Thanh toán QR Code: Tìm chuẩn chung, nâng tiện lợi cho khách hàng
Kiểm tra tiền gửi tại ngân hàng bằng QR code | |
VietinBank triển khai thanh toán di động trên nền tảng QR Code | |
TPBank cung cấp xác thực thư bảo lãnh bằng QR code |
Các chuyên gia nhận định, với xu hướng phát triển hiện nay chất xúc tác cho sự bùng nổ của thanh toán di động là QR code. QR code có thể thể hiện đơn giản trên sách, stickers, decal, tấm mica, thậm chí người dùng có thể tự tạo một mã QR khi sử dụng một ứng dụng giao tiếp trên điện thoại, máy tính để kết nối với nhau được dễ dàng hơn. Siêu thị, các cửa hàng tiện ích, website thương mại điện tử, taxi, hoá đơn điện, nước... đều có thể ứng dụng QR code vào thanh toán. Chính bởi thế, gần đây, QR Code đang dần được các NHTM khai thác và đẩy mạnh. Các nhà băng đã, đang làm gì để hiện thực hoá phương thức thanh toán này? Những yếu tố và điều kiện gì để thanh toán QR code ngày càng trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam?
Tính đến quý III/2017, thanh toán qua QR code tăng trưởng 120%, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận tăng tới gần 5.000 điểm |
Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank thì triển khai thanh toán QR code là một mắt xích trong chu trình xây dựng hệ sinh thái mobile payment. Từ năm 2015, VietinBank đã tiến hành nghiên cứu và triển khai hình thức thanh toán QR code qua ứng dụng mobile banking. Tại thời điểm đó, khách hàng của NH có thể tự tạo mã QR cho các tài khoản thanh toán của mình, thực hiện chuyển khoản trong hệ thống VietinBank bằng QR, thanh toán hoá đơn tại các POS của VietinBank có in mã QR. “Đến nay, VietinBank đang là NH tiên phong trong việc ứng dụng, mở rộng hệ sinh thái cho hình thức thanh toán này.
Các khách hàng có thể thanh toán QR code cho nhiều loại dịch vụ khác nhau từ chuyển khoản, thanh toán cước viễn thông, điện, nước... tới thanh toán phí dịch vụ chung cư, phí bảo hiểm, hay trả nợ vay tiêu dùng. Khách hàng cũng có thể dùng QR Pay cho các nhu cầu giải trí, mua sắm”, ông Lân thông tin.
Tháng 9 vừa qua, ứng dụng NH di động BIDV SmartBanking của BIDV cũng đã nâng cấp và cập nhật thêm tính năng mới QR Pay. VCB-Mobile banking của Vietcombank cũng đã trợ giúp khách hàng chuyển khoản, thanh toán bằng QR code - QR Pay. Còn TPBank ứng dụng QR code để kiểm tra tiền gửi tại NH, tra cứu thông tin các loại bảo lãnh, văn bản xác nhận của NH hay giấy biên nhận thế chấp ô tô trên hệ thống của NH bất cứ thời gian nào...
Ông Trần Thanh Nam, Tổng giám đốc Moca - đơn vị fintech đầu tiên ở Việt Nam triển khai thành công dịch vụ thanh toán di động qua mã QR với taxi cho rằng, đặc tính của mã QR là có thể để dưới dạng tĩnh nhằm nhận diện người bán hàng, hoặc hiển thị dưới dạng động - tạo ra cho từng giao dịch, từng hoá đơn với đúng số tiền cần thanh toán. Thực tế này dẫn tới một vấn đề là riêng mã QR đã có nhiều đơn vị khác nhau có thể cung cấp với giải pháp và nguyên lý hoạt động khác nhau. Dẫn tới việc khách hàng thuộc hệ thống mã QR nào thì chỉ thanh toán được trong hệ thống đó, khiến thị trường bị chia cắt và người dùng sẽ thấy bất tiện.
Đồng quan điểm, ông Trần Công Quỳnh Lân nhận thấy cần sớm nghiên cứu và đưa ra một tiêu chuẩn thống nhất về định dạng QR code trong thanh toán di động cho thị trường Việt Nam. Theo ông Lân, đây là tiền đề đầu tiên tạo nền móng cho việc thực hiện thanh toán liên thông trong toàn thị trường. Tránh việc mỗi một hoặc một nhóm các NH, tổ chức/trung gian thanh toán phát hành một định dạng QR code riêng gây khó khăn cho người mua và người bán. “Khi có một chuẩn QR code chung cho toàn thị trường, ứng dụng mobile banking của các NH khác nhau đều có thể đọc hiểu và chấp nhận thanh toán cho một mã QR duy nhất gắn với một sản phẩm hoặc hoá đơn xác định. Điều này về mặt hình ảnh tương tự như việc một máy POS do một NH lắp đặt có thể đọc và chấp nhận thanh toán cho thẻ do NH khác phát hành”, Phó Tổng giám đốc VietinBank chia sẻ.
Về phía NHNN, đại diện Vụ Thanh toán cũng cho biết, NHNN đã thành lập Tiểu ban nghiên cứu thuộc Hội đồng Thanh toán và Công nghệ của ngành NH để thực hiện nghiên cứu kinh nghiệm triển khai, áp dụng thiết lập chuẩn chung cho thanh toán QR code tại một số quốc gia trên thế giới làm cơ sở đề xuất việc xây dựng chuẩn, quy định chung cho thanh toán QR code tại Việt Nam.
Là một trong những đơn vị tham gia Tiểu ban nghiên cứu chuẩn thanh toán QR code tại Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc Napas thông tin: Dựa trên nền tảng hạ tầng số hoá và hạ tầng chuyển mạch sẵn có, Napas đã và đang nghiên cứu, triển khai xây dựng hạ tầng thanh toán qua QR code. Hạ tầng thanh toán qua QR code của Napas có thể hỗ trợ kết nối với tất cả các NH, tổ chức thẻ quốc tế, các trung gian thanh toán để giúp các bên cung cấp một phương thức thanh toán di động tiện lợi cho khách hàng.
Muốn đẩy mạnh QR code, theo chuyên gia, bản thân người dân cũng cần thay đổi dần thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt sang phương thức thanh toán mới tiện dụng hơn. Thêm nữa, càng hiện đại, thì các NHTM càng cần tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh, đảm bảo sự thông suốt trong hoạt động thanh toán; đơn giản hoá các thủ tục, quy trình đăng ký merchant (tổ chức sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến để bán hàng hoá và dịch vụ). “Với hình thức thanh toán POS, các merchant phải đến NH để làm thủ tục đăng ký mở POS và đợi khoảng 7 ngày làm việc kể từ khi nộp đơn cho tới khi điểm thanh toán thực sự được chấp nhận thanh toán. Nếu các QR merchant cũng phải đi theo quy trình này thì việc nhanh chóng phủ rộng QR Pay sẽ khó có thể thực hiện được”, lãnh đạo một NHTM chia sẻ.