Tăng hút vốn dài hạn không ảnh hưởng lãi vay
Cơ hội tăng vốn cho ngân hàng | |
Nhiều hình thức huy động vốn về cuối năm |
Nhiều NHTM tăng lãi suất trung dài hạn để cơ cấu lại nguồn vốn vay |
Nhiều ngả cạnh tranh huy động
Theo các chuyên gia ngân hàng, việc NHNN đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về còn 40% kể từ đầu năm đã tạo áp lực huy động vốn trung – dài hạn của các nhà băng trong thời gian qua. Áp lực này tiếp tục gia tăng khi mà NHNN đang đề xuất giảm tiếp tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về còn 30% trong thời gian tới.
Theo đó, từ đầu năm 2019 các NHTM như: LienVietPostBank, VietinBank, HDBank, Eximbank, VPBank… đã lần lượt phát hành hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu các kỳ hạn 3-5 năm như một cách tăng thêm nguồn vốn trung - dài hạn. Theo số liệu của công ty chứng khoán MBank (MBS), trong nửa đầu 2019 các NHTM đã huy động gần 18.200 tỷ đồng trái phiếu. Nếu tính cả những đợt phát hành gần đây, tổng giá trị chứng khoán nợ này đã vượt 1 tỷ USD.
Bên cạnh việc phát hành trái phiếu, để gia tăng hút vốn dài hạn, nhiều NHTM đã phát hành chứng chỉ tiền gửi và điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn huy động. Cụ thể, từ đầu năm đến nay các ngân hàng như VietABank, VietinBank và SHB đã lần lượt phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh cho khách hàng cá nhân các kỳ hạn 24-36 tháng với mức lãi suất dao động từ 7,9%/năm – 9,1%/năm.
Các nhà băng khác như: BIDV, Sacombank, LienVietPostBank, SeABank… cũng không đứng ngoài cuộc khi liên tiếp áp dụng các hình thức chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn từ 18 tháng – 36 tháng với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm (cùng kỳ hạn) từ 0,7%/năm – 1,7%/năm.
Đặc biệt, để giữ chân nhóm khách hàng gửi tiền lớn và khuyến khích khách hàng mới gửi tiết kiệm các kỳ trung dài hạn, trong tháng 7 vừa qua, gần 20 NHTM trong nước đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn trung dài hạn. Theo đó, các kỳ hạn tiết kiệm từ 13-24 tháng được hệ thống NHTM tập trung điều chỉnh tăng lãi suất nhiều nhất với mức tăng trung bình 0,5%/năm – 1%/năm so với thời điểm đầu năm 2019.
Ngoài việc tăng lãi suất huy động, các NHTM đưa ra những chính sách gửi – rút tiết kiệm rất linh hoạt và thuận tiện để khách hàng yên tâm dồn tiền vào các khoản tiết kiệm. Chẳng hạn, tại VPBank ngân hàng này cho phép khách hàng lựa chọn hình thức tiết kiệm bảo chứng thấu chi. Khách hàng có thể tạm ứng 80% giá trị sổ tiết kiệm (tối đa 1 tỷ đồng) để chi tiêu với mức lãi suất chỉ cao hơn 0,2% lãi suất tiết kiệm kỳ hạn tương đương.
Trong khi đó tại HDBank, Eximbank… khách hàng có thể chọn gửi tiền kỳ hạn 13 tháng với lãi suất xoay quanh 8%/năm, nhưng khi cần tiền đột xuất có thể cầm cố sổ tiết kiệm để vay lại vốn từ các ngân hàng với mức lãi suất chỉ cao hơn lãi suất gửi tiền từ 1,5%/năm – 2%/năm.
Ít tác động đến mặt bằng lãi vay
Theo nhận định của TS. Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM), việc các NHTM gia tăng các biện pháp huy động nguồn vốn trung và dài hạn, trong đó bao gồm việc tăng lãi suất một số kỳ hạn tiết kiệm chỉ là biến động nội tại ở một số TCTD nhỏ và không phải là xu hướng chung của cả hệ thống.
Ông Tín cho rằng, lãi suất huy động tại 4 NHTM Nhà nước hiện đang nắm giữ thị phần chi phối không có nhiều thay đổi. Trong khi, điều kiện để hưởng lãi suất cao của các NHTMCP khác cũng rất khó. Chẳng hạn để nhận được lãi suất 8,8%/năm phải gửi từ 100 tỷ đồng với kỳ hạn 24-36 tháng hoặc gửi trực tuyến, trong khi người dân thường có xu hướng gửi tại quầy và trong thời hạn vừa phải. “Vì vậy, dù ngân hàng đẩy lãi suất lên nhưng mặt bằng lãi suất huy động bình quân thực chất không tăng”, ông Tín nói.
Ở góc độ thị trường, các chuyên gia tại CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng việc các NHTM tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn trung hạn (13-18 tháng) chủ yếu mang màu sắc của việc đối phó với các chỉ số sử dụng vốn chứ không phải lý do căng thẳng thanh khoản.
Theo BVSC, trong tháng 7/2019 lãi suất thị trường liên ngân hàng đã chứng kiến 3 tuần liên tiếp sụt giảm. Lãi suất các kỳ hạn 1 – 3 tuần có thời điểm đã giảm dưới mức 3%/năm cho thấy thanh khoản hệ thống TCTD đã có phần dư thừa trở lại. Hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ cũng khởi sắc trở lại trong tháng 7 cũng là một bằng chứng cho thấy thanh khoản của các NHTM đang dư dả.
Điều đó cũng thể hiện trên thị trường 1. Quan sát trên thị trường hiện nay, mặc dù lãi suất các kỳ hạn 13 – 18 tháng có nhích lên nhưng mặt bằng lãi suất huy động các kỳ ngắn hạn và trên 24 tháng vẫn cơ bản ổn định. Tính đến tháng 7/2019 thậm chí một số NHTM (như BacABank, VPBank, VIB, Techcombank...) đã giảm 0,1 - 0,4 điểm % đối với lãi suất huy động các kỳ ngắn hạn từ 1 tháng – 6 tháng. Vì vậy một số chuyên gia tài chính cho rằng, khả năng xáo trộn mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) trong các tháng cuối năm 2019 là không lớn.
TS. Bùi Quang Tín nhận định, với nhiều biện pháp tăng vốn huy động trung dài hạn, khả năng các ngân hàng không mất nhiều thời gian để giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Khi các tiêu chuẩn sử dụng vốn được đáp ứng theo quy định của NHNN thì nguồn vốn khả dụng để cho vay các nhóm, lĩnh vực ưu tiên của các NHTM sẽ dồi dào hơn. Điều này cũng đồng nghĩa rằng các DN kinh doanh tốt sẽ vẫn có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi lãi suất trong các tháng cuối năm.
Đặc biệt, trong trường hợp nhiều TCTD nếu được NHNN tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong các tháng tới thì nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng sẽ tăng lên. Các TCTD đẩy mạnh cho vay theo hạn mức, cho vay theo các chương trình kết nối, hợp tác và cạnh tranh đưa vốn vào các “hệ sinh thái” khép kín sẽ giữ được mặt bằng lãi suất ổn định và biến động không đáng kể.