Tăng tiếp cận vốn cho khu vực nông thôn
Agribank tiếp tục đứng trong TOP10 – Bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2017 | |
Ngân hàng di động đầu tiên “lên non” | |
Agribank chào đón chủ tài khoản cá nhân thứ 10 triệu |
Trong tuần qua người dân ở các vùng nông thôn đặc biệt hứng khởi khi cán bộ Agribank Hà Tĩnh sử dụng ô tô chuyên dùng triển khai giao dịch tại xã Phú Gia (Hương Khê). Đây là dịch vụ mới của Agribank tại Hà Tĩnh - một trong 30 tỉnh được triển khai đề án điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, đưa ngân hàng đến gần với người dân.
Ảnh minh họa |
Với dịch vụ này, thay vì phải đi 7 - 8 km đường mới đến được chi nhánh của Agribank huyện Hương Khê thì nay người dân ở xã Phú Gia có thể gửi tiết kiệm, làm các thủ tục vay vốn, đăng ký sử dụng các dịch vụ ngân hàng chỉ vài ba trăm mét. Chia sẻ với báo giới, đại diện lãnh đạo Agribank Hà Tĩnh cho biết: Mục đích của đề án giao dịch bằng xe chuyên dùng nhằm đưa các sản phẩm tiện ích của ngân hàng đến với người dân vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, mạng lưới của Agribank phủ khắp các địa phương trong tỉnh với 350.000 khách hàng. Sau khi thử nghiệm thành công tại xã Phú Gia, chi nhánh sẽ đề xuất triển khai trên toàn tỉnh, đưa ngân hàng đến gần với người dân hơn.
Từ sự kiện này của Agribank có thể thấy, ngành Ngân hàng đang nỗ lực để tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, nhất là với những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn rộng ra, khi vấn đề tiếp cận vốn được giải quyết, người dân mạnh dạn vay ngân hàng và trong tương lai sẽ tạo nên những hộ sản xuất kinh doanh, gia trại, trang trại, thậm chí là DN ở các vùng nông thôn. Thống kê gần đây trong báo cáo của Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới cho thấy DN hoạt động khu vực nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số DN trên cả nước. Do đó việc đưa nguồn vốn thương mại đến tận xã sẽ kỳ vọng tạo cơ hội cho sự xuất hiện của doanh nhân, DN mới ở khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, khi ở không ít vùng nông thôn còn một bộ phận người dân vẫn tìm đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi thì với ngân hàng lưu động về tận thôn, xã sẽ giúp người dân nhận thức đúng đắn về tín dụng chính thống được cung cấp bởi ngân hàng.
Việc đẩy mạnh tiếp cận vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn mà cụ thể là Agribank triển khai giao dịch lưu động là một trong những kết quả từ chủ trương NHNN đã triển khai thời gian qua bằng nhiều biện pháp nhằm mở rộng khả năng tiếp cận vốn của người dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nông nghiệp, nông thôn, góp phần khắc phục tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Trong đó, cơ quan quản lý đã tăng cường đổi mới, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng; tăng cường phổ biến, tuyên truyền cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến người dân; Đổi mới chính sách cho vay theo hướng thông thoáng, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TCTD. NHNN yêu cầu các TCTD chủ động tiếp cận và hướng dẫn người dân làm thủ tục vay; nghiên cứu, phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; đơn giản hóa thủ tục cho vay…
Để góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, trong thời gian tới, bên cạnh những giải pháp đang triển khai nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như: Tiếp tục mở rộng mạng lưới của các TCTD, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn và các địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế để mở rộng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ ngân hàng. Các TCTD tích cực mở rộng khả năng huy động vốn và cho vay các cá nhân, hộ gia đình và DN.
Cùng với đó là tạo điều kiện cho việc phát triển các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, các chương trình, dự án tài chính vi mô và mở rộng hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho người dân và hộ gia đình, đặc biệt là các đối tượng người nghèo hoặc thu nhập thấp, các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách được tiếp cận dễ dàng hơn nguồn vốn tín dụng. Và qua các dịch vụ ngân hàng chính thức sẽ góp phần tích cực hơn trong triển khai tài chính toàn diện ở Việt Nam.