Tái cơ cấu nông nghiệp: Hướng tới phát triển bền vững
Nhân rộng mô hình liên kết để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp | |
Cú hích cho tái cơ cấu nông nghiệp |
Tính đến ngày 15/6/2016, đã có 58/63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án hoặc Kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá, 3 năm triển khai tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành.
Chăn nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp tại huyện Nghĩa Đàn |
Những thay đổi đáng chú ý
Nghệ An là một trong những địa phương điển hình về tái cơ cấu nông nghiệp thành công. Ông Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, xác định rõ định hướng phát triển các lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp, của từng vùng.
Vì vậy, công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất được thực hiện tốt. Các quy hoạch được lập ra chi tiết, DN được kêu gọi đầu tư vào Nghệ An. Chỉ tính trong 2 năm 2014 và 2015, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp với số vốn hơn 4.500 tỷ đồng.
Cho đến thời điểm này, các DN đã thể hiện vai trò quan trọng, tạo nên những bước đột phá mới cho ngành nông nghiệp Nghệ An. Bởi thông qua các DN, dự án, công tác ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ đã đóng góp phát triển một số sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế của tỉnh và hình thành một số mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả.
Dự án chăn nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp ở huyện Nghĩa Đàn do CTCP Thực phẩm sữa TH là chủ đầu tư là ví dụ điển hình. Triển khai từ tháng 10/2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, đến nay tổng đàn bò theo báo cáo có hơn 40.000 con, trong đó có hơn 22.000 con đang cho sữa với năng suất sữa bình quân đạt 30 lít/con/ngày.
Tương tự, dự án trồng rau và hoa trong nhà kính tại huyện Nghĩa Đàn được đầu tư bởi Công ty Thiết bị và bí quyết nông nghiệp Green 2000 (Israel). Dự án được triển khai trên diện tích đất 104,7ha áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao trồng rau và hoa quả trong nhà kính.
Các dụng cụ và thiết bị đều được các chuyên gia của Green 2000 lựa chọn và cung cấp, đảm bảo đạt chuẩn và theo quy định của GAP. Hàng năm, sản lượng rau và hoa quả thu được đạt trên 3.800 tấn, cung ứng một lượng lớn rau, hoa quả sạch ra thị trường...
Ông Hồ Ngọc Sỹ cho rằng, với việc thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn đã đem lại hiệu quả lớn cho ngành nông nghiệp tỉnh. Qua 3 năm thực hiện đề án, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng với tốc độ cao hơn, giá trị sản xuất toàn ngành năm 2014 tăng 4,56%, năm 2015 tăng 4,72% vượt mục tiêu đề án đề ra 4 - 4,5%/năm. Ước tính 6 tháng đầu năm 2016 tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 4,28% so với cùng kỳ năm 2015.
Nền tảng đã hình thành
Ngoài nỗ lực của các địa phương, DN, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian qua còn có vai trò của nguồn vốn tín dụng. Theo NHNN, đẩy mạnh cho vay nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế nên NHNN đã ban hành hàng loạt các chính sách nhằm hỗ trợ việc chuyển hướng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, liên kết hiệu quả, có tính cạnh tranh cao.
Điển hình trong các chính sách tạo động lực hiệu quả là Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện chủ trương của Chính phủ về xây dựng chương trình cho vay thí điểm các mô hình liên kết trong chuỗi sản phẩm nông nghiệp, sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu và các mô hình sản xuất áp dụng khoa học và công nghệ cao…
Thực hiện các chủ trương trên, nhiều TCTD cũng đã dành các nguồn vốn riêng cho vay lĩnh vực nông nghiệp với lãi suất ưu đãi... NHNN khẳng định, trong thời gian tới, nhằm phát huy hơn nữa các chính sách tín dụng cho tái cơ cấu nông nghiệp, ngành Ngân hàng sẽ khơi thông dòng vốn tín dụng nhằm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa...
Chủ trương đúng, sự nỗ lực vào cuộc của địa phương, DN và các TCTD tạo nền tảng quan trọng để tái cơ cấu nông nghiệp đi đến đích. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo sự chuyển động bước đầu tại các địa phương và các khu vực kinh tế trong ngành nông nghiệp, một số ngành hàng có chuyển biến quan trọng như thủy sản và chăn nuôi. Số DN đầu tư vào nông nghiệp tăng cao, đặc biệt là các DN lớn…
Kết quả là, trong giai đoạn 2013-2015, mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường gây ra nhưng sản xuất tăng trưởng với tốc độ khá cao (tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm, giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm). Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013-2015 đạt 88,3 tỷ USD, trung bình đạt gần 29,5 tỷ USD/năm.
Riêng trong lĩnh vực trồng trọt, xuất khẩu các nông sản chính ở mức khoảng 14,5 tỷ USD/năm. Hiện có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, đáng chú ý là gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, rau quả. Một số mặt hàng có thị trường, giá trị xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng bình quân 42,8%/năm, hạt tiêu tăng 23%/năm, hạt điều tăng 16,5%/năm…
Tuy nhiên cũng theo ông Cường, ngành nông nghiệp vẫn còn những tồn tại như sức cạnh tranh chưa cao, chuỗi giá trị ngắn, thị trường xuất khẩu còn bấp bênh và đặc biệt an toàn thực phẩm còn là vấn đề lớn. Vì vậy việc đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.