Tăng trưởng tín dụng 2017 ra sao?
Tín dụng tăng tốc về đích | |
Tín dụng nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng | |
Nới “vòng kim cô” để hỗ trợ tăng trưởng |
Để đạt được tăng trưởng GDP theo mục tiêu đề ra, Chính phủ chỉ đạo tăng trưởng tín dụng năm nay có thể ở mức 21-22%. Tuy nhiên, điều hành chính sách tiền tệ không chỉ đảm bảo tăng trưởng trong ngắn hạn mà còn phải hỗ trợ tăng trưởng bền vững, kiểm soát mục tiêu lạm phát (năm 2017 ở mức 4%), ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm tiếp theo, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động NH. Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi với một số chuyên gia để làm rõ vấn đề này.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam: Tăng trưởng tín dụng 21-22% nên coi là trần
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thường là cách làm dễ dàng nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhưng tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành NH, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành kém hiệu quả hoặc rủi ro cao.
Trong khi đó, một trong những thách thức với Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực là xu hướng suy giảm năng suất lao động. Khi tăng trưởng tín dụng nóng và các hộ gia đình cũng như DN có thể tiếp cận tín dụng dễ dàng thì người ta sẽ không có động lực để cải cách, không có động lực để tăng năng suất lao động. Trong tương lai khi tình hình trở nên khó khăn hơn, ví dụ như Fed tiếp tục nâng lãi suất, thách thức đó với châu Á sẽ tác động tiêu cực đến chúng ta…
Tăng trưởng tín dụng 21-22% nên được coi là mức trần tăng trưởng hơn là buộc phải đạt được bằng mọi giá |
Chính vì vậy, để đưa tăng trưởng tín dụng lên 21-22% năm nay thì cần trả lời được một số câu hỏi: Bản thân nền kinh tế, đặc biệt là các ngành và lĩnh vực ưu tiên muốn hướng tín dụng vào liệu có hấp thụ được lượng vốn đó không? Có đủ nguồn vốn hay nguồn vốn ở đâu ra để bơm vào hệ thống? Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR của các NH sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong bối cảnh vốn hầu như không tăng lên, và nhất là đặt trong lộ trình các NH đang tiến đến áp dụng Basel 2...
Do đó tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng 21-22% nên được coi là mức trần tăng trưởng hơn là buộc phải đạt được bằng mọi giá. Chúng ta nên tạo hành lang để hệ thống chạy theo định hướng điều hành. Ví dụ, chặn hoặc hạn chế dòng vốn vào một số ngành hàm chứa rủi ro cao và thời gian thu hồi vốn lâu dài như BĐS, còn lại thì để thị trường tự chạy.
Bản thân NHNN cũng đã nói rất rõ rằng, tín dụng sẽ phải tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên như sản xuất. Như vậy có thể thấy Chính phủ và NHNN cũng ý thức được về việc cần phải để tín dụng chảy vào những lĩnh vực thực sự hữu ích đối với phát triển kinh tế như thương mại, vận tải và viễn thông. Đây là một sự phát triển tích cực và có thể giúp cải thiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các ngành này.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhận thức rằng không nên chỉ trông chờ vào hệ thống ngân hàng với vai trò là người cung ứng vốn chính cho nền kinh tế. Về trung và dài hạn, chúng ta cần phát triển thị trường vốn cho Việt Nam. Nếu không thì năm nào cũng chỉ lo giải quyết các vấn đề ngắn hạn và câu chuyện sẽ cứ lặp lại.
TS. Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank: Tăng bao nhiêu là do sức hấp thụ
Theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành NH cũng đã chủ trương mở rộng tăng trưởng tín dụng. Tùy theo quy mô, chất lượng hoạt động của từng TCTD, NHNN quyết định room tín dụng. Đến thời điểm này, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng VietinBank được giao là 18%, tăng thêm 2% so với đầu năm. Tính trên tổng tài sản của NH hiện nay thì VietinBank có thể bơm thêm vào nền kinh tế khoảng 16 nghìn tỷ đồng. Ngoài yêu cầu tăng trưởng tín dụng 21-22%, mới đây, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các NH hạ lãi suất cho vay tạo điều kiện cho DN vay vốn nhiều hơn.
Tôi cho rằng, chủ trương của Chính phủ là đúng, để nhằm kích thích nhu cầu vay vốn giúp DN mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, về phía NH đã chuẩn bị đủ nguồn vốn theo kế hoạch được giao. Lãi suất cũng đang ở mức khá tốt, như VietinBank lãi suất thấp nhất từ 4-5%/năm dành cho các khách hàng tốt, còn lại phổ biến ở mức 6-7%/năm. Ngoài ra, các dịch vụ NH cải thiện đáng kể để có thể đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, tín dụng tăng được bao nhiêu phần trăm, quyết định thuộc về nền kinh tế, tức khả năng hấp thụ vốn. Bởi với cơ chế thị trường cạnh tranh như hiện nay, nếu NH nào không đổi mới cải cách sẽ bị tụt hậu. Hoặc là NH nào duy trì lãi suất cao rõ ràng không thể cạnh tranh được. Như nói ở trên, NH có thể cân đối đủ vốn, nhưng hấp thụ của nền kinh tế thế nào? Nếu khả năng hấp thụ yếu kém ảnh hưởng ngay đến chất lượng tín dụng, lạm phát. Vì vậy, dù chỉ tiêu định hướng đưa ra ở mức 21-22% nhưng các NH cân đối giữa chất lượng và rủi ro đảm bảo an toàn vốn vay.
Về phía VietinBank, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch từ đầu năm, vốn cho vay tập trung vào các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, các DN có sản xuất tạo ra hàng hóa, việc làm… Như vậy, NH vừa kiểm soát được vốn vay mà không tạo áp lực lên cung tiền, gây ra lạm phát.
Song, muốn đảm bảo vốn NH đi vào nền kinh tế hiệu quả, hạn chế rủi ro, tôi cho rằng cần có sự phối hợp hai phía: cả NH và nền kinh tế. Cụ thể, môi trường kinh doanh cần được cải thiện làm sao giúp cho DN thuận lợi trong mở rộng hoạt động. Các bộ, ngành bám sát diễn biến thị trường, chủ động điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Ngoài kênh tín dụng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế còn có thể qua nhiều kênh khác như giảm áp lực về thuế cho DN, tăng giải ngân đầu tư công, các nguồn vốn vay ODA…
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM: Tăng tín dụng phải thúc đẩy kinh tế
Thời gian gần đây có những ý kiến cho rằng tín dụng tăng nóng. Theo tôi, việc đánh giá tăng trưởng tín dụng nóng hay không cũng cần nhìn trên nhiều góc độ: chất lượng tín dụng, tỷ lệ lạm phát, những yếu tố tiềm ẩn rủi ro dẫn đến lạm phát…
Thực tế, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 8/2017 của các TCTD trên địa bàn TP.HCM khoảng 11,61% so với cùng kỳ năm ngoái, không phải quá cao. Theo tôi, tốc độ này hoàn toàn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như bối cảnh thị trường hàng hóa, bất động sản hiện nay. Thời gian qua, tăng trưởng tín dụng vẫn nằm trong định hướng dòng vốn đảm bảo hiệu quả vào sản xuất kinh doanh, các NH vẫn tập trung cho vay vào các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn đảm bảo hiệu quả đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn tín dụng.
Gần đây, Chính phủ định hướng ngành NH nâng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng lên cao hơn nữa, trong phạm vi chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam hiện nay thì hệ thống NH không có khó khăn gì trong việc thực hiện tăng trưởng tín dụng. Vấn đề là tăng trưởng tín dụng phải gắn với tăng trưởng kinh tế, phải đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Theo tôi, đối với ngành NH, cần tiếp tục thực hiện chính sách tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiếp tục các giải pháp hỗ trợ DN. Trong đó, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho DN trong sản xuất kinh doanh và khâu tiếp cận vốn NH, đổi mới giao dịch vốn, mô hình giao dịch. Phát triển mạnh internet banking để thúc đẩy việc trao đổi và cung cấp thông tin giữa các TCTD với khách hàng vay vốn thông qua hồ sơ qua mạng, minh bạch thông tin lãi suất.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao cho về tăng trưởng tín dụng đồng thời vẫn đảm bảo phát triển bền vững, đây là hai mặt của một vấn đề. Tuy nhiên, giải pháp căn bản nhất hiện nay đối với hệ thống NH đó là tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, đảm bảo tăng trưởng tín dụng cho tăng trưởng kinh tế để tránh tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.
Bài học về tăng trưởng tín dụng nóng những năm trước đây của những đơn vị có những khoản vay vào các dự án BT, BOT vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó một giải pháp quan trọng trong việc kiểm soát rủi ro khi tín dụng tăng cao hiện nay là các chủ đầu tư thực hiện những dự án cho Nhà nước nhưng có sử dụng vốn NH trong mô hình hợp tác công - tư phải được triển khai có hiệu quả.
Từ đó, các TCTD cần phải đảm bảo tuân thủ các quy định cơ chế chính sách về tín dụng, an toàn trong hoạt động NH để đảm bảo khai thác và sử dụng vốn hợp lý. Bên cạnh những quy tắc về tín dụng, thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm về tín dụng để giữ kỷ cương thị trường.