Tăng trưởng tín dụng: Phải đo sự hấp thụ của nền kinh tế
Tăng trưởng tín dụng: Áp lực đè nặng | |
Chất và lượng tín dụng phải luôn song hành | |
Dõi theo dòng tín dụng |
Ông Nguyễn Trí Hiếu |
Tính đến hết tháng 7/2017, tín dụng tăng khoảng 9,3% so với cuối năm 2016. Đây là mức tăng khá ấn tượng, song theo chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính NH thì vấn đề quan trọng là tín dụng đó phải thực sự chảy vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi nếu tín dụng đi vào thị trường thứ cấp thì không giúp nhiều cho tăng trưởng GDP.
Mới đây, bàn về giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, Chính phủ đặt vấn đề tăng trưởng tín dụng (TTTD) có thể xem xét đạt 20-22%. Điều này theo ông là có khả thi?
Theo tôi là làm được. Muốn TTTD không khó vì nhu cầu tín dụng từ các DN lớn, nhất là đối tượng DNNVV là rất nhiều. Cốt yếu là tín dụng được chảy vào đúng địa chỉ, không phát sinh ra nợ xấu. Lo lắng nhất của ngành NH hiện nay là cho vay ra mà không thu hồi được nợ. Với Chính phủ, tại thời điểm này khi bội chi ngân sách, nợ công ngày càng cao, muốn thúc đẩy phát triển kinh tế là điều đương nhiên. Muốn tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% tất yếu áp lực, trọng trách lại đặt lên vai NHNN là phải tạo mọi điều kiện để đẩy tín dụng tăng cao hơn. Về nguyên tắc, chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ phải là đối trọng của nhau, cân bằng nhau. Song hiện tại với chỉ đạo của Chính phủ thì xem ra chính sách tiền tệ đang phải hỗ trợ toàn lực cho chính sách tài khoá.
TTTD hiện là 9,3% tương đương với 558 nghìn tỷ đồng. Có nghĩa là từ nay tới cuối năm 2017, NHNN phải TTTD khoảng 10,7% vào khoảng 642 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chỉ 5 tháng cuối năm 2017 mỗi tháng ngành NH phải tăng tín dụng gần 130 nghìn tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ. Nhưng hiện chúng ta chỉ thấy nói chỉ tiêu TTTD, con số tăng tín dụng không thôi thì đó không phải là vấn đề duy nhất.
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
Chúng ta đang cố gắng để TTTD về số lượng phải song hành với chất lượng. Các NH có công cụ để tăng tín dụng và có nguồn dự trữ để tăng tới 22% nhưng sau đấy sẽ là gì? Nếu TTTD vội vã thì nợ xấu sẽ phát sinh, còn nếu dùng quá nhiều nguồn dự trữ để đáp ứng thì vấn đề thanh khoản là vấn đề chờ đợi các NH ở cuối con đường. Đây đều là rủi ro lớn trong việc TTTD quá nhanh. Điều chúng ta cần bận tâm, lo lắng là tín dụng tăng trong điều kiện nào.
Có hai điểm quan trọng trong TTTD. Thứ nhất, phải bảo đảm các DN hấp thụ được vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, hợp lý, tạo được nguồn hoàn trả. Không những dựa vào tài sản bảo đảm (TSBĐ) mà các DN vay vốn phải có phương án hoạt động khả thi.
Theo quan sát của tôi, việc các DN có phương án hoạt động chính xác, dự báo chính xác để xác định được nhu cầu của mình, nguồn tiền hoàn trả ra sao là rất ít. Chẳng hạn cho vay DN trong ngắn hạn, dòng vốn lưu động là được tính là từ lúc mua hàng - sản xuất - bán cho khách hàng - thu hồi tiền, tất cả diễn ra trong một vòng xoay như vậy. Các NH cho vay ngắn hạn phải đảm bảo vòng xoay này được điều hoà, phù hợp để cho vay bổ sung vốn lưu động của DN. Nếu cho vay trung/dài hạn thì nguồn hoàn trả phải từ lợi nhuận của DN, không phải lấy từ vòng quay vốn ngắn hạn của DN để trả cho vay trung/dài hạn. Nhưng hiện không nhiều DN làm được điều này và NH cũng không quen cách như vậy, mà chủ yếu cứ có TSBĐ là cho vay.
Thứ hai, là các NH phải đảm bảo được thanh khoản. Huy động tốt thì mới cho vay hiệu quả được. Hiện tại, tăng trưởng huy động đang thấp hơn TTTD. Nếu chênh lệch này tiếp tục tăng sẽ tạo áp lực rất lớn lên thanh khoản và lãi suất. Các NH cũng có thể sẽ dùng mọi số tiền dự trữ để cho vay. Nhưng như vậy, thì sẽ rủi ro cho cả nền kinh tế.
Để tín dụng đồng hành với tăng trưởng thì xem ra gánh nặng của NHNN sẽ khá lớn?
Ở mỗi NHTW trên thế giới đều theo đuổi hai mục tiêu: ổn định kinh tế và phát triển kinh tế. Ở Việt Nam là ổn định VND và phát triển kinh tế. Trong thời điểm này, khi Chính phủ muốn đạt tăng trưởng GDP 6,7% thì rõ ràng mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải đặt lên hàng đầu. Như vậy rất có thể chúng ta phải tạm “hy sinh” sự ổn định của tiền đồng. Bởi khi một lượng tiền lớn đi vào lưu thông, khả năng cao sẽ đẩy lạm phát lên, tác động tới việc duy trì tỷ giá ổn định. Với hai mục tiêu này, với chỉ đạo của Chính phủ, hiện tại có lẽ phải ưu tiên việc phát triển kinh tế. Vấn đề ổn định tiền đồng cần tìm một sự dung hoà phù hợp. Trong một giai đoạn cụ thể, phải có ưu tiên cho những mục tiêu nhất định. Và tôi cũng tin tưởng NHNN sẽ có cách để giải bài toán không dễ dàng này.