Tăng vốn là nhu cầu cấp thiết
Vietcombank tăng vốn điều lệ lên 37,1 nghìn tỷ đồng | |
Nhà băng chạy nước rút cuối năm |
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải đánh giá, mặc dù khả năng sinh lời và chất lượng tài sản ngân hàng đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên an toàn vốn vẫn là một vấn đề quan ngại. Chia sẻ quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ trở nên rất khốc liệt trong năm 2019 khi mà thời điểm phải áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN với quy định về tỷ lệ an toàn vốn khắt khe theo chuẩn Basel II đang đến gần. Nếu không đảm bảo đủ vốn, các ngân hàng sẽ không thể tăng trưởng được tín dụng.
Tăng vốn thì các ngân hàng mới duy trì được khả năng tăng trưởng tín dụng |
Lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở bởi với việc vốn điều lệ gần như không thay đổi trong hai năm qua, theo thống kê mới nhất về hoạt động của hệ thống TCTD, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhóm NHTM nhà nước cuối tháng 11/2018 chỉ còn 9,33%, thấp hơn nhiều so với bình quân của hệ thống là trên 12%.
Trong nhóm này, đáng lo hơn là VietinBank khi mà hệ số CAR của nhà băng này đang ở gần mức tối thiểu. Cũng chính bởi vậy mà theo Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ, từ tháng 9/2018 tới nay ngân hàng không thể tăng trưởng tín dụng.
“Nếu VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, việc tham gia tài trợ vốn cho các dự án quan trọng của đất nước. Đặc biệt là trong thời gian tới đây khi tăng trưởng kinh tế của đất nước tiếp tục cải thiện thì nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cũng tăng lên mạnh. Từ đó ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng lớn tới nguồn thu NSNN do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ cho VietinBank là điều đặc biệt cấp bách”, ông Thọ nhấn mạnh.
Với BIDV thì vẫn còn cửa là tìm được đối tác chiến lược, tuy nhiên lãnh đạo BIDV cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này. Trước mắt tháo gỡ các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài để BIDV có thể hoàn tất giao dịch bán vốn cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc trong thời gian sớm nhất. Nếu thương vụ này thành công sớm sẽ đưa BIDV tiến gần hơn sự đạt chuẩn của Basel II. Còn chậm trễ, có thể ngân hàng này khó triển khai Basel II theo đúng lộ trình.
Agribank do chưa thực hiện cổ phần hoá, lại không được bổ sung vốn từ ngân sách nên hiện tại vốn điều lệ của ngân hàng này chỉ ở mức 30.470 tỷ đồng. Sự dậm chân tại chỗ này đã kéo tụt Agribank từ vị thế đứng đầu hệ thống về tiêu chí vốn xuống cuối cùng trong số 4 NHTM Nhà nước. Lãnh đạo Agribank kiến nghị nếu không được bổ sung vốn điều lệ, thời gian tới ngân hàng không đáp ứng đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Chưa kể còn ảnh hưởng tới khả năng mở rộng cấp tín dụng cho nền kinh tế nhất là khu vực nông nghiệp nông thôn.
Giải quyết tình thế cho mình, cuối năm 2018, ngân hàng này cũng buộc phải phát hành thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ mới đây, một lần nữa, lãnh đạo Agribank đề nghị Chính phủ sớm xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng. “Trong thời gian chờ đợi, Agribank phát hành trái phiếu dài hạn, tăng vốn cấp II để chủ động cân đối đảm bảo an toàn theo quy định của NHNN”, lãnh đạo Agribank cho hay.
Ở thế không còn nhiều lựa chọn như các ngân hàng khác, phương án khả thi nhất giúp VietinBank có tăng vốn là được phép trả cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì luôn phải trả bằng tiền mặt. Chủ tịch
VietinBank Lê Đức Thọ kiến nghị, NHNN, Chính phủ chấp thuận phương án cho phép ngân hàng được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020. Đồng thời cho phép VietinBank thực hiện phương án phân phối lợi nhuận theo nguyên tắc: nếu tỷ lệ an toàn vốn không bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế theo các mục tiêu của Chính phủ thì VietinBank được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Việc chia cổ tức bằng tiền mặt chỉ thực hiện khi bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, một Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chia sẻ, tại phiên họp mới nhất của Hội đồng vấn đề tăng vốn cũng được đưa ra bàn thảo. Các Thành viên Hội đồng đánh giá đây là một nhu cầu rất bức thiết của các ngân hàng cần phải đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
TS. Lê Xuân Nghĩa cũng đồng tình với phương án cho phép ngân hàng giữ lại lợi nhuận để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. “Hình thức trên tạo sức ép đối với các cổ đông có trách nhiệm hơn đối với ngân hàng thông qua việc tăng vốn cũng như lộ trình thực hiện Basel II. Bởi đây là nền tảng quan trọng giúp cho ngân hàng phát triển an toàn, bền vững, gia tăng khả năng sinh lời trong tương lai.
Theo đó, người hưởng lợi chính là các cổ đông”, TS. Nghĩa nhìn nhận. Tuy nhiên quyết sách này có thể sớm thông qua hay không còn phụ thuộc vào sự quyết liệt của Chính phủ cũng như việc các bộ, ngành sớm tìm được tiếng nói chung thì hành trình tăng vốn của hệ thống ngân hàng mới được hiện thực hóa.