Tăng trưởng việc làm cao nhất 1,5 năm làm chắc thêm kỳ vọng Fed tăng lãi suất
NHTW Nhật giữ nguyên chính sách kích thích và có thể duy trì khá lâu | |
ECB giữ nguyên lãi suất, song bỏ cam kết có thể mở rộng nới lỏng | |
Tân Chủ tịch Fed Powell ủng hộ lộ trình tăng dần lãi suất |
Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Sáu (9/3) cho biết, tăng trưởng việc làm tại Mỹ tăng vọt 313.000 việc làm trong tháng 2, tăng nhờ sự gia tăng lớn nhất kể từ năm 2007 trong ngành xây dựng. Đây là mức tăng trưởng việc làm hàng tháng cao nhất kể từ tháng 7/2016 và gấp hơn 3 lần so với mức 100.000 việc làm mới mà nền kinh tế cần phải tạo ra mỗi tháng để đáp ứng tốc độ tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động.
Không chỉ vậy, số liệu việc làm sửa đổi của tháng 12/2017 và tháng 1 cũng tăng thêm 54.000 việc làm hơn so với báo cáo trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi ở mức thấp nhất trong 17 năm là 4,1% trong tháng 2, tháng thứ 5 liên tiếp.
Theo các chuyên gia, thị trường lao động đang được hưởng lợi từ nhu cầu nội địa mạnh mẽ, sự cải thiện trong tăng trưởng toàn cầu và niềm tin kinh doanh tại Mỹ cũng tăng mạnh sau gói cắt giảm thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD của chính quyền Trump. Việc cắt giảm thuế chính thức có hiệu lực vào tháng Giêng.
Tuy nhiên, thu nhập bình quân theo giờ chỉ tăng 4 cent, tương đương tăng 0,1%, lên 26,75 USD trong tháng 2, thấp hơn nhiều mức tăng 0,3% trong tháng 1. Điều đó đã kéo giảm tăng trưởng tiền lương hàng năm xuống 2,6% trong tháng 2 từ mức 2,8% của tháng 1.
Các nhà kinh tế được Reuters phỏng vấn đã dự báo Biên chế tăng 200.000 việc làm trong tháng trước và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,0%. Thu nhập bình quân theo giờ đã được dự kiến sẽ tăng 0,2% trong tháng Hai.
Mặc dù vậy, tăng trưởng việc làm mạnh mẽ đã củng cố vững chắc kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất ngay tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 20-21/3 tới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng chậm lại của tiền lương khiến các nhà kinh tế học bị chia rẽ về việc liệu NHTW Mỹ có nâng dự báo tăng lãi suất trong năm nay lên 4 lần thay vì 3 lần như dự kiến hồi cuối năm 2017.
“Mặc dù sự tăng trưởng việc làm rõ ràng cho thấy sức mạnh tiềm tàng trong nền kinh tế, nhưng mức tăng lương vẫn còn yếu, đủ để Fed tiếp tục duy trì quan điểm bình thường hóa chính sách một cách dần dần”, Harm Bandholz - nhà kinh tế trưởng của UniCredit Bank ở New York nói.
Hiện thị trường vẫn kỳ vọng rằng, NHTW Mỹ có thể nâng dự báo tăng lãi suất của mình, nhất là khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các nhà lập pháp vào tuần trước rằng “triển vọng cá nhân của tôi là nền kinh tế đã mạnh lên kể từ tháng 12”. Mặc dù Powell nói rằng không có bằng chứng cho thấy nền kinh tế quá nóng, ông nói thêm “điều mà chúng tôi không muốn xảy ra là tụt lại phía sau đường cong (lãi suất)”.
Một số nhà kinh tế kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm nay, lập luận rằng tăng trưởng tiền lương thực sự mạnh hơn dự kiến bởi thu nhập bình quân hàng giờ thường có xu hướng biến động hàng tháng. Thu nhập trung bình hàng giờ của các công nhân sản xuất và không phải quản lý, được các nhà kinh tế cho là thước đo tốt hơn, tăng 0,3% trong tháng hai.
“Mặc dù mức tăng (tiền lương) tháng 2 là khá nhẹ, tuy nhiên trong hai tháng đầu của quý, thu nhập bình quân hàng giờ đang gia tăng với tốc độ hàng năm 3,3%, điều đó có thể khiến quý 1 trở thành quý mạnh nhất về tăng trưởng (tiền lương)”, Michael Feroli, một nhà kinh tế tại JPMorgan ở New York.
Về tăng trưởng kinh tế, GDP của Mỹ ước tính tăng trưởng với tốc độ hàng năm khoảng 2% trong quý 1. Nền kinh tế tăng trưởng ở tốc độ 2,5% trong quý 4/2017. Tuy nhiên, việc sửa đổi dữ liệu tháng 12 về chi tiêu xây dựng, đơn đặt hàng nhà máy và hàng tồn kho bán buôn đã gợi ý tăng trưởng của quý 4 có thể tăng lên mức 3,0%.
Hiện tác động đầy đủ của động thái cắt giảm thuế và kế hoạch tăng chi tiêu của chính phủ Mỹ vẫn chưa được cảm nhận, và thị trường lao động nóng có thể làm tăng nỗi lo nền kinh tế quá nóng.
“Nền kinh tế chỉ đơn giản là quá mạnh”, Chris Rupkey - nhà kinh tế trưởng của MUFG ở New York nói. “Không có lý do gì để Fed có một chính sách kích thích tiền tệ ở giai đoạn này của chu kỳ kinh doanh”.