ECB giữ nguyên lãi suất, song bỏ cam kết có thể mở rộng nới lỏng
ECB giữ nguyên chính sách siêu nới lỏng và các cam kết chính sách | |
ECB giữ nguyên quan điểm chính sách do lo ngại lạm phát yếu | |
Năm 2018: Bình thường hóa chính sách tiền tệ là chủ đạo |
Cuộc họp chính sách của ECB đã kết thúc hôm thứ Năm với quyết định giữ nguyên các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay thanh khoản và lãi suất tiền gửi tương ứng ở mức 0%; 0,25% và -0,4%. Hội đồng Thống đốc của ECB cũng lặp lại kỳ vọng của họ rằng các mức lãi suất chính sách này sẽ ở mức hiện tại ngay cả khi kết thúc đợt chương trình mua tài sản.
Các nhà hoạch định chính sách ở Frankfurt cũng cho biết, chương trình mua tài sản ròng, với quy mô hiện tại là 30 tỷ euro/tháng (37 tỷ USD), dự kiến sẽ được duy trì cho tới cuối tháng 9, hoặc lâu hơn, nếu cần thiết, và trong bất kỳ trường hợp nào mà Hội đồng Thống đốc nhận thấy sự điều chỉnh bền vững của lạm phát hướng tới mục tiêu mà ECB đề ra.
Tuy nhiên, ECB đã bất ngờ loại bỏ cái gọi là “sự thiên vị nới lỏng”, đó là cam kết mở rộng chương trình mua tài sản cả về quy mô và thời gian nếu triển vọng lạm phát xấu đi.
Phát biểu tại buổi họp báo được tổ chức sau đó, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, các nhà hoạch định chính sách của ECB đã nhất trí với việc loại bỏ cam kết mở rộng chương trình mua trái phiếu hàng tháng nếu cần, cái mà ông cũng gọi là “một quyết định lạc hậu”.
Tuy nhiên, ông cungc cho biết, trong bối cảnh hiện nay (lạm phát cơ bản vẫn ở mức thấp), Hội đồng Thống đốc sẽ tiếp tục giám sát những diễn biến tỷ giá hối đoái và điều kiện tài chính liên quan đến những tác động tiềm ẩn của chúng đối với triển vọng lạm phát.
Có thể thấy, sự thay đổi trong tuyên bố của ECB cho thấy, các nhà hoạch định chính sách muốn đặt ra một hướng rõ ràng hơn về việc thoát ra sau 4 năm kích thích bất thường. Tuy nhiên điều đó đã gây ngạc nhiên cho không ít nhà kinh tế vốn dự đoán rằng sẽ không có sự thay đổi trong các chỉ dẫn chuyển tiếp trong bối cảnh những nguy cơ mới xuất hiện đối với triển vọng kinh tế khu vực.
“Đây là bước đi tự nhiên đầu tiên hướng tới bình thường hóa”, Piet PH Christiansen - nhà kinh tế tại Danske Bank A/S ở Copenhagen cho biết. “Đó là một động thái thông minh bởi nó để ngỏ khả năng mở rộng hoặc giảm dần sau tháng 9”.
Sự thay đổi này đã làm lu mờ các chủ đề khác đang làm phức tạp thêm nhiệm vụ của ECB. Đó là kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc áp đặt thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm từ nước ngoài khiến Mỹ có nguy cơ sẽ bị các đối tác trả đũa, hệ quả là làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Hay như sự trỗi dậy của chủ nghĩa tẩy chay EU tại cuộc bầu cử ở Ý đã đặt dấu hỏi về triển vọng chính trị của một trong những nền kinh tế lớn nhất và nợ nần nhiều nhất của khu vực đồng euro.
ECB cũng đang sa lầy trong một vụ xì-căng-đan đang diễn ra tại Latvia, dẫn tới việc bắt tạm giam một Thống đốc ngân hàng trung ương vì nghi ngờ tham nhũng và đóng cửa một ngân hàng bị buộc tội có quan hệ với Bắc Triều Tiên. Thành viên Hội đồng Thống đốc Ilmars Rimsevics đã không tham dự cuộc họp vì ông này bị cấm rời khỏi Latvia. Cấp phó của ông là Zoja Razmusa đã phải dự thay.
Đồng euro đã đảo ngược xu hướng giảm hồi đầu phiên và tăng 0,1% lên 1,2421 USD lúc 2h09 chiều, giờ địa phương.