Tàu “sáu bảy” và những vướng mắc
Theo thông tin phóng viên TBNH ghi nhận được, hiện nay ở khu vực các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ đã có hàng ngàn hộ ngư dân được các địa phương lập danh sách đủ điều kiện vay vốn theo NĐ 67 nhằm đóng mới, cải tạo tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ. Trong số này, có khoảng vài trăm hồ sơ đã được chuyển đến các chi nhánh NHTM để xem xét, thẩm định. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 3 trường hợp (1 trường hợp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 2 trường hợp tại Tiền Giang) được các NHTM ký hợp đồng tín dụng, bắt đầu giải ngân với tổng trị giá 44 tỷ đồng.
Theo phản ánh từ các địa phương, mặc dù các NHTM khá tích cực nhưng chính ngư dân lại đang là những người lưỡng lự bởi các quy định bắt buộc về vốn đối ứng, các chi phí thuê dịch vụ thiết kế, cũng như các tiêu chuẩn về mẫu tàu của Bộ NN&PTNT đang không phù hợp với thực tiễn.
Vẫn còn nhiều quy định thiếu thực tiễn để ngư dân vay vốn đóng tàu |
Dự toán vượt mức 7-8 tỷ đồng
Theo phản ánh của anh Lê Việt Tiến (Chi nhánh VietinBank tỉnh Tiền Giang), vừa qua VietinBank đã ký hợp đồng tín dụng trị giá 14 tỷ đồng đối với 2 hộ ngư dân tại TP. Mỹ Tho cam kết cho các hộ này vay mỗi hộ 7 tỷ đồng để đóng mới các tàu đánh cá vỏ gỗ công suất 400CV. Lãi suất cho vay của các hợp đồng này là 7% bao gồm cả khoản được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Anh Tiến cho biết, hiện có 4 hồ sơ khác đã được các hộ ngư dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hoàn thiện và gửi đến VietinBank. Tuy nhiên, ngân hàng chưa thể ký hợp đồng được vì mức vốn dự toán của các tàu quá lớn so với khảo sát thực tế. Theo anh Tiến, khảo sát tại các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và một số tỉnh lân cận, mức đầu tư đóng mới 1 tàu cá vỏ gỗ công suất 400CV dao động khoảng 10-11 tỷ đồng/chiếc. Nhưng hiện nay, theo những hồ sơ ngư dân gửi đến các đơn vị thiết kế đưa ra mức dự toán từ 15-17 tỷ đồng, thậm chí có những tàu dự toán lên tới 19 tỷ đồng, vì thế VietinBank đang phải xem xét thẩm định lại mới có thể quyết định cho vay hay không.
Đồng quan điểm trên, đại diện NHNN Chi nhánh tỉnh Tiền Giang cho rằng, hiện các NHTM trên toàn tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận khoảng 50 bộ hồ sơ vay vốn của chủ tàu, trong đó đã thẩm định 11 hồ sơ xin vay (bao gồm 4 tàu khai thác thủy sản xa bờ và 7 tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần nghề cá), với tổng số tiền cho vay là 130 tỷ đồng. Hiện nguồn vốn của các NHTM trên địa bàn đảm bảo đủ để cho vay theo NĐ 67. Tuy nhiên, các hồ sơ gửi đến ngân hàng cần được các TCTD thẩm định lại vì bảng dự toán chi phí đóng mới các tàu cá được các NHTM nhận định là cao hơn so với mức thực tế.
Ngư dân lưỡng lự
Tìm hiểu tại một số địa phương khác đang triển khai cho vay theo NĐ 67 như Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận… cho thấy, hiện nay nguyên nhân dẫn tới việc khó giải ngân nguồn vốn không xuất phát từ các ngân hàng mà bắt nguồn từ chính những bất cập trong quy định của Bộ NN&PTNT và sự lưỡng lự của ngư dân.
Cụ thể, hiện nay, theo những hướng dẫn của Bộ NN&PTNT đối với quy trình vay vốn theo NĐ 67, thì ngư dân có nhu cầu vay vốn phải nộp hồ sơ đăng ký vay vốn (trong đó có bản dự toán thiết kế tàu, bản cam kết vốn đối ứng, bản báo cáo tình trạng nợ, bản xác nhận đã có kinh nghiệm hoạt động nghề cá từ 2-3 năm…) cho chính quyền cơ sở. Sau khi chính quyền cấp xã, cấp huyện xét duyệt thì hồ sơ mới được chuyển lên Sở NN&PTNT và trình lên Ban Chỉ đạo thực hiện NĐ 67 của tỉnh. Đến lúc này hồ sơ mới được chuyển về các NHTM để xem xét cho vay. Để hồ sơ hợp lệ, các bản thiết kế tàu cá phải được làm theo danh sách mẫu tàu do Bộ NN&PTNT đưa ra, đồng thời các tàu đóng mới hoặc nâng cấp đều phải sử dụng máy mới 100% để thay thế chứ không được dùng các máy đã qua sử dụng.
Chính những quy định trên đã khiến các hộ ngư dân hết sức cân nhắc. Theo ngư dân Phan Văn Quang (phường Lạc Đạo, TP. Phan Thiết, Bình Thuận), nếu mua máy mới để nâng cấp chiếc tàu 275CV của gia đình anh thành tàu lớn 700CV thì chi phí bỏ ra ước khoảng 3 tỷ đồng, nhưng nếu mua lại máy đã qua sử dụng, còn mới 70-80% thì chi phí giảm đi một nửa nhưng lại không đủ điều kiện vay vốn. Nếu gia đình anh cố gắng xoay xở 2 tỷ đồng vốn đối ứng để hoàn thiện hồ sơ thì NHTM sẽ cho vay được 7 tỷ đồng (trong vòng 11 năm) nhưng việc xoay tiền vốn đối ứng này rất khó khăn, giả sử nếu xoay được 2 tỷ thì gia đình đã có thể chủ động nâng cấp tàu bằng cách thay máy đã qua sử dụng mà không cần vay vốn theo NĐ 67.
Thực tế, theo phản ánh của nhiều ngư dân, sau khi được chọn vào danh sách các hộ đủ điều kiện vay vốn thì hầu hết các hộ dân, chủ tàu đều phân vân trong việc chọn loại tàu, mẫu tàu nào cho phù hợp nhất. Để đóng mới 1 tàu gỗ thông thường chi phí sẽ ở mức 6-7 tỷ đồng (tùy cơ sở, tùy địa phương). Tuy nhiên nếu đóng theo các mẫu do Bộ NN&PTNT quy định thì chi phí có thể đội thêm hàng tỷ đồng chưa kể sẽ phải thuê đơn vị thiết kế mẫu tàu với chi phí khoảng 150 triệu đồng. Phần chi phí này không được Nhà nước hỗ trợ nên ngư dân rất ngán ngại.
Ngoài ra, từ trước đến nay đa phần ngư dân ở các tỉnh phát triển mạnh về nghề biển đều có nhiều kinh nghiệm đánh bắt ngoài khơi. Họ chủ yếu muốn vay vốn hỗ trợ để đóng mới vỏ tàu, nhưng phần máy tàu thì chỉ cần mua máy đã sử dụng còn 80 – 90% là có thể đánh bắt. Vì vậy, nếu bắt buộc phải thay máy mới 100% thì phần chi phí đội lên hàng tỷ đồng cũng làm người dân phải “cân - đo - đong - đếm” xem có nên làm hồ sơ vay để thực hiện “khát vọng” vươn khơi, hay chấp nhận vẫn dùng tàu nhỏ đánh bắt gần bờ.