Thị trường thích ứng nhanh với cơ chế tỷ giá mới
Cơ chế mới, thêm lợi ích
Ngày 31/12/2015, NHNN có Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD, tỷ giá tính chéo của VND với một số ngoại tệ khác.
Theo Quyết định này, tỷ giá trung tâm của VND với USD do NHNN công bố hàng ngày sẽ là cơ sở cho các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, bán của VND với USD.
Tỷ giá tăng giảm hàng ngày thể hiện được xu hướng tỷ giá linh hoạt hơn, phù hợp hơn với diễn biến thị trường |
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, cách thức điều hành tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước cũng như biến động trên thị trường thế giới, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Và đây cũng là động thái, bước đi tiếp trong các biện pháp đồng bộ được NHNN thực hiện với mục tiêu xuyên suốt là nâng cao vị thế của VND, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Chia sẻ về tác động của cách thức điều hành tỷ giá mới, lãnh đạo một NHTM lớn cho rằng: Với cơ chế này, DN và các TCTD sẽ chủ động hơn trong việc quyết định hoạt động kinh doanh của mình liên quan tới ngoại tệ.
Còn theo nhận định của ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) thì cơ chế điều hành tỷ giá mới cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho thị trường phái sinh ngoại tệ phát triển, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các TCTD cũng như của DN trong các giao dịch mua bán của mình, tăng tính thanh khoản và phát triển thị trường tài chính. Các sản phẩm phái sinh sẽ được triển khai thực hiện rộng rãi hơn, kể cả thông qua sản phẩm giao ngay hay sản phẩm kỳ hạn.
Trên thực tế, cơ chế điều hành mới sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động giao dịch của người dân. Bởi khác với DN với quy mô và khối lượng giao dịch xuyên biên giới nhiều hơn, người dân chủ yếu giao dịch phổ biến trong lãnh thổ Việt Nam. Nếu có giao dịch qua biên giới, cũng chỉ xoay quanh một số nhu cầu cá nhân như: du lịch, khám chữa bệnh, gửi tiền cho con em học tập...
Với những yêu cầu hợp pháp này, người dân đều được TCTD đáp ứng kịp thời. Với cơ chế điều hành tỷ giá mới có thể nay tăng, mai giảm, nên với người nắm giữ ngoại tệ không phải đầu cơ, sẽ không ảnh hưởng nhiều. Vì thu nhập và chi tiêu bằng VND nên với người dân, tín nhiệm VND đang nâng lên rất cao. Tất nhiên thực tế vẫn có người nắm giữ ngoại tệ phục vụ cho nhu cầu như du lịch, khám chữa bệnh... khi chưa dùng đến họ chủ yếu là gửi tiết kiệm, nhờ NH giữ hộ (vì hiện lãi suất tiền gửi ngoại tệ là 0%).
Tỷ giá tăng giảm hàng ngày thể hiện được xu hướng tỷ giá linh hoạt hơn, phù hợp hơn với diễn biến thị trường. Có thể biến động cùng chiều tăng trong nhiều ngày, nhưng cũng có thể một ngày tăng một ngày giảm, điều này phụ thuộc vào diễn biến thị trường trong nước và quốc tế.
Thực tế, không có lo ngại về việc tỷ giá lên xuống khiến nhà đầu tư chuyên nghiệp đầu cơ, lướt sóng. Bởi kể cả có đầu cơ, lướt sóng thì cũng buộc các nhà đầu tư phải tính toán được xem có lợi hay không.
Ví dụ như đối với TCTD, đầu cơ lướt sóng sẽ phải có VND để mua, phải cân nhắc tới lãi suất để có thể cân bằng, so sánh xem làm gì để có lợi. Hiện nay NHNN sẽ thực hiện đồng bộ giải pháp điều hành CSTT, chứ không chỉ riêng cách thức điều hành này.
“Nhẹ gánh” áp lực cho thị trường
Sau khi NHNN công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên NH của VND với USD áp dụng cho ngày 4/1/2016 theo cơ chế điều hành tỷ giá là 21.896 đồng, cao hơn mức tỷ giá bình quân liên NH trước đó là 6 đồng, giá USD tại các NH đã được điều chỉnh tăng đồng loạt từ 10 - 35 đồng, bán ra cao nhất 22.545 đồng/USD.
Qua đánh giá sơ bộ của NHNN, thị trường nhìn chung bình tĩnh đón nhận thay đổi mới, thanh khoản thị trường ngoại tệ bình thường, tỷ giá tương đối ổn định quanh mức 22.500 đồng/USD, thấp hơn khoảng 40 - 50 đồng so với tỷ giá trần. Các nhu cầu ngoại tệ khác của khách hàng tiếp tục được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Sang tới ngày 5/1, tỷ giá trung tâm được NHNN đưa ra ở mức 21.907 đồng/USD, cao hơn mức của ngày trước đó 11 đồng. Ghi nhận của phóng viên trên thị trường cho thấy, tỷ giá VND/USD của hầu hết các NH vẫn duy trì ổn định, giữ nguyên tỷ giá USD như phiên giao dịch ngày 4/1 với giá mua vào cao nhất 22.470 đồng/USD; bán ra cao nhất 22.545 đồng/USD, cách mức trần cho phép 19 đồng. Nhìn lại trước thời điểm áp dụng theo cơ chế điều hành tỷ giá mới 1 tuần, vào ngày 23/12/2015, giá USD bán ra cao nhất 22.547 đồng, kịch trần cho phép của NHNN.
Như vậy, có thể thấy rằng, với cơ chế điều hành mới của NHNN, áp lực tỷ giá giữa VND/USD giảm đi đáng kể. Ở góc độ NHTM, ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank cho biết: “Ngay trong ngày đầu tiên áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, tâm lý thị trường đón nhận hết sức tích cực.
Với VietinBank, trong ngày 4/1, tỷ giá giao dịch trên thị trường, lượng ngoại tệ giao dịch thông suốt, thanh khoản tốt, tỷ giá trong biên độ NHNN quản lý, thấp hơn khá lớn so với mức trần theo quy định của cơ chế này”.
Theo đó, VietinBank mua vào ở mức 22.465 đồng, bán ra ở mức 22.535 đồng, tăng 15 đồng mua vào và giảm 5 đồng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch ngày 31/12/2015.
Trao đổi với lãnh đạo một số NHTM khác, tất cả đều nhận thấy rằng thị trường đều không “bị sốc” trước cơ chế điều hành mới. Bởi chính sách này đã được NHNN tích cực truyền thông kịp thời đến với các TCTD, cũng như đối với thị trường. Bản thân các khách hàng cũng hết sức phấn khởi khi thấy rằng cơ chế này tạo ra sự linh hoạt cần thiết cho các DN, tránh được tâm lý ỷ lại của một số DN hay các TCTD vào cơ chế tỷ giá có tính cố định như trước.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng CIEM: Cơ chế điều hành tích cực Cơ chế điều hành tỷ giá mới của NHNN theo tôi là rất tích cực vì nó linh hoạt hơn nhờ dựa trên các tín hiệu thị trường tốt hơn, do đó ít mang tính áp đặt hơn. Việt Nam phải mở cán cân thanh toán quốc tế ngày càng đều, dần làm cho VND chuyển đổi hơn, phù hợp hơn, trong bối cảnh chính sách tiền tệ có tính độc lập tự chủ cao hơn, thì đây là bước đi có tính tích cực trong dài hạn. Tuy nhiên với Việt Nam thì bước chuyển này có thể gây ra những khó khăn nhất định khi triển khai vì thị trường tài chính Việt Nam chưa hoàn hảo, DN Việt Nam cũng chưa phải đã thích ứng tốt với biến động tỷ giá thường xuyên. Cho nên gắn với cơ chế này, theo tôi NHNN bên cạnh việc phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, với chính sách vĩ mô khác như tài khoá, thì cũng nên góp phần vào việc định hướng thị trường để tránh những biến động quá lớn. Ở đây có hai giải pháp quan trọng. Thứ nhất là việc cùng tham gia của NHNN với các NHTM vào các thị trường phái sinh. Thứ hai là NHNN cũng cần tăng cường giám sát tài chính nói chung và trạng thái ngoại hối nói riêng, vẫn đảm bảo sự uyển chuyển của thị trường mà các NHTM hoạt động trong đó, nhưng vẫn có cách thức dùng công cụ chính sách tiền tệ để góp phần định hướng, tránh biến động quá lớn. Bởi, không như ở nhiều quốc gia, như Úc hay Nhật…, mỗi khi có biến động tỷ giá lớn, thường DN của họ không kêu ca, vì họ quen với cơ chế thị trường, có công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, bảo hiểm, vận dụng tốt. Còn đối với DN Việt, chỉ cần tỷ giá biến động vài ba phầm trăm đã cảm thấy rất khó khăn trong làm ăn. Thậm chí có DNNN đòi nhà nước phải hỗ trợ, bảo lãnh tỷ giá. Cho nên học hỏi là rất quan trọng. Chính sách phòng ngừa rủi ro bằng các thị trường phái sinh, công cụ bảo hiểm… là điều kiện để NHNN, các cơ quan vĩ mô có thể thực thi chiến lược mở cửa dần, đầy đủ, dần đưa VND thành đồng tiền chuyển đổi hơn. Ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank: Tác động tốt tới cả TCTD, DN và người dân Việc đổi mới lần này trong cơ chế điều hành tỷ giá của NHNN là bước đi cần thiết, có ý nghĩa quan trọng với thị trường và đối với quá trình hội nhập của Việt Nam với thị trường quốc tế. Giúp thị trường và tỷ giá của Việt Nam có điều kiện phản ánh một cách đầy đủ hơn các yếu tố thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế. Đặc biệt với những quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ lớn trong quan hệ thương mại, đầu tư, vay và trả nợ với Việt Nam. Đồng thời, cơ chế này cũng sẽ phản ánh được những định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Cơ chế tỷ giá có thể nói là linh hoạt theo thị trường trong nước và quốc tế, nhưng vẫn bảo đảm sự ổn định cần thiết để phát triển thị trường một cách bền vững và lành mạnh ở Việt Nam. Tôi cũng cho rằng, cơ chế này sẽ có tác động tích cực tới các DN, các TCTD và người dân. Giúp cho các DN và các TCTD chủ động hơn nhiều so với cơ chế điều hành tỷ giá trước đây trong việc quyết định hoạt động kinh doanh của mình liên quan đến ngoại tệ. Bên cạnh đó, sẽ khuyến khích các thành viên thị trường có điều kiện áp dụng rộng rãi hơn các sản phẩm phái sinh, trong đó có sản phẩm về mua bán kỳ hạn ngoại tệ. Đây cũng là thông lệ tốt của thị trường quốc tế, đặc biệt trên thị trường tài chính và các thị trường hàng hoá giao dịch trên thị trường quốc tế. Tôi tin tưởng với cơ chế này sẽ giúp cho thị trường hoạt động một cách lành mạnh hơn, tiệm cận gần hơn với các thị trường tài chính trên thế giới. Với cơ chế điều hành này, các sản phẩm phái sinh trong đó có các sản phẩm kỳ hạn sẽ được đưa vào áp dụng phổ biến hơn, sẽ làm giảm đáng kể áp lực về mua bán ngoại tệ tại một số thời điểm nhất định; khiến tỷ giá phản ánh một cách đầy đủ hơn, sát thực hơn với cung - cầu thị trường. Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank: Chúng tôi không bị động Chúng tôi cho rằng cơ chế điều hành mới là một bước đi tích cực và sáng tạo của NHNN. Điều này thể hiện sự quyết đoán của NHNN trong việc ban hành chính sách đúng thời điểm, có sự chuẩn bị kỹ càng, sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN với các NHTM. Với diễn biến thông tin trên thị trường ngay trong ngày đầu tiên áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá này, có thể thấy rằng không có TCTD rơi vào tình trạng bị động với thị trường. Chính sách tỷ giá mới của NHNN đã được Agribank triển khai ngay trong ngày đầu tiên áp dụng. Trước khi áp dụng theo cơ chế điều hành mới của NHNN, Agribank đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước hết là đánh giá về nhu cầu của khách hàng giao dịch trong hệ thống. Thứ hai, có sự chuẩn bị về công tác nghiên cứu cũng như công tác dự báo. Thực tế cho thấy, các hoạt động giao dịch mua bán ngoại tệ của Agribank với khách hàng vẫn ổn định, không có đột biến, mọi nhu cầu của khách hàng đều được đáp ứng đầy đủ theo quy định. Ngoài các giao dịch mua bán giao ngay, Agribank cũng đã cung cấp các giao dịch phái sinh cho khách hàng. Ông Nguyễn Văn Hân - Trưởng phòng Tài chính kế toán Công ty ô tô Cửu Long TMT: DN phải sử dụng sản phẩm phái sinh phù hợp NHNN vừa có thay đổi phương thức điều hành tỷ giá, chúng tôi là DN nên đặc biệt quan tâm, làm sao để có chi phí tỷ giá tốt nhất. Khi NHNN chuyển sang phương thức điều hành tỷ giá linh hoạt là để đảm bảo tính ổn định của tỷ giá. Với phương thức điều hành tỷ giá mới này, DN cần theo dõi diễn biến từng ngày, và trên cơ sở đó đưa ra phương án mua kỳ hạn và dùng sản phẩm phái sinh nào cho phù hợp. DN phải xác định được lượng diễn biến của thị trường và xác định được khoản chi phí để đưa ra giá thành sản phẩm của mình, phải kiểm soát tốt để đảm bảo giá bán và lợi nhuận. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Giám đốc Ban Nguồn vốn và tiền tệ BIDV: NHNN sẽ chủ động trước biến động của thị trường Tôi cho rằng việc điều hành tỷ giá hàng ngày này sẽ phản ánh sát hơn các diễn biến của thị trường kể cả trong nước và quốc tế, giúp cho NHNN chủ động hơn trong việc ứng biến với các biến động của thị trường trong nước và quốc tế ảnh hưởng tới tỷ giá của thị trường Việt Nam. Trước đây, chúng ta có thể để tỷ giá bình quân liên NH duy trì trong khoảng thời gian một hoặc vài tháng, tùy vào mức độ tích tụ của thị trường và trên cơ sở diễn biến tích tụ của thị trường trong khoảng thời gian đủ dài thì NHNN mới xem xét việc điều chỉnh. Và mỗi sự điều chỉnh mức độ có thể rất lớn, 1% hoặc là trên 1%. Nhưng với công thức hiện tại thì chúng ta có thể điều chỉnh hàng ngày và căn cứ vào diễn biến của thế giới thì mức điều chỉnh có thể cao hoặc thấp nhưng không có những biến động quá mạnh lên tới vài phần trăm như trước đây nữa. Tôi nghĩ rằng, với phương thức điều hành tỷ giá mới, phản ứng của thị trường hay của NHNN cũng sẽ nhanh và hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank: Bước đi cần thiết và quan trọng đối với thị trường Cơ chế tỷ giá trung tâm mà NHNN chính thức áp dụng với góc nhìn của các NHTMCP, có thể coi đây là bước đi cần thiết và quan trọng đối với thị trường trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Vì cơ chế này có tác động tích cực đến các DN, người dân và các TCTD. Đặc biệt, đối với DN, cơ chế này giúp cho DN chủ động nhiều hơn trong việc kinh doanh liên quan đến ngoại tệ. Theo đó, giúp cho hàng hóa, dịch vụ DN xuất khẩu có thể cạnh tranh tốt nhất trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn, các đối tác cũng điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hơn. Đồng thời những DN có vay nợ nước ngoài cũng chủ động hơn trong cân đối nguồn trả nợ mà không quá lo việc tăng nợ khi tỷ giá biến động như cơ chế điều hành tỷ giá trước đây. Có thể nói, cơ chế tỷ giá này của NHNN linh hoạt theo thị trường quốc tế nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định cần thiết để phát triển thị trường bền vững và lành mạnh. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank: Xóa bỏ tâm lý kỳ vọng tỷ giá tăng Về lý thuyết, nếu neo VND với USD trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, khi mà kim ngạch xuất khẩu tương ứng với khoảng 80% GDP. Do đó, việc áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt của NHNN lần này sẽ kiểm soát được rất nhiều rủi ro liên quan đến tỷ giá; giúp các hoạt động trên thị trường ngoại hối tốt hơn do tâm lý chờ đợi phá giá tiền tệ của DN và người dân sẽ bị xóa bỏ. Theo đó, đối với NHTM quyết định này của NHNN đã mở ra một chiến lược rất tích cực. Thứ nhất, trong 2 ngày qua lượng ngoại tệ giao dịch thông suốt, thanh khoản tốt, tỷ giá vẫn nằm trong phạm vi quản lý của NHNN. Thứ hai, cơ chế này tác động trực tiếp đến việc mua bán các sản phẩm ngoại tệ kỳ hạn sẽ được NH đưa vào áp dụng phổ biến hơn và nhu cầu mua bán ngoại tệ không chỉ còn phương thức giao ngay mà còn được thực hiện thông qua phương thức giao dịch có kỳ hạn cũng như các sản phẩm phái sinh khác. Điều này chắc chắn làm giảm đáng kể áp lực mua bán ngoại tệ tại một số điểm nào đó, làm cho tỷ giá được phản ánh xác thực hơn cung cầu thị trường. Ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Tổng giám đốc CTCP Sahabak: Chủ động dự báo và dùng công cụ phái sinh Trước nay, NHNN thường cam kết biên độ biến động tỷ giá khoảng 2%/năm. Các DN dựa theo cam kết này để tính toán chi phí kinh doanh, trong đó có phần bù trừ khả năng tăng giảm tỷ giá. Nhưng nay NHNN thay đổi cách thức điều hành tỷ giá theo hướng công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày thì sẽ không còn cam kết biên độ biến động nữa. Chính vì thế bản thân các DN bắt buộc phải có biện pháp chủ động phòng ngừa. Chẳng hạn như gia tăng đầu tư cho hoạt động dự báo tỷ giá, lựa chọn quyết định công cụ phái sinh phù hợp với tình hình kinh doanh như mua ngoại tệ kỳ hạn hay mua ngay… Nếu nhìn bề mặt thì thấy ngay là việc gia tăng chi phí dự báo và các chi phí cho công cụ phái sinh sẽ làm cho giá hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu tăng lên. Tuy nhiên, xét ở góc độ lâu dài thì thả nổi tỷ giá là cơ chế thị trường lành mạnh, không có hiện tượng đầu cơ. Bản thân các DN cũng sẽ có sự cạnh tranh thị trường hơn. DN nào tính toán, dự báo tốt thì sẽ hạn chế được các tác động từ biến động tỷ giá và có lợi nhuận nhiều hơn. Sắp tới đây chúng tôi cũng sẽ phải nhập một lô hàng hóa lớn trị giá khoảng 25 triệu Euro, biên độ tỷ giá dao động lớn như hiện nay nên phải chọn mua kỳ hạn, chấp nhận tăng chi phí nhưng hạn chế được rủi ro về sau. Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES): NH cần gia tăng hợp tác, hướng dẫn Hầu hết các DN ngành gỗ đều dùng đồng USD để mua nguyên liệu, vì thế bất cứ sự thay đổi nào về tỷ giá đều có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của các DN. Tuy nhiên, mức độ hiểu về tỷ giá của nhiều DN, đặc biệt là các DNNVV rất hạn chế. Ngày 9/1 tới đây, VIFORES sẽ họp bàn với các DN gỗ tại phía Nam để đánh giá về tác động của chính sách tỷ giá mới, sau đó sẽ gợi mở ra những khuyến nghị giúp DN ít chịu tác động từ các biến động tỷ giá. Tạm thời thì việc tỷ giá thay đổi lên xuống 5-6 đồng/ngày chưa phải là lớn. Tuy nhiên về lâu dài nếu không có những chính sách kiểm soát khả năng lên xuống tỷ giá hợp lý thì các DN phần nào sẽ phát sinh lo ngại rủi ro. Theo tôi, hiện nay nhiều DN chưa quen với các công cụ thị trường phái sinh, vì thế các NHTM nên tranh thủ hợp tác hoặc phổ biến, hướng dẫn khách hàng của mình về những sản phẩm dịch vụ tài chính như bảo hiểm tỷ giá, thị trường quyền chọn… Khi đó sẽ giúp cho các DN hiểu nhiều hơn về chính sách tỷ giá mới và chủ động tham gia các sản phẩm, dịch vụ từ phía các NH. Q.Chi - Th. Bình |