Thay đổi để thành công
CB cần tiếp tục ổn định tổ chức, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động | |
Điểm sáng tái cơ cấu ngân hàng | |
Khai phá nguồn lực mới để tái cơ cấu |
Có mặt tại một điểm giao dịch của Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, có phần căng thẳng khi khối lượng khách hàng đến giao dịch khá đông. Bởi, giống như bất cứ ngân hàng nào, khách hàng của CB thường tăng đột biến vào những ngày gần Tết Nguyên đán. Khách đến thanh toán, nhận kiều hối, làm thủ tục vay vốn… và nhiều khách hàng đến gửi tiền để “săn” giải thưởng giá trị của chương trình “Gửi liền tay - tậu ngay xế xịn” mà CB đang triển khai.
Khách hàng đến CB chi nhánh Hà Nội để “săn” giải thưởng lên đến 1,5 tỷ đồng |
Đại diện CB cho biết, sau gần ba năm chuyển đổi mô hình hoạt động, từ NHTMCP thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV, tuy phải đối mặt với những khó khăn, yếu kém nội tại, nhưng với sự hỗ trợ lớn của NHNN và sự nỗ lực của tập thể đội ngũ nhân viên, CB đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng. Hiện CB có vốn điều lệ đạt 3.000 tỷ đồng cùng hệ thống mạng lưới hoạt động trên toàn quốc. Là ngân hàng 100% vốn sở hữu nhà nước với sự hỗ trợ toàn diện của Vietcombank về quản trị, công nghệ, khách hàng, thanh khoản… CB định hướng phát triển trở thành một NH bán lẻ đa năng trên nền tảng công nghệ hiện đại.
CB đã giữ vững được ổn định trong toàn bộ hệ thống, củng cố và gia tăng niềm tin của khách hàng đối với hoạt động của NH. Quy mô các hoạt động kinh doanh của CB tăng trưởng mạnh so trước 5/3/2015 - thời điểm trước chuyển đổi. Số dư huy động vốn của NH tăng hơn 5.000 tỷ đồng.
Đối với hoạt động cho vay, sau khi được NHNN cho phép triển khai cho vay trở lại, CB đã triển khai cho vay đa dạng các sản phẩm tín dụng mới đối với cá nhân (cho vay mua xe ô tô, cho vay mua nhà ở/đất ở, xây mới, cho vay tiêu dùng, cho vay sản xuất kinh doanh, bảo lãnh trong nước…). Riêng năm 2017, CB đã dành nguồn vốn tín dụng gần 3.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vốn phát triển của các khách hàng cá nhân, DNNVV.
Song song với việc triển khai các mảng hoạt động kinh doanh như các NHTM khác, CB cũng tăng cường công tác xử lý, thu hồi nợ. Tính đến thời điểm cuối năm 2017, CB đã thu hồi được trên 5.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nhóm nợ riêng lẻ đã thu hồi được trên 500 tỷ đồng (chiếm 50% tổng nợ xấu riêng lẻ); nợ nhóm lớn đã thu hồi hơn 4.700 tỷ đồng. Đây là dấu ấn đặc biệt quan trọng của CB trong nỗ lực và quyết tâm xử lý nợ, do đặc điểm các khoản nợ xấu của CB rất phức tạp, liên quan đến các vụ án, tài sản bị kê biên… và kết quả xử lý nợ phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ và kết quả xử lý của các cơ quan có thẩm quyền.
CB đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để triển khai các nhiệm vụ trong Đề án tái cơ cấu. Xác định con người là yếu tố quan trọng, CB đã có chuẩn bị rất tốt về nhân sự, cùng với nguồn nhân lực có chất lượng từ Vietcombank tham gia quản lý, điều hành, CB đã sàng lọc, tuyển dụng và đào tạo được đội ngũ cán bộ nhân viên đáp ứng được yêu cầu công việc mới. Số lượng cán bộ, nhân viên của CB là trên 1.500 người.
Về mạng lưới, hệ thống CB đã và đang tiếp tục được quy hoạch nhằm nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống mạng lưới các chi nhánh, điểm giao dịch. Chủ trương xuyên suốt của NH là phát huy hiệu quả tốt hơn với các điểm hoạt động hiệu quả, tập trung đầu tư trang thiết bị tiện ích tới khách hàng; đồng thời, tiến hành chấm dứt, di dời hoạt động một số điểm hoạt động không hiệu quả. Hiện tại, CB có 108 điểm hoạt động trên toàn quốc, triển khai hầu hết các mảng hoạt động kinh doanh.
CB cũng đã hoàn thiện chính sách quản trị rủi ro: Xây dựng hoàn chỉnh các quy định, quy trình hoạt động; Nâng cấp, cải thiện hạ tầng công nghệ, triển khai thành công một số dự án hiện đại hóa trong hoạt động như phần mềm quản lý cho vay, giải pháp quản trị văn phòng điện tử, hệ thống kiểm soát chi phí tự động, quản trị rủi ro… Tháng 12/2017, trong buổi đến thăm và làm việc tại CB, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã ghi nhận những kết quả bước đầu mà CB đạt được, đánh giá cao những nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của toàn thể lãnh đạo và nhân viên CB. Phó Thống đốc đánh giá, CB đang dần đi vào quỹ đạo ổn định, từng bước vượt qua khó khăn.
Lãnh đạo CB cho biết, sau gần ba năm chuyển đổi mô hình, CB đã duy trì và củng cố hoạt động ổn định với kết quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tái cơ cấu thời gian vừa qua vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc Luật Các TCTD bổ sung, sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 15/1/2018 là điểm mấu chốt có tính chất quyết định đến thành công của Đề án tái cơ cấu của CB nói riêng và các NHTM mua bắt buộc nói chung. Luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để NHNN có điều kiện thực hiện các giải pháp, chính sách mạnh triển khai các nhiệm vụ trong Đề án tái cơ cấu CB.
Năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm của NH là giữ vững ổn định trong toàn bộ hệ thống NH, tăng trưởng huy động và tín dụng tối thiểu bằng mức tăng 2017. CB tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi nợ; triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu theo chủ trương được NHNN phê duyệt.
CB cam kết không ngừng nỗ lực “thay đổi để thành công”, đổi mới chiến lược kinh doanh, đổi mới hệ thống sản phẩm dịch vụ, tối ưu hóa công nghệ, nhằm phục vụ hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Với chiến lược mới, trong thời gian tới CB sẽ tiếp tục: Đẩy mạnh cải cách nhằm đạt tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế về hoạt động tiền tệ, NH, tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng… Phát triển các dịch vụ NHTM hiện đại - đa năng; tăng cường công tác quản lý rủi ro nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về hệ số an toàn tín dụng, nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh. CB hướng đến phát triển bền vững, mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm nhằm thỏa mãn tối đa các nhu cầu cũng như tiện ích của khách hàng, DN. |