Tận dụng CMCN 4.0 để tăng trưởng bao trùm
Người tiêu dùng ngày càng “chi không tiếc tay” để mua sắm, ăn uống và giải trí trong dịp lễ hội nói chung, ngày tết truyền thống nói riêng. Những dịp như thế này cũng tạo điều kiện để xu hướng mới trong mua sắm và thanh toán trực tuyến có cơ hội “tỏa sáng” như gửi quà tặng cho bạn bè và gia đình, cho thực phẩm, dịch vụ bán lẻ và ăn uống, du lịch…
Ngành Ngân hàng hướng đến tăng trưởng bao trùm |
Những xu hướng này lại giúp các nhà bán lẻ trực tuyến chứng kiến doanh thu của mình tăng theo cấp số nhân khi đơn đặt hàng tăng so với trước kỳ nghỉ lễ.
Theo nhận định của tờ the Nation, chính xu thế xã hội như: đô thị hóa và sự gia tăng thu nhập của tầng lớp trung lưu; người tiêu dùng trẻ tuổi đang chiếm ưu thế hơn trên thị trường; thương mại điện tử đặc biệt là thương mại điện tử di động ngày càng phát triển. Tất cả các yếu tố này cùng nhau hợp lực hỗ trợ cho xu hướng mới – chi tiêu, du lịch trong thời gian nghỉ lễ.
Mobile Banking là dịch vụ cho phép thực hiện mọi giao dịch kể cả với ngân hàng đã khá phổ biến. Sự ra đời của dịch vụ này khiến nhiều khách hàng thậm chí không cần đến chi nhánh ngân hàng, thay vào đó họ chọn thực hiện dịch vụ trên phần mềm ngân hàng trực tuyến. Cũng vì Mobile Banking mà một số lượng lớn các chi nhánh ngân hàng truyền thống đã buộc phải đóng cửa trong thời đại công nghệ số.
Đó là thực trạng ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh của Cộng hòa Liên bang Đức, vùng Franconia, phía Bắc Bavaria khiến nhiều người cao tuổi và cả các doanh nghiệp nhỏ địa phương không thể thực hiện các giao dịch.
Trước thực trạng này, ông Jürgen Schaller - Giám đốc một ngân hàng tiết kiệm nhà nước phải kiêm luôn tài xế lái chiếc xe tải chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng di động - Mobile Banking đến khu vực này đều đặn 4 lần/tuần. Do vậy, đối với những người dân hay các tiểu thương nhỏ nơi đây, dù phải chờ đợi cả tuần mới có một chuyến xe Mobile Banking xuất hiện nhưng đó lại là chuyện tốt.
Ước tính, có khoảng 20 khách hàng tại mỗi điểm chiếc xe tải dừng chân, tương đương 12.000 lượt giao dịch mỗi năm, con số quá nhỏ so với 8.800 giao dịch mỗi ngày qua các thiết bị kết nối Internet. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Schaller, đây lại là một trong những hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội trong kinh doanh để không ai bị bỏ lại phía sau.
Còn tại Việt Nam, thì ngược lại, tỷ lệ số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa chưa bao giờ đạt tới 100%. Việt Nam đang tận dụng CMCN 4.0 và tác động xã hội tích cực của nó để phát triển nền kinh tế tăng trưởng bền vững và đạt ngưỡng tối đa, bảo đảm tính bao trùm.
Trong lĩnh vực ngân hàng, Agribank đang tiên phong sát cánh cùng chính phủ hỗ trợ giảm nghèo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy bình đẳng giới và tham gia của phụ nữ vào kinh tế, bảo đảm mọi thành phần xã hội đều được tham gia vào phát triển và hưởng các lợi ích của phát triển…
Với lợi thế của một ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất và mạng lưới rộng nhất trong toàn hệ thống có gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch và gần 40.000 cán bộ, viên chức; là đối tác tin cậy của trên 30.000 doanh nghiệp, hơn 10 triệu hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp với nhu cầu vay vốn, tiết kiệm và sử dụng các sản phẩm dịch vụ của người dân ở khu vực nông thôn.
Song mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank vẫn khó đáp ứng hết nhu cầu giao dịch cũng như sự thuận tiện cho người dân, nhất là những nơi mà ngân hàng chưa đặt phòng giao dịch. Thêm nữa, bình quân một cán bộ tín dụng quản lý 800-1.000 hộ vay vốn trong điều kiện đi lại khó khăn…
Từ thực tế này, sáng kiến đưa "ngân hàng di động" về khu vực nông thôn của Agribank đang được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ủng hộ bởi Agribank đã biết tận dụng, khai thác tối đa điểm mạnh của mô hình kinh tế chia sẻ, “lá lành đùm lá rách” cũng là cách duy nhất để Agribank được sẻ chia “chiếc bánh” chung trong bối cảnh CMCN 4.0 đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.
Điều đáng nói là mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng của Agribank thực chất là ngân hàng truyền thống được tích hợp trên xe ôtô có kết nối công nghệ mạng hiện đại qua cổng sim 4G với đầy đủ chức năng của một phòng giao dịch ngân hàng cung cấp hầu hết các sản phẩm dịch vụ.
Mô hình này phù hợp với thực tiễn khi Chính phủ Việt Nam đang triển khai có hiệu quả 2 chương trình mục tiêu quan trọng là giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới với tinh thần mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng, càng làm tăng ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam hướng đến.
Việc triển khai điểm giao dịch lưu động của Agribank trên toàn quốc cùng lúc đạt nhiều mục tiêu lớn lao, đảm bảo đà tăng trưởng cho Agribank. Quan trọng nhất là giúp Agribank tiếp tục mở rộng mạng lưới tại các vùng xa xôi, hẻo lánh trên phạm vi cả nước; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế nói chung và của từng địa phương xa trung tâm nói riêng; thêm công cụ đầu tư để giảm bớt tín dụng đen; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với thành thị, đồng bằng.
Từ đó góp phần chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, củng cố và tăng niềm tin của người dân với thương hiệu Agribank. Giải pháp tình thế này đang chứng tỏ Agribank không chỉ là một thương hiệu gần gũi, hiểu biết và tận tâm trong cảm nhận của người dân nơi đây, góp phần làm tăng uy tín, vị thế của Agribank, mà cao hơn, Agribank đang đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.