Thêm động thái chính sách tích cực
NHNN điều hành CSTT linh hoạt, chủ động theo đúng chỉ đạo của Chính phủ | |
Cần thêm giải pháp sau động thái lãi suất | |
Chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng |
Ông Cấn Văn Lực |
NHNN đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch tiền gửi có kỳ hạn tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, theo hướng người không cư trú là pháp nhân nước ngoài, cá nhân có hiện diện tại Việt Nam được gửi tiền có kỳ hạn bằng VND, ngoại tệ.
Theo đánh giá của Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia TS. Cấn Văn Lực, đây là động thái chính sách tích cực của NHNN, theo đó xử lý nhiều vướng mắc liên quan đến người nước ngoài.
Ông có thể cho biết, những vướng mắc nào được tháo gỡ từ quy định trên của NHNN?
Quy định trên đưa ra phù hợp trong bối cảnh hội nhập và có nhiều người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Đồng thời hứa hẹn thu hút thêm người nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Thời gian qua, có khá nhiều trường hợp người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không được mở tài khoản tiền gửi tại Việt Nam. Do đó, khoản thu nhập cá nhân của họ như tiền lương hay lợi nhuận kinh doanh phải chuyển về tài khoản thanh toán của nước họ.
Giờ với quy định mới này vừa tạo thuận tiện cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam vừa khuyến khích họ giữ lại tiền gửi tại NH Việt Nam vừa được hưởng lãi suất vừa tiện cho việc chi tiêu sinh hoạt của mình.
Có thể kỳ vọng quy định này khi được áp dụng sẽ giúp NH tận dụng thêm nguồn lực vốn đưa vào sản xuất kinh doanh?
Trước hết, theo tôi, việc gửi tiết kiệm bằng đồng tiền của quốc gia đó từ chính thu nhập hợp pháp cần được thừa nhận và khuyến khích. Trên thế giới cũng vậy, người nước ngoài làm việc tại quốc gia nào cũng đều có thể gửi tiền tại tài khoản của NH quốc gia đó. Quy định trên đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng là người không cư trú có hiện diện tại Việt Nam.
Mặt khác, đúng là quy định này sẽ giúp tránh sự lãng phí lớn về nguồn vốn, vì nếu không được gửi tiết kiệm tại Việt Nam (theo quy định hiện hành người cư trú là cá nhân nước ngoài, người không cư trú được gửi tiền gửi tiết kiệm bằng đồng VND cũng như ngoại tệ), những nguồn thu nhập hợp pháp này sẽ phải chuyển ra nước ngoài.
Để giúp cho người nước ngoài lựa chọn hình thức gửi tiền, theo quy định tại Dự thảo, để gửi tiết kiệm có kỳ hạn hưởng lãi suất, khách hàng là người nước ngoài không cư trú chỉ được sử dụng VND, ngoại tệ trên tài khoản thanh toán, tài khoản thanh toán ngoại tệ của mình. Quy định này cũng nhằm đảm bảo phù hợp với chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và mục tiêu quản lý ngoại hối, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Việc tính toán gửi có kỳ hạn hay không kỳ hạn tùy theo nhu cầu của người nước ngoài. Nếu muốn có lãi suất tốt hơn thì họ chuyển đổi từ ngoại tệ sang VND. Còn với mục đích chỉ cần nơi cất giữ hộ thì họ vẫn giữ ngoại tệ khi cần đến.
Ông có cho rằng sự thay đổi này chịu tác động từ việc NH ngoại rục rịch thoái vốn tại một số NH Việt Nam?
Lý do vì sao NHNN đưa ra quy định cho phép người nước ngoài được gửi tiền tại TCTD của Việt Nam tôi đã nói ở trên. Còn việc một số NH ngoại thoái vốn vừa qua không có gì đáng quan ngại. Bởi đó đơn giản chỉ là các NH ngoại thay đổi chiến lược kinh doanh chứ không phải do môi trường kinh doanh, cũng như hoạt động NH của Việt Nam xấu đi. Mà ngược lại thị trường tài chính NH của Việt Nam vẫn được đánh giá khá hấp dẫn, đặc biệt thị trường bán lẻ còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.
Mặt khác, trong bối cảnh cả hệ thống NH Việt Nam quyết liệt tái cơ cấu thì bản thân các NH nước ngoài kinh doanh tại nước sở tại cần phải thực hiện tái cơ cấu. Ví như, có những NH ngoại đang là cổ đông chiến lược của một NH Việt, giờ họ không muốn có một chi nhánh khác tại Việt Nam. Có thể việc duy trì đồng thời như vậy sẽ dẫn tới việc chồng chéo, thậm chí là mâu thuẫn lợi ích.
Đến thời điểm này, có tới 8 NH 100% vốn nước ngoài đang hoạt động chính thức tại Việt Nam gồm ANZ Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, HSBC Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam, Woori Bank (Hàn Quốc), CIMB Bank Berhad và Public Bank Berhad (Malaysia). Và mới đây nhất ngày 19/7, NHNN đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc NH United Overseas Bank Limited (UOB, Singapore) thành lập NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam cho thấy, các NH nước ngoài vẫn tin tưởng chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.
Xin cảm ơn ông!