Thanh toán ví điện tử cũng cần cẩn trọng
Diễm Trân (18 tuổi sống tại TP.HCM) cho biết từ đầu năm 2018 em đã biết đến hình thức nạp tiền vào tài khoản ví điện tử bằng mã thẻ cào điện thoại tại baokim.vn. Sau đó, dùng tài khoản này để thanh toán khi mua hàng trên mạng. Theo Trân, đây là hình thức khá phổ biến và các bạn trong lớp của Trân đều sử dụng.
Tương tự, Hoài Lâm (22 tuổi) hiện là sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM cho biết cũng sử dụng ví điện tử như MoMo, ZaloPay để thanh toán các giao dịch trên mạng. Theo Lâm, những bạn trẻ thường “khoái” sử dụng dịch vụ ví điện tử vì thấy tiện ích hơn nhiều.
Bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận thì người dùng cũng cần biết cách để bảo vệ chính mình khi sử dụng ví điện tử |
Thực tế, tiện ích từ ví điện tử được nhiều người biết đến vì không chỉ đơn giản, dễ sử dụng mà còn là xu hướng hiện đại mà giới trẻ nhận định. Thế nên, khi được hỏi phần lớn những bản trẻ thuộc độ tuổi học cấp 2, cấp 3 cho biết họ đã và đang khá yêu thích các dịch vụ mà ví điện tử cung cấp, nhất là dịch vụ thanh toán liên quan đến game online.
Theo chia sẻ của các bạn trẻ thì cách sử dụng ví điện tử dưới hình thức là ứng dụng trên điện thoại thông minh, cho phép người dùng nạp tiền để thực hiện các giao dịch như mua thẻ cào nạp tiền điện thoại, thanh toán các dịch vụ điện, nước, viễn thông hay mua sắm trực tuyến. Bản thân một số loại ví còn có khả năng thanh toán cho các giao dịch ở một số game online.
Về lý thuyết, việc dùng thẻ cào để thanh toán trên mạng là phù hợp với nhu cầu của giới trẻ. Trong đó, có người mua thẻ cào để nạp tiền điện thoại, để thanh toán một món hàng nào đó, để nạp tiền cho game, hay để tặng thẻ cào cho người khác…
Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tục có nhiều thông tin phản ánh người dùng bị mất tiền trong các ví điện tử buộc người sử dụng phải xem xét và cẩn trọng.
Mới đây nhất, anh Vũ Anh Bằng (TP.HCM) cho biết chỉ sau một đêm anh đã mất 2 triệu đồng trong tài khoản ví. Theo đó, anh Bằng nạp nhiều lần thẻ cào điện thoại vào ví để mua một số sản phẩm phục vụ cho game mà anh đang chơi. Sau khi nạp tiền không bao lâu, anh Bằng nhận được tin nhắn trừ tiền trong ví. Lý do, thanh toán mua thẻ cào điện thoại Mobile.
Ngay lập tức anh điện thoại lên tổng đài của công ty ví mà anh đang sử dụng. Sau khi nhân viên tư vấn yêu cầu anh cung cấp thông tin để kiểm tra mới biết được rằng tài khoản ví của anh đã bị kẻ xấu chiếm được quyền kiểm soát, sau đó sử dụng ví để mua 4 mã thẻ điện thoại mệnh giá 500 ngàn đồng. Câu trả lời cuối cùng mà anh Bằng nhận được từ công ty ví là do anh bất cẩn để lộ thông tin nên anh phải chịu trách nhiệm trước sự mất mát nêu trên.
Tương tự như anh Bằng, Vân Anh (sinh viên trường Đại học Văn Lang, TP.HCM) nói rằng, bạn dùng thẻ tín dụng liên kết với ví để thanh toán việc mua hàng online. Mọi lần thanh toán đều suôn sẻ nhưng cách đây 2 ngày, số tiền trong ví không cánh mà bay. Theo Vân Anh, sau một tuần khiếu nại, đòi bồi thường từ công ty ví thì nhận được câu trả rằng: “Tiền trong tài khoản ví mất vì khách hàng đã sơ suất để lộ thông tin thẻ nên đối tượng lừa đảo lợi dụng thẻ này để thanh toán cho nhiều giao dịch ở các nền tảng online khác nhau ngoài ví mà họ cung cấp”.
Thực tế, khi rà soát lại những hành động trước đó để tìm hiểu nguyên nhân, cả anh Bằng và Vân Anh đều khẳng định không có đưa thông tin tài khoản cho ai. Và những lần sử dụng ví để thanh toán, họ đều nhận tin nhắn OTP từ nhà cung cấp dịch vụ để sử dụng thanh toán. Tuy nhiên, khi hỏi thêm về các thiết bị điện tử dùng để sử dụng việc mua bán online có an toàn không thì cả hai người trên đều không đưa ra được câu trả lời chính xác. Trong đó, Vân Anh nói rằng cả iphone, ipad, macbook của mình đều dùng chung một tài khoản icloud. Theo đó, nếu nhận được tin nhắn OTP thì tức là tất cả các thiết bị trên đều nhận được. Vậy, trường hợp Vân Anh không mang theo bên mình một trong số những thiết bị nêu trên, thì người khác có thể nhìn thấy được tin nhắn mà nhà cung cấp gửi xác nhận bảo mật khi thanh toán.
Nhìn chung, khi trao đổi với một lãnh đạo công ty ví, vị này khẳng định cơ chế bảo mật đang áp dụng trong dịch vụ ví điện tử là chứng chỉ bảo mật quốc tế PCI DSS, bảo mật đường truyền Internet theo tiêu chuẩn SSL/TLS. Bên cạnh đó, những tổ chức này cũng sử dụng các phương pháp xác thực bằng mật khẩu, vân tay và mã OTP. Thế nên, không có chuyện sử dụng ví không được bảo mật như một số khách hàng phản ánh.
Thế nhưng, cũng cần nói rằng, mọi yếu tố bảo mật đều có lỗ hổng. Chính vì vậy, đối với những DN thanh toán điện tử cũng không nên quá chủ quan mà cần thực hiện việc rà soát, kiểm tra mức độ an toàn thông tin của hệ thống theo định kỳ để đảm bảo hệ thống không bị kiểm soát cũng như bị nhiễm các mã độc nguy hiểm.
Song song đó, người dùng ví điện tử phải cẩn trọng hơn, tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu, thông tin cá nhân... Ngoài ra, cảnh giác với các cuộc gọi, đoạn chat hay email tự nhận đến từ các đơn vị phát hành thẻ, ngân hàng dịch vụ khi bên kia yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, password hay thông tin thẻ. Đây có thể là thủ đoạn của những kẻ lừa đảo…