Tăng vốn để tạo cuộc chơi công bằng
Tăng vốn và khả năng sử dụng | |
Tăng vốn ngân hàng đạt lợi ích kép |
Trong 3 NHTM lớn có vốn Nhà nước là VietinBank, Vietcombank và BIDV thì riêng VietinBank trở nên đặc biệt hơn khi tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đã được lấp đầy, tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã giảm xuống mức thấp nhất 65%. Để tăng vốn điều lệ, VietinBank chỉ còn 2 cách. Một là trả cổ tức bằng cổ phiếu, thực hiện chính sách cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ các nguồn đang giữ lại và hai là phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn.
Với cách thứ nhất, trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, lãnh đạo của NH này cho biết, chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu những năm qua không được triển khai bởi yêu cầu nộp cổ tức bằng tiền về ngân sách Nhà nước. Năm nay cũng không ngoại lệ, NH này đã vừa phải trả cổ tức bằng tiền mặt chuyển về ngân sách. Còn lại cách thứ hai là phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng là giải pháp mà VietinBank đang trình NHNN và Bộ Tài chính.
Nếu áp dụng theo quy định khắt khe của Basel II thì với mức vốn như hiện tại NH sẽ phải tăng vốn điều lệ |
“VietinBank đang trình NHNN, Bộ Tài chính phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và đề xuất cấp phần vốn của nhà nước để tăng vốn điều lệ. Giờ để thêm vốn mới cho NH đảm bảo an toàn hoạt động cũng như hiệu quả kinh doanh của NH không còn cách nào khác ngoài cách này”, lãnh đạo cấp cao của VietinBank trần tình.
Tuy chưa thể tiết lộ số vốn mà NH định tăng thêm qua hình thức phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhưng vị này cho biết, NH trình phương án đáp ứng đủ vốn đảm bảo hệ số CAR cũng như các hệ số tài chính cho NH khi áp dụng đầy đủ quy định Basel II trong năm 2018.
“NH đang chờ các cơ quan thẩm định duyệt số vốn tăng thêm cho NH. Chúng tôi hy vọng phương án tăng vốn được phê duyệt càng sớm càng tốt, bản thân tôi cảm nhận rõ là các cơ quan chức năng đều nhận thấy được sự cần thiết, cấp bách đối với việc tăng vốn điều lệ cho NH”, vị này bày tỏ.
Chưa đến mức bí bách nhưng BIDV cũng đang rơi vào tình huống như hai trường hợp đầu tiên của VietinBank. Mặc dù còn room dành cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng việc này lại không hề đơn giản. Lãnh đạo NH này cho biết BIDV vẫn đang nỗ lực tìm kiếm đối tác ngoại.
Thực ra, không phải năm nay, các NHTM có vốn nhà nước mới có nguyện vọng tăng vốn mà mong muốn này đã được đề xuất từ vài năm nay. Song, đến giờ này mới có Vietcombank được chấp thuận phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ 10% vốn điều lệ. Vì vậy, hai NH còn lại là VietinBank và BIDV đang dốc sức lên kế hoạch tăng vốn nếu không bị tụt lại trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các NH.
Sự sốt ruột, lo lắng trên của các NH được một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ khá cảm thông, vì thời hạn áp dụng các quy định Basel II với các yêu cầu về vốn khắt khe hơn đang cận kề đối với 10 ngân hàng được lựa chọn làm thí điểm, trong đó có VietinBank, BIDV. Trong khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của cả VietinBank và BIDV vẫn còn khá mỏng.
Như VietinBank, đến cuối năm 2017, hệ số CAR của NH này là 10%, tuy cao hơn mức chung toàn hệ thống nhưng nếu áp dụng theo quy định khắt khe của Basel II thì với mức vốn như hiện tại NH sẽ không đáp ứng được. Khi không đảm bảo hệ số này chắc chắn khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế sẽ bị hạn chế và buộc phải thu hẹp lại, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế.
Một CEO NH nhìn nhận, cần tăng vốn kịp thời cho NH lớn để tạo ra cuộc chơi công bằng, không tạo sự thiên lệch, cạnh tranh không lành mạnh. Bởi tham gia cuộc chơi chung, đảm bảo chỉ số chung thì mới đảm bảo tính phát triển bền vững của các NH. Hoặc nếu không may thị trường có biến động, khả năng đứng vững của NH sẽ khó khăn. Lúc này, gánh nặng cho Nhà nước lớn hơn khi phải thực hiện hỗ trợ vực dậy các NH này. Chưa kể sự đi xuống của các NH lớn cũng ảnh hưởng đến thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế kéo dài việc này sẽ tạo ra nhiều bất cập.
Đồng quan điểm về tính cấp bách của vấn đề này, một chuyên gia NH lưu ý, theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia năm 2017, tốc độ tăng vốn tự có của các TCTD chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng của tổng tài sản. Do đó, để có đủ nguồn lực mở rộng hoạt động kinh doanh và đảm bảo an toàn thì việc tăng vốn của các NH, nhất là các NHTM có vốn Nhà nước chi phối là điều cấp thiết và phải làm càng sớm càng tốt. Với những NH quy mô lớn và được nhắm là NH vươn tầm quốc tế thì cần phải có cơ chế chính sách linh hoạt để theo kịp biến động của thị trường”, vị chuyên gia này đưa ra quan điểm.
Tuy trông chờ một kết quả tích cực từ phía cơ quan quản lý, nhưng lãnh đạo VietinBank cho biết, NH cũng chủ động xây dựng nhiều kịch bản để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của NH. “Chúng tôi đưa nhiều biện pháp để xoay xở tình thế như cấu trúc lại tài sản có, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh… cố gắng làm sao đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ cho nền kinh tế tốt nhất”, vị này chia sẻ thêm.