Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho DNNVV
BIDV ra mắt sản phẩm dành riêng cho nhà phân phối Vinamilk | |
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DNNVV | |
DNNVV có chỉ số an toàn thông tin thấp |
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt nam, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm. Đó là những con số được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, để nói về sự đóng góp của khối DNNVV trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có thực tế là việc tiếp cận vốn của các DNNVV chưa thuận lợi như họ kỳ vọng dù NHNN đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho đối tượng này.
Bên cạnh NH, có nhiều nguồn vốn khác DNNVV có thể tìm kiếm tiếp cận |
Lý giải thêm về việc tín dụng DNNVV còn chưa cao, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nguồn lực của ngân sách nhà nước còn hạn chế; một số chương trình, gói hỗ trợ chưa thực sự phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Chưa kể việc thiếu thông tin/tổ chức cung cấp thông tin về DNNVV cũng như quy định minh bạch hoá thông tin đối với DNNVV. “Nợ xấu cũng cần có thời gian để xử lý triệt để và nhanh hơn. Và việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ DN như đào tạo, tư vấn; thị trường vốn còn nhỏ bé… đều là những nguyên do khiến dòng vốn cho DNNVV còn hạn chế”, chuyên gia này cho biết.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhận thấy: vấn đề lớn nhất với các DNNVV khi tiếp cận tín dụng với hệ thống NH là phần lớn DNNVV là các DN trẻ, chưa đủ thời gian xây dựng lòng tin với NH. Các NH thường thiếu thông tin cần thiết để giao dịch thành công với các DN như thế này. Tỷ lệ “sống sót” của các DN trẻ thường rất thấp, tạo ra rủi ro quá lớn cho NH. Thêm nữa, các DNNVV đang trong quá trình hoàn thiện thường yếu kém trong hoạt động kinh doanh, quản lý và khả năng marketing...
Nhiều DN không có đủ nhân viên kế toán đủ trình độ, không áp dụng đầy đủ các chuẩn mực kế toán, làm cho các hồ sơ của DN thiếu minh bạch, nên thật khó để NH có thể lấy thông tin chính xác từ các bản tổng kết kế toán của DNNVV. Khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn NH còn hạn chế, chưa kể thiếu chiến lược kinh doanh, hay phương án kinh doanh chưa khả thi… thì rất khó để đòi hỏi NH có thể phê duyệt phương án cho vay.
DNNVV gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn, nhưng cũng phải thừa nhận dưới sự chỉ đạo của NHNN, rất nhiều NHTM đã có những nỗ lực về chương trình, chính sách giảm thiểu gánh nặng vốn cho DNNVV. Như việc BIDV đã thành lập đơn vị độc lập chuyên trách quản lý phân khúc đối tượng khách hàng này và xác định thông điệp xuyên suốt “Đồng hành với SME”. LienVietPostBank và Hiệp hội DNNVV (VINASME) cũng vừa ký kết Thoả thuận Hợp tác khung tạo cơ hội cho các hội viên Hiệp hội tiếp cận nguồn tín dụng, các sản phẩm, dịch vụ tài chính với ưu đãi hấp dẫn…
Trao đổi với đại diện một DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp, vị này chia sẻ: DNNVV vay vốn DN đã khó rồi, DNNVV lĩnh vực nông nghiệp còn khó khăn hơn vì đây là lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào rủi ro thời tiết, môi trường. Ông này cho rằng, “đơn cử như với DN đầu tư nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao thì phải có bộ tiêu chí cụ thể để áp dụng cho các thực thể trên một cách hợp lý, có tính khả thi cao. Từ đó NH mới xác định được những dự án này sẽ cho ra những sản phẩm ra sao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế nào... để có những chính sách hỗ trợ phù hợp”.
Một trong những vấn đề, cũng là thực trạng chung của các DNNVV Việt Nam hiện nay được giới chuyên gia chỉ ra là sử dụng công nghệ lạc hậu, trong khi đây đang là thời kỳ mà công nghệ gần như chiếm lĩnh sự vận hành của hầu hết các lĩnh vực. Như chia sẻ của lãnh đạo một DN thì “công nghệ lạc hậu sẽ dẫn tới năng suất thấp, tiêu hao nguyên vật liệu và năng lượng cao, mà lại gây ô nhiễm môi trường và dẫn tới sản phẩm được sản xuất ra không đáp ứng được nhu cầu của thị trường về cả giá thành cũng như chất lượng. Đổi mới về công nghệ cần nguồn lực tài chính rất lớn, mà đây là rào cản với DNNVV”.
Vị giám đốc này nhận thấy một trong những giải pháp cho đổi mới công nghệ của các DNNVV là hỗ trợ các DNNVV khai thác nguồn vốn từ các quỹ hiện có. DNNVV tiếp cận vốn NH luôn phải đi kèm với tài sản thế chấp, các quy định khắt khe do rủi ro nợ xấu. Nên nguồn vốn từ các quỹ có thể giúp đối tượng này có đủ năng lực đổi mới về công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Quỹ đầu tư mạo hiểm cũng là nguồn tài chính mà hiện các DNNVV đang bỏ ngỏ. Dù hiện nay, các quỹ này chỉ tập trung ở các DN khởi nghiệp nhưng đối tượng DNNVV cũng vẫn có thể nhận được sự gật đầu “mở hầu bao” của các quỹ này nếu có một phương án kinh doanh thuyết phục.
Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích của nhà nước đối với DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, để giúp các DN có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp cận được nguồn vốn, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành với mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ.