Cần thêm giải pháp sau động thái lãi suất
Hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng | |
Quyết định thận trọng và hợp lý | |
Khi lãi vay được giảm một nửa |
Các quyết định của NHNN về việc giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên có hiệu lực trong tuần qua, ngay lập tức nhận được hưởng ứng tích cực từ các NHTM, tạo sự lan tỏa tích cực tới cộng đồng DN, khách hàng vay vốn.
Ảnh minh họa |
Quyết định số 1424/QĐ-NHNN được xem là “nghệ thuật” trong sử dụng công cụ chính sách tiền tệ, tác động gián tiếp tới việc giảm lãi suất. Việc giảm lãi suất lần này cho thấy NHNN đã cụ thể hóa lời hứa trước đó, rằng nếu điều kiện cho phép thì lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm. Nó cũng cho thấy ngành NH đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội, chỉ đạo giao ngành NH phấn đấu đến năm 2020 giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước để đảm bảo có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4.
Để đi đến các điều chỉnh quan trọng kể trên, thời gian qua NHNN đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để điều hành lãi suất ổn định, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của Việt Nam hiện nay đang vào khoảng trên dưới 2%. Điều này cho thấy, các NH phải thắt lưng buộc bụng, chấp nhận điều tiết giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng vay vốn.
Cũng từ sự chỉ đạo sâu sát của NHNN, các NH rất quan tâm đến lãi suất ưu đãi đối với các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên, DNNVV, DN khởi nghiệp, DN đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao, DN hoạt động hiệu quả, có sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Có thể khẳng định, sau đợt giảm lãi suất này, lãi suất cho vay tại Việt Nam ở mức khá cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Ví dụ, Myanmar lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính – NH, giữ mặt bằng lãi suất ổn định như thời gian qua đã là một thành công của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ. Chính vì vậy, động thái giảm lãi suất vừa qua đã thêm một lần nữa thể hiện rõ nét thông điệp ngành NH chia sẻ, đồng hành cùng DN. Bởi thực tế bối cảnh kinh tế vĩ mô khi mà kiểm soát lạm phát là mục tiêu hàng đầu và diễn biến thị trường tài chính thế giới lãi suất đang chịu nhiều sức ép tăng mà NHNN quyết tâm giảm lãi suất càng thể hiện sự nỗ lực của ngành NH.
Đến nay thì hầu hết các NH đã công bố giảm lãi suất và tất nhiên, điều này khiến DN rất mừng. Nhiều DN còn chia sẻ rằng họ sẽ tính tới giảm giá thành sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh... Với chuyển biến này, tăng trưởng kinh tế, việc làm và thu nhập người dân… có thêm cơ hội để cải thiện hơn nữa trong năm nay
Tuy nhiên, không ít chuyên gia tài chính – NH cho rằng, chi phí lãi vay chỉ là một trong các chi phí hoạt động của DN. Để thực sự nâng cao sức cạnh tranh thì bản thân DN cũng cần thực hiện các biện pháp để nâng cao năng lực tài chính, đa dạng hóa nguồn vốn huy động, tự cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu… Các bộ, ban, ngành cũng cần triển khai các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện các giải pháp giảm chi phí cho DN. Có như vậy thì những đóng góp của các DN với tăng trưởng kinh tế mới thực sự bền vững.