Thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD
Phân biệt thời gian XLNX sẽ tăng chi phí cho nền kinh tế | |
Xử lý nợ xấu: Không có vùng cấm cho các sai phạm | |
Thu giữ tài sản bảo đảm: Đảm bảo không xâm phạm quyền con người |
Theo đó, nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017. Nghị quyết gồm 19 điều, được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017.
Trước khi thông qua, Quốc hội đã nghe Ủy ban Thường vụ giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết này đối với 1 số lĩnh vực còn ý kiến khác nhau.
Cụ thể về nguyên tắc xử lý nợ xấu (Điều 3), một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong Nghị quyết này không miễn trừ trách nhiệm đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu hoặc vi phạm trong quá trình xử lý nợ xấu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.
Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung là phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, tránh cách hiểu việc xử lý nợ xấu chỉ tuân theo Nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết theo khoản 1 Điều 17 của dự thảo Nghị quyết, đối với các nội dung mà Nghị quyết không có quy định, thì phải áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành. Khoản 3 Điều 19 giao Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, do vậy đã bao quát các quy định pháp luật khác có liên quan đến việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu, sửa đổi quy định “Không sử dụng các khoản chi ngân sách Nhà nước cho xử lý nợ xấu” thành “Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu” tại khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết để phản ánh đúng nội dung Nghị quyết và phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội số 25/2016/QH14 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Kết quả biểu quyết |
Về nợ xấu (Điều 4), nhiều ý kiến nhất trí với phạm vi nợ xấu cần xử lý là các khoản nợ xấu phát sinh trong thời hiệu của Nghị quyết để thống nhất các biện pháp xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho các TCTD xử lý tối đa nợ xấu. Một số ý kiến đề nghị Nghị quyết chỉ xử lý đối với khoản nợ xấu tính đến 31/12/2016 để nâng cao trách nhiệm của TCTD trong quan hệ tín dụng. Có ý kiến đề xuất Nghị quyết áp dụng đối với khoản nợ xấu đến thời điểm ngày 31/12/2017.
Căn cứ vào ý kiến còn khác nhau của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo gửi Phiếu xin ý kiến các vị ĐBQH về 2 phương án quy định phạm vi nợ xấu cần xử lý theo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các TCTD. Tuy nhiên, kết quả lấy phiếu của 2 phương án không có sự chênh lệch lớn (phương án 1: 203 phiếu/phương án 2: 193 phiếu), không quá bán so với số ĐBQH.
Sau khi cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy để bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD như đã đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến năm 2020 nợ xấu của các TCTD xuống dưới 3%. Mặt khác, đây là Nghị quyết thí điểm mang tính đặc thù giải quyết khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian vừa qua, cho nên cần có chính sách phù hợp để xử lý nợ xấu phát sinh do nghiệp vụ tín dụng thực hiện trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực được xác định là ngày 15/8/2017. Còn sau thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD, ban hành và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro cao hơn, hợp lý theo thông lệ quốc tế để giảm thiểu phát sinh nợ xấu mới. Sau quá trình thực hiện Nghị quyết, Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh mang tính thường xuyên, thuộc rủi ro trong hoạt động kinh doanh tiền tệ của hệ thống ngân hàng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định phạm vi nợ xấu cần xử lý theo phương án nêu trên sẽ bảo đảm nguồn lực để tập trung xử lý các khoản tín dụng xấu đang gây cản trở hoạt động của hệ thống ngân hàng, tránh việc các TCTD có thể lạm dụng các quy định của Nghị quyết để xử lý nợ xấu của các khoản nợ phát sinh sau ngày 15/8/2017. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin Quốc hội chấp thuận cho phương án này.
Về quyền thu giữ tài sản đảm bảo (Điều 7), có ý kiến đề nghị đổi tên Điều 7 của Nghị quyết từ ”Quyền thu giữ tài sản đảm bảo” thành "Quyền thu nhận tài sản đảm bảo”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết thuật ngữ “thu nhận” sẽ đúng trong trường hợp người đi vay tự nguyện giao tài sản, việc ban hành Nghị quyết này chủ yếu nhằm vào các trường hợp cố tình chây ỳ, không thực hiện đúng cam kết. Quy định về quyền thu giữ sẽ phản ánh đúng và mạnh mẽ hơn quyền chính đáng của bên nhận bảo đảm là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Việc quy định bên nhận bảo đảm chỉ được "thu nhận” sẽ không phản ánh đúng ý nghĩa của quy định này trong dự thảo Nghị quyết và không bảo đảm quyền lợi chính đáng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.