Nới “vòng kim cô” để hỗ trợ tăng trưởng
Hỗ trợ tăng trưởng: Ngân hàng nặng gánh | |
Vì mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế | |
Ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế |
Tạo lực đẩy cho tín dụng
NHNN đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài. Trước đó, Thông tư này đã được sửa đổi bởi Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Một trong những nội dung chính được dư luận quan tâm tại Dự thảo lần này là quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các NH, chi nhánh NH nước ngoài sẽ giảm xuống còn 45% kể từ đầu năm 2018, giảm tiếp xuống mức 40% từ đầu năm 2019 thay vì mức 40% vào 1/1/2018 như quy định trước đó tại Thông tư 06.
Ảnh minh họa |
Giải trình về điểm sửa đổi này, cơ quan soạn thảo cho biết Dự thảo được dựa trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát của NHNN và số liệu kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2017, cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong những tháng cuối năm. NHNN sẽ điều chỉnh sao cho tỷ lệ này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và tình hình thực tế cho vay trung, dài hạn của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị NHNN đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2017 đạt trên 21%, góp phần lớn vào việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến nhà điều hành đưa ra đề xuất giãn lộ trình sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Định hướng xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 của NHNN là nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tế hoạt động và khả năng tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, đa số ý kiến chuyên gia đều cho rằng động thái này của nhà điều hành là phù hợp. Qua đó giúp cho các NHTM có thêm thời gian cơ cấu lại nguồn vốn, nắn dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất trung, dài hạn, hỗ trợ đẩy mạnh tín dụng và bớt lo lắng về trần của các tỷ lệ giới hạn như quy định tại Thông tư 36. Thậm chí có ý kiến nêu quan điểm quy định mức 45% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn là hơi căng, có thể xem xét giữ ở mức 50% cho tới hết năm 2018. Đây cũng là kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), bởi theo cơ quan này nếu tỷ lệ tối đa vẫn là 50% tới hết năm 2018 thì sẽ là nguồn lực hỗ trợ hiệu quả cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như của thị trường bất động sản.
Một chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ thêm: Hiện hầu hết ở các NHTM, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã nằm ở xung quanh ngưỡng 40%, thậm chí có NH còn nhiều hơn. Theo số liệu của NHNN, vốn trung, dài hạn chỉ chiếm 13 - 15% tổng huy động trong khi cho vay trung, dài hạn lại chiếm tới 53-55% tổng cho vay. Hay nói cách khác, nguồn vốn của chúng ta vẫn chủ yếu lấy vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn”.
Chưa có lo ngại về tín dụng bất động sản
Cũng có những ý kiến lo ngại về việc nếu lộ trình được nới lỏng sẽ tạo điều kiện cho dòng vốn vào các lĩnh vực nhiều rủi ro tăng, ví dụ cho vay bất động sản. Nêu quan điểm về vấn đề này, TS-LS. Bùi Quang Tín cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay chưa tới mức phải lo ngại như vậy. Bất động sản chỉ nóng ở một số phân khúc, tại một số khu vực nhất định và chắc chắn là phải lưu tâm cảnh báo, nhưng hiện tượng này không diễn ra trên mặt bằng chung. Bởi theo quan sát của vị chuyên gia này, những người có nhu cầu thực thì vẫn được vay vốn NH bình thường. Còn nhà đầu tư, đầu cơ thì lại tập trung đổ vào những khu vực nóng.
Đồng tình với nhận định trên, CEO một NHTMCP cũng chia sẻ lĩnh vực bất động sản mới hồi phục từ cuối năm 2014, đầu năm 2015 và đang trong giai đoạn “trở giấc”, nếu nói nóng như thời điểm 2006, 2008 thì không phải. Thị trường bất động sản chưa có vấn đề gì và nhu cầu thực của người dân đã và đang được đáp ứng. Từ chính sách hỗ trợ của các NHTM về lãi suất cấp tín dụng, đến việc phối hợp với các chủ đầu tư để cho ra được những gói sản phẩm phù hợp, hỗ trợ về lãi suất...
Trong nhiều luồng quan điểm, cũng có ý kiến cho rằng việc NHNN đề xuất giãn lộ trình siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là chưa được nhất quán. Tuy nhiên, theo TS-LS. Bùi Quang Tín, “không có gì là không nhất quán ở đây. Vì trong điều hành cần phải có sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện của nền kinh tế. Nếu chúng ta cứng nhắc, giữ nguyên ở mức 40% mới là không phù hợp. Cố chấp, bảo thủ thì thiệt hại vẫn là do mình gánh chịu. Với điều kiện hiện nay của thị trường bất động sản, hay thị trường chứng khoán thì vẫn rất cần nguồn vốn từ phía NH, chưa kể tới 5 lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ đề ra. Trong khi đó, nguồn vốn mà những DN này vay đâu phải vay vài tháng. Mỗi DN có những chu kỳ kinh doanh nhất định mới có thể quay vòng vốn. Vậy nếu thắt chặt lại thì sẽ gây khó khăn rất nhiều cho DN”.
Có những suy nghĩ tương đối khác biệt, song các chuyên gia đều đồng tình với việc trong mọi trường hợp phải đặc biệt lưu ý đối với tăng trưởng tín dụng, bởi tăng trưởng quá nhanh mà không kiểm soát tốt sẽ dẫn tới nợ xấu, bong bóng bất động sản, bong bóng trên thị trường chứng khoán. Nhất là khi thanh khoản của chúng ta chưa quá dồi dào, thì buộc các NHTM phải siết chặt chỉ tiêu về quản lý rủi ro, phải “chọn mặt gửi vàng”, cho vay đúng địa chỉ, một chuyên gia chia sẻ.