Cạnh tranh ví điện tử gia tăng
4,24 triệu ví điện tử có liên kết với tài khoản ngân hàng | |
Thanh toán phi tiền mặt qua ví điện tử tăng vọt |
GrabPay by Moca mới đây đã công bố cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại và mua nạp thẻ điện thoại. Trước nay, lĩnh vực này chủ yếu được triển khai ở một số ví điện tử như MoMo, ZaloPay, Payoo… thì nay đã có một đơn vị nước ngoài tham gia qua hợp tác với Moca.
Hiện có 4,24 triệu ví điện tử đã được xác thực/gần 9 triệu ví đăng ký |
Hay việc từ tháng 3/2019, khách hàng có thể thanh toán bằng tính năng quét mã QR trên ứng dụng Ví Việt của LienVietPostBank khi đi mua sắm, ăn uống tại hệ thống nhiều nhà hàng, siêu thị thực phẩm, cửa hàng thời trang, siêu thị điện máy, taxi và hơn 20.000 điểm chấp nhận thanh toán VNPay-QR khác. Từ tháng 11/2018, ZaloPay tung ra chiến lược thanh toán trực tuyến, khi người dùng có thể chuyển tiền, thanh toán, lì xì cho nhau ngay trên khung chat Zalo…
Cuối năm 2018, NHNN đã có các quyết định bổ sung nội dung hoạt động vào giấy phép hoạt động của một số ngân hàng như HDBank, PVcomBank, ACB, SeABank, VIB… được chấp thuận bổ sung nội dung hoạt động “Ví điện tử”.
Như vậy, có thể hình dung được cục diện cạnh tranh trên thị trường trung gian thanh toán cho người dùng đầu cuối thông qua ví điện tử đang ngày càng trở nên quyết liệt hơn, khi không chỉ giới hạn ở các đơn vị cung ứng tổ chức dịch vụ trung gian thanh toán mà đã mở rộng ra cả với các nhà băng.
Liên quan tình hình phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) qua ví điện tử, đại diện Vụ Thanh toán (NHNN) thông tin, hiện NHNN đã cấp phép cho 29 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 26 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Tính đến 31/12/2018, các tổ chức trung gian thanh toán đã cung ứng 4,24 triệu ví đã được xác thực, có sự liên kết với tài khoản ngân hàng/gần 9 triệu ví đăng ký.
Đến nay, cả nước có 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử. Năm 2018 hệ thống các công ty trung gian thanh toán đã xử lý 214 triệu món, tăng 14,66% so với 2017 với giá trị 91.000 tỷ đồng.
Không phủ nhận ưu điểm của ví điện tử nằm ở việc đơn giản trong thiết bị và thao tác. Chỉ với một tài khoản ví điện tử người dùng trên điện thoại di động đã có thể thực hiện rất nhiều giao dịch. Đối với những website thương mại điện tử có tích hợp chức năng thanh toán qua ví điện tử, người dùng sẽ chỉ mất nhiều nhất là 5 phút để thực hiện thanh toán với tài khoản có sẵn trong ngăn ví điện tử và chờ nhận giao hàng.
Điều này giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí so với hình thức thanh toán qua thẻ cần rất nhiều bước. Sử dụng ví điện tử, nhà cung cấp dịch vụ sẽ biết được ngay tiền đã được người mua chuyển sang ví của mình và được các ngân hàng đảm bảo.
Theo một chuyên gia ngân hàng, ví điện tử đang ghi nhận những bước nhảy vọt đối với thương mại điện tử nhờ những tiện ích và phù hợp với số đông người tiêu dùng khi giao dịch với giá trị thấp, góp phần tạo nên thói quen tiêu dùng không dùng tiền mặt. Các đơn vị cung ứng cũng có cơ hội để phát triển mạnh dịch vụ này cho từng nhóm đối tượng hướng tới.
Tuy nhiên, vị này cũng chia sẻ, việc cạnh tranh ví điện tử ngoài những tính năng phát triển giúp thuận tiện hơn cho người dùng, thì tạo lập một hệ sinh thái là vô cùng quan trọng. “Có mạng lưới, mới là điểm cốt lõi”, bởi hệ sinh thái là môi trường nuôi dưỡng và phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới ngày nay, trong đó thanh toán qua di động cũng không nằm ngoài xu hướng này. Ngân hàng thâm nhập và khai thác sâu vào hệ sinh thái, chắc chắn sẽ giúp nguồn thu phí dịch vụ được cải thiện.
Lấy đơn cử một trường hợp ViettelPay, tận dụng hạ tầng thanh toán của Viettel với hơn 120.000 điểm cung cấp dịch vụ chuyển tiền mặt phủ rộng tới cấp xã phục vụ nhu cầu nạp/rút tiền, chuyển tiền của người dân đảm bảo việc chuyển tiền mặt tại nhà chỉ trong vòng 2 giờ trên toàn quốc. Với ViettelPay, mỗi người dân có thể chủ động thực hiện các giao dịch chuyển tiền điện tử, chuyển tiền mặt, thanh toán các dịch vụ thiết yếu của cuộc sống như điện thoại, điện, nước, truyền hình, vay tiêu dùng, bảo hiểm… trên điện thoại di động ở bất cứ đâu và bất cứ thời gian nào.
Vị chuyên gia trên cũng bổ sung, một trong những điểm cần quan tâm là việc thúc đẩy TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều này đòi hỏi NHNN cần xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho lĩnh vực phi ngân hàng tham gia vào việc cung ứng dịch vụ thanh toán hiện đại, phù hợp với địa bàn nông thôn, trong đó bao gồm việc xây dựng Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát cho lĩnh vực Fintech, công nghệ, mô hình thanh toán mới.
Đi cùng với đó đẩy mạnh hợp tác hiệu quả giữa ngân hàng - các công ty Fintech nhằm mở rộng địa bàn và đối tượng phục vụ để cung ứng dịch vụ ngân hàng - tài chính tiện ích, phù hợp nhu cầu, chi phí hợp lý tới khách hàng, góp phần tích cực phổ cập dịch vụ ngân hàng - tài chính tới người dân ở khu vực nông thôn.
“Khuôn khổ pháp lý phải đồng thời đảm bảo tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các định chế tài chính truyền thống như các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm… với các công ty cung cấp dịch vụ tài chính số và ngân hàng số”, vị này chia sẻ.