTT của Việt Nam.
Điều này dẫn tới nhiều khó khăn cho NH trong việc xây dựng hoặc yêu cầu khi thực hiện phát triển các dự án/hệ thống CNTT. Các NH thường phải tham khảo thông tin về các tiêu chuẩn từ nước ngoài hoặc từ các hãng công nghệ khác nhau. Song việc tham khảo thông tin của các NH với nhau cũng rất hạn chế, dẫn đến hệ thống của mỗi NH theo một tiêu chuẩn và công nghệ khác nhau, khó khăn cho việc tích hợp, trao đổi thông tin cũng như hỗ trợ, học hỏi trao đổi kinh nghiệm với nhau.
“Đối với các dự án yêu cầu nghiệp vụ/kỹ thuật mới, phức tạp mà BIDV chưa có kinh nghiệm triển khai, NH luôn chủ động mời các hãng công nghệ hàng đầu trên thế giới tổ chức trình bày, giới thiệu các công nghệ, giải pháp mới đang được ứng dụng trên thế giới”, đại diện NH này chia sẻ.