Thanh toán không dùng tiền mặt: Thay đổi phải đến từ giải pháp cơ bản
Hà Nội: Đến cuối năm 2020, 100% siêu thị, nhà hàng… có thiết bị chấp nhận thẻ | |
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt: Góp phần minh bạch hóa thị trường | |
Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính |
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020. Mục tiêu là nhằm tạo sự chuyển biến về TTKDTM trên địa bàn thành phố Hà Nội, thay đổi dần tập quán sử dụng tiền mặt trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan tới tiền mặt.
Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt 100% các siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ hoặc các hệ thống TTKDTM khác, cho phép người tiêu dùng TTKDTM khi mua hàng. 85% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức TTKDTM; 60% cá nhân, hộ gia đình sử dụng phương tiện TTKDTM trong mua sắm, tiêu dùng… Mục tiêu tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại NH lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020 cũng được TP. Hà Nội đặt ra trong kế hoạch này.
TTKDTM đã và đang được các địa phương trên cả nước rốt ráo triển khai bằng nhiều hình thức |
Nói tới TTKDTM, một trong các phương thức có tiềm năng lớn nhất thay thế thói quen sử dụng tiền mặt lâu nay chính là thanh toán di động. TS. Cấn Văn Lực cho biết, các giải pháp thanh toán ứng dụng công nghệ không chạm, mã QR, ví điện tử… đang thực sự phổ biến ở cả những quốc gia phát triển và đang phát triển và “chúng có đóng góp tích cực đến tốc độ tăng trưởng hai con số của thị trường thanh toán phi tiền mặt toàn cầu”.
Cùng với đó, các tác nhân tham gia cung cấp giải pháp thanh toán cũng ngày càng đa dạng. Từ nhà cung cấp truyền thống là các định chế tài chính đến các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google, Samsung hay các hãng thương mại điện tử như Amazon, Alibaba… và cả tập đoàn viễn thông hoặc mạng lưới các công ty Fintech.
Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, việc TTKDTM đang ngày phổ biến hơn, nhất là ứng dụng thanh toán qua mã QR nở rộ gần đây. Những tưởng chỉ có giới trẻ mới dễ tiếp cận, hấp thu và sử dụng những tiện ích mà công nghệ mang tới, nhưng thực tế cho thấy nhóm các đối tượng với độ tuổi lớn hơn cũng đang dần từ bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán.
Điển hình như việc ứng dụng gọi xe Grab, Uber. Thay vì trả tiền mặt như thời gian trước, phần lớn khách hàng sử dụng ứng dụng này để đặt xe hiện nay đều lựa chọn hình thức thanh toán qua kết nối với tài khoản NH. Chi phí đi lại được trừ trực tiếp vào thẻ NH đã giảm bớt thời gian cho cả khách hàng và tài xế, nhiều khách hàng còn tâm sự “xuống xe không phải mở ví ra để trả tiền thấy như được đi xe miễn phí”.
Tuy vậy, để TTKDTM thực sự có chuyển biến cũng cần có thời gian và các giải pháp căn bản. Các chuyên gia nhận thấy: Thu nhập trung bình của người dân Việt Nam còn thấp, lương được trả qua tài khoản không cao thì rất khó để họ chỉ để lượng tiền đó trong tài khoản mà không rút ra tiêu tiền mặt. Các điểm bán hàng nhỏ lẻ như cửa hàng tạp hoá, hàng ăn nhỏ cũng chưa có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng. Bởi thế, cần có giải pháp nhằm phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại phù hợp với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, qua đó khuyến khích cũng như thúc đẩy người dân tham gia các dịch vụ thanh toán.
Để khuyến khích TTKDTM trong xã hội, thay đổi nhận thức và ý thức của từng đối tượng người dân tại nhiều lứa tuổi, cuối năm 2017 NHNN đã ban hành Thông tư 26/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ NH.
Trong đó có quy định: Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước, thay vì trước đây, đối tượng này cần phải có tài sản riêng đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng thẻ mới được sử dụng các loại thẻ tín dụng.
Bên cạnh đó, người đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nhợ, thẻ trả trước.
Cũng có ý kiến cho rằng trẻ em chưa đủ 15 tuổi được sử dụng thẻ ghi nợ có thể xảy ra những rủi ro khó lường. Song một chuyên gia tài chính cho rằng: Trong quy định cũng đã nêu rõ, việc sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước cho đối tượng này cũng cần có sự cho phép của người đại diện theo pháp luật bằng văn bản.
“Cho sử dụng thẻ NH cũng là cách để dạy trẻ em tự lập, thậm chí dùng thẻ để thanh toán mua hàng hoá, dịch vụ còn tránh cho các em các sự cố đáng tiếc như cướp giật, móc túi… Cốt yếu là các bậc phụ huynh giám sát được việc chi tiêu, sử dụng tiền của con cái một cách tiết kiệm, hợp lý”, vị này bày tỏ.