Thảo thơm mùa quýt Lai Vung
Ở đây có bán đất mặt!
Lai Vung - Đồng Tháp những ngày này đang vào lúc “cao điểm” của những người trồng quýt. Quýt hồng chỉ có một vụ, đúng vào dịp tết Nguyên đán. “Ăn- thua” là ở mùa quýt này. Vì thế những người nông dân như đang căng hết sức mình chăm sóc tỉ mỉ cho từng cành cây, chiếc lá.
Tất nhiên với vùng đất phù sa màu mỡ như Lai Vung thì ngoài quýt, người dân còn trồng rất nhiều loại cây ăn trái khác như cam, xoài… với tổng diện tích cây trồng lên đến hơn 20 ngàn ha. Nhưng quýt hồng vẫn là cây mang lại thu nhập cao nhất cho người nông dân.
Quýt hồng hiện trồng nhiều ở các xã Long Hậu, Tân Phước và Tân Thành. Trong đó, Long Hậu là nơi nổi tiếng nhất với diện tích trên 420 ha đang thu hoạch.
Để có những vườn quả ngọt, cán bộ tín dụng phải cùng đồng hành với khách hàng từ khi có ý tưởng |
Dù đã nhờ cán bộ của Agribank liên hệ trước cả tuần, nhưng khi chúng tôi lặn lội từ Hà Nội vào, đến nhà cũng chỉ có “ông chủ” Nguyễn Văn Đồng (ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) tiếp chuyện. Còn vợ anh, chẳng hỏi cũng biết đang ở ngoài vườn quýt.
“Phải bố trí mãi mới có người chịu dành thời gian tiếp chuyện nhà báo đấy!” – cán bộ tín dụng nói nhỏ với chúng tôi. Biết thế nên chúng tôi đề nghị được ra vườn quýt luôn, vừa hỏi chuyện, vừa có thể mục sở thị những cây quýt trĩu quả.
Gia đình anh Đồng đã có thâm niên nhiều năm trồng quýt hồng. Vì có nhiều kinh nghiệm nên anh quyết định “dịch” thời gian thu hoạch muộn hơn, sang tháng 2/2016 - khi đã qua thời điểm thu hoạch rộ của các vườn khác để có giá bán cao hơn.
Anh Đồng tính toán: Với 2,2ha quýt hồng, trong đó có khoảng 1,5ha đang cho trái, dự kiến mùa quýt này gia đình anh có thể thu về hơn 100 tấn quả. Tổng vốn đầu tư vào vườn quýt hồng của gia đình khoảng 3,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thì có thể thu lãi 1,2 tỷ đồng.
Anh Đinh Công Đầy, cán bộ Phòng giao dịch khu vực I Agribank chi nhánh Lai Vung - Đồng Tháp cho biết: hộ gia đình anh Đồng là khách hàng truyền thống của Chi nhánh. Khoản vay đầu tiên của anh Đồng cách đây 10 năm, chỉ vài chục triệu đồng, rồi cứ thế tăng dần theo quy mô cây trồng. Hiện gia đình đang có dư nợ 1,2 tỷ đồng tại Agribank.
“Tôi thấy lãi suất cho vay của NH thấp nên vay thêm để mở rộng diện tích cây trồng. Cây lớn nuôi cây nhỏ, việc trả nợ NH không quá khó…” – anh Đồng tâm sự.
Nghe anh nói có vẻ… ngon lành, nhưng chúng tôi biết việc trồng quýt hồng để đảm bảo sản lượng lẫn chất lượng của loại quả đặc sản nức tiếng cả nước chẳng dễ dàng gì. Quýt hồng có giá bán cao hơn các loại quýt khác nên nhiều địa phương đã đến lấy giống quýt hồng Lai Vung đem về trồng, nhưng quả không thể có màu sắc đẹp, hương vị ngon bằng quýt trồng ở Lai Vung.
Chính vì thế, để đảm bảo lượng vi chất tự nhiên cho cây quýt (không phải từ phân bón), thứ làm nên hương vị đặc trưng của quýt hồng, chủ vườn sẽ phải tìm mua đất mặt. Dù chỉ là “hớt” lớp đất mặt nhưng giá mua lên đến 50 triệu đồng/công (mỗi công tương đương 1.296 m2), trong khi nếu mua đứt cùng diện tích đất ấy cũng chỉ 80 triệu đồng/công. Giờ tôi mới biết, ở đây họ bán đất mặt là vì thế.
NH ươm quả ngọt
Đặc điểm thổ nhưỡng tạo điều kiện cho người dân Lai Vung trồng quýt hồng, nhưng muốn có những quả quýt đạt cả về chất lượng lẫn mẫu mã đẹp, nhất là những cây khách hàng sẽ mua để trưng Tết,người trồng phải thành thạo kỹ thuật chăm sóc, tỉa cành, cắt bỏ bớt những trái không đạt yêu cầu.
Biết là thế, nhưng khi nhìn anh Đồng cầm kéo cắt bỏ những quả xanh, tôi vẫn cứ “tiếc hùi hụi” công, của họ đã bỏ ra. Quả cắt xanh ấy chỉ có thể mang về cho trẻ em, người già lột vỏ. 1kg vỏ quýt phơi khô bán được 15 ngàn đồng. Bao nhiêu quả quýt xanh mới cho 1 kg vỏ quýt khô đây? Nghĩ mà thấy lòng trĩu nặng.
Cây quýt hồng mang lại thu nhập cao cho người nông dân, và công sức, vốn đầu tư phải bỏ ra cũng thật nhiều. Thế là, người nông dân vất vả bao nhiêu, cán bộ tín dụng cũng tất bật, lo toan bấy nhiêu. Nếu người nông dân ươm cây thì NH ươm “quả”. Để có những vườn quả ngọt, cán bộ tín dụng phải cùng đồng hành với khách hàng từ khi có ý tưởng, cho đến lập phương án vay vốn, rồi ươm cây, chăm bón… tới khi vườn cây cho quả, xuất bán, thu được tiền. Lúc đó “quả” mà NH ươm mới thực sự có thể thu hoạch.
Ngoài cây ăn trái gia đình anh Đồng có 7 công trồng lúa nữa nhưng chỉ cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/ha/vụ, thấp hơn nhiều so với trồng quýt. Thu nhập từ trồng quýt cao nên tại Agribank chi nhánh Lai Vung có hơn 7000 hộ vay vốn thì đa số vay trồng quýt với dư nợ trên 1000 tỷ đồng. Hộ vay nhiều nhất hiện có dư nợ đến 3 tỷ đồng. Agribank cho vay gối vụ, gồm cả ngắn, trung, dài hạn. Các hộ nông dân hiện được vay vốn theo quy định của Nghị định 55 với lãi suất cho vay 7%/năm.
Ông Châu Văn Út, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Đồng Tháp cho biết, tính đến ngày 31/10/2015 tổng doanh số cho vay đạt 13.875 tỷ đồng; Tổng dư nợ là 8.347 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 7.685 tỷ đồng (chiếm 92%/tổng dư nợ).
Nghị định 55 khuyến khích cho vay không thế chấp, nhưng hiện dư nợ cho vay theo hình thức này tại Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp mới đạt khoảng 20 tỷ đồng, vì đối tượng đảm bảo điều kiện cho vay không có tài sản đảm bảo còn ít.
Một băn khoăn khác của NH khi cho vay không có tài sản thế chấp là các hợp tác xã vốn điều lệ rất thấp, trình độ quản lý cũng thấp, nên ngoài rủi ro khách quan từ thiên tai, NH còn chịu thêm rủi ro chủ quan từ yếu tố con người khá cao. Thực tế là thế, nhưng cứ nhìn vào số liệu tín dụng, thấy có đến trên 90% dư nợ là cho khu vực tam nông thì có thể thấy các cán bộ Agribank đang phải nỗ lực thế nào.
Quýt có quanh năm, nhưng trong tiết trời lạnh Hà Nội mà ngửi thấy mùi dầu quýt thoang thoảng ai đó vừa bóc sao thấy ấm áp lạ thường! Hà Nội lạnh nhưng ở Lai Vung giờ vẫn nắng. Nhớ những người lưng đẫm mồ hôi. Mong là mùa quýt này mang đến cho họ một cái tết đủ đầy hơn.