Thanh toán biên mậu: Đòn bẩy cho kinh tế cửa khẩu
Thanh toán biên mậu thúc đẩy hợp tác | |
Khai trương hoạt động Thanh toán biên mậu qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Đansavanh | |
Vietcombank triển khai dịch vụ thanh toán biên mậu tại tỉnh Lạng Sơn |
Doanh thu dịch vụ tăng trưởng ấn tượng
Là đơn vị tiên phong trong triển khai dịch vụ thanh toán biên mậu (TTBM) với thị trường Trung Quốc vào năm 1997, tới nay khi đã trải qua 19 năm cạnh tranh và phát triển, Agribank vẫn là NH chiếm thị phần cao nhất trong mảng dịch vụ này. Từ năm 2009 đến nay, doanh số thanh toán tăng trưởng hàng năm, thu dịch vụ cũng tăng cao so với thời điểm trước, dù đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các NHTM.
Đặc biệt trong giai đoạn 5 năm (2010 - tháng 6/2015), kết quả TTBM với thị trường Trung Quốc của Agribank đạt được những con số ấn tượng: doanh số thanh toán đạt hơn 151.000 tỷ đồng, doanh số mua bán ngoại tệ đạt hơn 170.000 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh số TTBM tại thị trường Trung Quốc đã tăng tới 83%, đạt 19.334 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt 16.222 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ năm ngoái; phí tăng 16% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng doanh thu dịch vụ TTBM đã phần nào phản ánh sự khởi sắc của thương mại biên giới, đặc biệt là với thị trường rộng lớn và quan trọng hàng đầu như Trung Quốc. Điều này cũng cho thấy hệ thống NH, trong đó có Agribank đã rất nhanh nhạy khi kịp thời bắt kịp nhu cầu của thị trường, cũng là bổ sung một mảng dịch vụ quan trọng để tăng doanh số hàng năm cho hoạt động của mình.
TTBM qua NH đảm bảo an ninh tiền tệ cho thương mại biên giới |
Cũng bởi sự hợp tác đôi bên cùng có lợi này, mà lãnh đạo nhiều tỉnh thành có đường biên giới với Trung Quốc luôn đánh giá cao vai trò và sự vào cuộc của hệ thống NH trong phát triển thương mại vùng biên. Ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai đã sớm xác định thế mạnh về tính liên kết, cửa khẩu, do tỉnh là cửa ngõ không chỉ của Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Vân Nam và miền Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc, mà còn là trung tâm của hành lang Bắc Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê Kông.
Để khai thác lợi thế này, Lào Cai đã chủ động từng bước hoàn thiện hệ thống liên kết vùng và quốc tế bằng một loạt công trình hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, có hạ tầng rồi, phải làm sao để kéo người dân, DN, nhà đầu tư cùng bắt tay xây dựng quan hệ hợp tác, giao thương với nước bạn, thì lại đòi hỏi sự tham gia của các ngành. Trong đó, lãnh đạo UBND tỉnh đặt nhiều kỳ vọng vào sự hỗ trợ của ngành NH trên địa bàn.
Hiện Agribank chi nhánh Lào Cai cũng là đơn vị dẫn đầu về doanh số thanh toán ủy thác của Agribank do có mức chia sẻ phí cao. Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Lào Cai cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm, doanh số thanh toán xuất khẩu của chi nhánh đạt hơn 1.500 tỷ đồng, trong khi doanh số thanh toán nhập khẩu đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Nếu tính theo hệ thống, chi nhánh Lào Cai và Móng Cái là hai đơn vị dẫn đầu về thu phí trong hoạt động TTBM với Trung Quốc cũng như có tỷ lệ thu về TTBM chiếm tỷ trọng lớn trong tổng phí dịch vụ của chi nhánh. Ngoài ra, một số chi nhánh khác của NH như Agribank Lạng Sơn, Hà Giang… cũng triển khai hoạt động TTBM với Trung Quốc.
Xác định đây là mảng dịch vụ quan trọng và còn nhiều “đất” để phát triển trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hoạt động ủy thác dịch vụ TTBM để mở rộng địa bàn và kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân, DN. Nhờ đó thời gian qua số lượng các đơn vị tham gia ủy thác TTBM, bao gồm cả các chi nhánh của Agribank và các NHTM khác tăng mạnh. Hoạt động TTBM tiếp tục mang lại lợi nhuận cho Agribank nói chung và các chi nhánh nói riêng.
Thúc đẩy kinh tế, đảm bảo an ninh tiền tệ
Lãnh đạo của NHNN từng đánh giá, TTBM qua hệ thống NH đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thương mại vùng biên. Ngoài ý nghĩa là hoạt động thanh toán quốc tế nói chung, tổ chức thanh toán phục vụ hoạt động thương mại biên giới nói riêng, hệ thống NH đã góp phần thực thi chức năng quản lý của nhà nước về tiền tệ trên địa bàn các tỉnh biên giới.
Cụ thể, thanh toán qua biên giới hạn chế sự thao túng của tư nhân trên thị trường tiền tệ khu vực biên giới, thực hiện vai trò quản lý của nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ. Thanh toán biên giới qua NH cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới, hạn chế các trường hợp lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại hai nước.
Không chỉ vậy, cơ chế TTBM thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quan hệ giao thương của Việt Nam với các nước chung biên giới. Thực tế, trong những năm qua, thị trường các nước chung biên giới có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Hoạt động thanh toán qua NH đã đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của sự phát triển xuất nhập khẩu biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Một lãnh đạo cấp cao của Agribank chia sẻ, việc sớm tham gia vào mảng dịch vụ TTBM đã giúp Agribank có bề dày kinh nghiệm để áp dụng các hình thức thanh toán phong phú, thủ tục đơn giản, an toàn. Nhờ đó Agribank đã tạo được uy tín đối với khách hàng sử dụng dịch vụ TTBM, đáp ứng được nhu cầu thanh toán của khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh so với các NHTM khác.
Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu thực hiện mảng dịch này, Agribank đã sớm thiết lập quan hệ hợp tác TTBM với các đối tác Trung Quốc. Đầu tiên là hợp tác với NH Nông nghiệp Trung Quốc vào năm 1997. Sau đó là NH Trung Quốc và NH Công thương Trung Quốc vào năm 2003, NH Kiến thiết Trung Quốc vào năm 2004. Giai đoạn 2009 đến nay, Agribank mở rộng thêm quan hệ với các NH đối tác là NH Vịnh Bắc Bộ Trung Quốc (2012), NH Phú Điền, Hợp tác xã tín dụng Vân Nam (2013), NH Tiết kiệm bưu điện Trung Quốc (2014), NH Quế Lâm (2016).
Ngoài ra, Agribank cũng thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát nghiệp vụ TTBM tại các chi nhánh và NH đối tác để nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh, đánh giá nhu cầu về sản phẩm dịch vụ TTBM của đối tác. Từ đó, tiến hành ký kết các thỏa thuận hợp tác về TTBM trên nguyên tắc bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.
Đặc biệt từ năm 2013, Agribank đã tích cực nghiên cứu và xây dựng giải pháp TTBM qua mạng Internet. Đến nay, hệ thống TTBM CBPS của Agribank đã được hoàn thiện và đang trong quá trình chạy thử. Với hệ thống này, các giao dịch không còn phải thực hiện theo hướng thủ công, chứng từ trao tay mà thay vào đó sẽ được truyền qua mạng Internet và hạch toán trực tiếp vào hệ thống IPCAS. Từ đó tiết giảm được thời gian, chi phí, nhân lực, phát huy được tối đa hiệu quả thanh toán cho chi nhánh.
Đây là sản phẩm mang tính chất đột phá của Agribank về nghiệp vụ TTBM, giảm thiểu được nhiều hạn chế của các phương thức TTBM trước đây. Dự kiến đến cuối năm 2016, hệ thống Internet Banking với Trung Quốc sẽ chính thức đi vào hoạt động.