Tập hợp dữ liệu và cơ chế chia sẻ: Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính
Ngân hàng đại lý: Hấp lực từ một kênh phân phối mới | |
eKYC trong các dịch vụ tài chính – ngân hàng tại Việt Nam |
Ảnh minh họa |
Gia tăng giá trị dịch vụ tài chính
Để có được dữ liệu lớn là một chuyện, song cái ngân hàng cần hơn hết là chiến lược kinh doanh kết hợp dữ liệu lớn. Theo ông Wittaya Warrunchaichana - Quản lý kinh doanh Big Data và Isilon, Dell EMC - Đông Nam Á, dữ liệu sẽ giúp nuôi dưỡng mối quan hệ khách hàng và cách mỗi tổ chức xử lý dữ liệu sẽ quyết định lợi thế cạnh tranh mang lại. Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia của Oliver Wyman cho rằng, dữ liệu và công cụ phân tích có thể được sử dụng để gia tăng giá trị trong toàn bộ chuỗi hoạt động dịch vụ tài chính hoàn chỉnh.
Việc áp dụng và triển khai dữ liệu lớn (Big Data) trong thời gian tới sẽ giúp quy trình phê duyệt tín dụng của TCTD được tối ưu hoá khi các nguồn số liệu và phương pháp phân tích mới được đưa vào sử dụng.
“Số liệu từ các nguồn mới chẳng hạn như lịch sử thanh toán hoá đơn dịch vụ điện, nước, điện thoại... cũng tạo điều kiện cho những người trước kia bị loại trừ có thể được cấp tín dụng lần đầu tiên và có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn nhu cầu và hành vi tài chính của những nhóm người khác nhau”, một chuyên gia chia sẻ.
Tương tự, khi các giao dịch được số hoá, các nhà cung cấp có thể khai thác cơ sở dữ liệu này để phân tích hành vi khách hàng, từ đó cải thiện sản phẩm cung cấp.
Nhiều thị trường tài chính đang bị cản trở bởi vấn đề thiếu thông tin mà được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bị loại trừ. Thông thường, các tổ chức cho vay bù đắp cho việc không đủ thông tin tin cậy về nhân thân hay lịch sử tín dụng của người đi vay bằng cách tăng yêu cầu tài sản thế chấp, tăng cường thẩm định trước cho vay hoặc thậm chí từ chối cho vay đối với một số phân khúc khách hàng.
Hầu hết các nước phát triển đã có một hệ thống định danh quốc gia giúp việc xác thực nhân thân và tra cứu lịch sử tín dụng một cách thuận tiện. Để một hệ thống báo cáo tín dụng hoạt động hiệu quả, cần phải có khả năng xác thực nhân thân của từng cá nhân. Điều này là một thách thức lớn ở nhiều nước đang phát triển khi chưa có được một hệ thống định danh của tất cả mọi người.
Cần cái bắt tay
Chuyên gia nói trên cũng thừa nhận, ngay cả khi có được một hệ thống định danh chính thức nào đó cũng khó tiến hành xác thực nhân thân khi gặp phải vấn đề chia sẻ thông tin, đặc biệt là chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ (bên thứ ba). Điều này khiến cho các TCTD e ngại cung cấp dịch vụ nhất là đối với những khách hàng mới.
Để giải quyết tình trạng này, nhiều nước đã áp dụng những giải pháp công nghệ mới để cải thiện công tác xác thực nhân thân người đi vay. Đơn cử như việc Chính phủ có thể sử dụng các hình thức định danh sinh trắc học đối với một cá nhân như vân tay và được liên kết với lịch sử tín dụng của cá nhân đó. Ấn Độ là quốc gia đã ứng dụng hệ thống định danh sinh trắc học từ năm 2014.
Theo đó, mỗi cá nhân có một số định danh (số căn cước) được kết nối với dữ liệu sinh trắc học bao gồm: ảnh, quét mống mắt và vân tay, được liên kết với hồ sơ tín dụng của từng cá nhân. Điều này giúp các ngân hàng và các tổ chức tài chính vi mô dễ dàng xác thực nhân thân của người đi vay, cải thiện tính minh bạch và giảm vấn đề thông tin đối xứng ở thị trường tín dụng.
Nói về việc xâu chuỗi dịch vụ và xâu chuỗi dữ liệu, theo CEO của một công ty công nghệ lớn, có một thực tế là 80% doanh số tới từ khách hàng cũ, nhưng hầu hết công ty hiện nay mất dữ liệu hoặc có mà không sử dụng được khi không có chỗ để cất trữ và khai thác về sau. Hay có trường hợp doanh nghiệp đã có dữ liệu khách hàng nhưng hệ thống đang không biết làm gì với dữ liệu đó, không khai thác được.
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) có chia sẻ, muốn áp dụng thanh toán điện tử rộng rãi cho các dịch vụ, cơ quan quản lý cơ chế chia sẻ dữ liệu, xây dựng hệ thống Open API liên thông với những bộ, ngành liên quan để chia sẻ thông tin khách hàng nhằm tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt. Điều này chỉ có thể làm được nếu có sự vào cuộc của tất cả thành phần liên quan.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, Chính phủ cần chủ trì việc xây dựng cơ sở hạ tầng xác thực khách hàng, để hỗ trợ cho các giải pháp thanh toán, trong đó có thanh toán di động. Có một số quốc gia đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tập trung về sinh trắc học của phần lớn dân số và cung cấp API để các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khai thác thông tin này, nhằm xác thực khách hàng trong các giao dịch. Đây sẽ là giải pháp góp phần tiết kiệm chi phí cho các nhà băng trong việc phát triển khách hàng và triển khai các giải pháp thanh toán.
Còn bà Nguyễn Thuỳ Dương - Phó tổng giám đốc phụ trách bộ phận dịch vụ tài chính ngân hàng của EY Việt Nam dẫn ra một thống kê của EY cho biết, hiện nay để mở một tài khoản ngân hàng thì chi phí xác thực vào khoảng 300.000 đồng/tài khoản, việc duy trì thông tin cũng như việc mở tài khoản rất tốn kém.
Theo đại diện EY, có thể cân nhắc sử dụng dữ liệu: ví dụ như nếu một ngân hàng lớn đã thực hiện xác thực danh tính rồi, nên chăng có thể có quy định cho các tổ chức tài chính hoặc ngân hàng khác ở quy mô nhỏ hơn có thể dựa vào việc xác định danh tính để tiết kiệm thời gian và tiền bạc. “Tuy nhiên, điều này cũng phải phụ thuộc khẩu vị rủi ro và quy định quản lý rủi ro của nội bộ của từng ngân hàng”, bà cho hay.