Tín dụng nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng
Các TCTD sẽ được xếp hạng theo 5 nhóm dựa trên 6 tiêu chí theo CAMELS | |
Đồng bộ giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng | |
Xử lý triệt để sở hữu chéo, ngăn nợ xấu phát sinh |
Trong nỗ lực đạt được tăng trưởng GDP 6,7%, Chính phủ đang định hướng tăng trưởng tín dụng (TTTD) ở mức 21% trong năm nay. Khối Nghiên cứu của HSBC cho rằng, mục tiêu TTTD 21% có thể dễ dàng đạt được (trên cơ sở đà TTTD như hiện tại và việc NHNN đã cắt giảm lãi suất trong tháng 7). Tuy nhiên cảnh báo, điều này có thể gây ra nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình giải quyết nợ xấu vẫn còn chậm và chất lượng tín dụng có thể được tạo ra trong việc đạt được mục tiêu mới. Hơn nữa, việc phân bổ tín dụng là rất quan trọng vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phải cạnh tranh về vốn với các DNNN và các doanh nghiệp tư nhân lớn khác.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, theo báo cáo này, TTTD nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành Ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành kém hiệu quả. Đơn cử, các lĩnh vực liên quan đến bất động sản dường như cho thấy vẫn đang góp phần nhiều nhất cho tổng TTTD mặc dù trong những tháng gần đây thì sự đóng góp của bất động sản đã giảm.
Hơn nữa, những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều ghi nhận rằng, các DNNN hiện đang hấp thụ một lượng tín dụng không cân xứng trong nền kinh tế Việt Nam so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một nghiên cứu thực nghiệm của IMF cũng cho thấy, các DNNN vay với lãi suất thấp hơn so với các doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, một cuộc khảo sát của WB về các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy chỉ có 29% số doanh nghiệp nhỏ (có từ 1-20 nhân viên) có một hạn mức tín dụng chủ động, trong khi các DNNN và các công ty lớn trong nước có thị phần tín dụng lớn nhất trên thị trường.
Do đó, việc phân bổ tín dụng sai lệch và giảm bớt đầu tư tư nhân nếu không được kiểm soát có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai.
Mặc dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra một số dấu hiệu tích cực như việc Chính phủ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm soát TTTD trong các ngành kém hiệu quả. Như các phương tiện thông tin đại chúng cho biết, Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng hạn chế cho vay trong lĩnh vực bất động sản so với các ngành khác để ngăn chặn các khoản vay hiệu quả thấp. Trong khi đó, thương mại, vận tải và viễn thông là những ngành đóng góp lớn hơn cho TTTD kể từ đầu năm. Đây là một sự phát triển tích cực và có thể giúp cải thiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các ngành này trong nước.
Hơn nữa, Chính phủ gần đây đã ban hành các biện pháp mới giúp các ngân hàng và Công ty VAMC dễ dàng hơn trong việc xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp khách hàng mất khả năng trả nợ, qua đó tăng khả năng thu hồi tài sản từ nợ xấu.
Đồng thời, việc cổ phần hoá và cải cách DNNN đang diễn ra vẫn là vấn đề cốt yếu đối với việc cân bằng sân chơi tiếp cận tín dụng vì nó có thể giúp chuyển các khoản tín dụng hỗ trợ các DNNN yếu kém sang giúp thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân.
Báo cáo kết luận, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua kênh tín dụng là một chiến lược hợp lý khi vai trò của tiêu dùng tư nhân và đầu tư ngoài quốc doanh ngày càng tăng. Hơn nữa, trong tương lai nợ công đang tăng có thể là một trở ngại đối với chi tiêu của Chính phủ đã gia tăng. Tuy nhiên, chất lượng và việc phân bổ tín dụng bên cạnh việc giải quyết các vấn đề nợ xấu đang hiện hữu đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo rằng tăng mục tiêu TTTD sẽ được chuyển thể vào tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững hơn trong tương lai.