Thiếu cạnh tranh làm hao mòn nguồn lực đất nước, tiềm năng quốc gia
Năm 2017: Cao trào cạnh tranh bán lẻ | |
Xóa bỏ rào cản cho doanh nghiệp | |
Rào cản giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế |
“Nghiện quản lý, sợ cạnh tranh”
“Cạnh tranh tại Việt Nam không hiện thực được là do chúng ta vẫn bao cấp về tư duy. Cơ quan Nhà nước ở rất nhiều nơi đang muốn làm thay, làm hộ người khác. Điều này không những khiến nền kinh tế kém hiệu lực, hiệu quả mà còn khiến đất nước hao mòn nguồn lực, tiềm năng quốc gia”, TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phát biểu tại "Diễn đàn Chính sách cạnh tranh quốc gia" diễn ra sáng 3/10/2017.
Nhiều diễn giả tại Diễn đàn cũng cho rằng ở Việt Nam vẫn chưa có cạnh tranh thực sự. Chính sách cạnh tranh thiếu, cơ quan quản lý về cạnh tranh yếu và các cơ quan quản lý Nhà nước đang mắc căn bệnh chung: “nghiện quản lý”, “sợ cạnh tranh”.
Công ty Xăng dầu hàng không Vinapco đã lạm dụng vị thế độc quyền dừng cung cấp nhiên liệu cho đối tác |
Nhấn mạnh cạnh tranh là linh hồn của nền kinh tế thị trường, nếu không có cạnh tranh thì không thể có kinh tế thị trường, TS.Nguyễn Đình Cung cho biết, nếu nền kinh tế có quy mô càng lớn, cạnh tranh công bằng thì càng thể hiện cấp độ phát triển của thị trường. Đối với DN, cạnh tranh là động lực cho những người tham gia thị trường, giúp người tiêu dùng lựa chọn phương án tốt nhất cho sản phẩm. Cạnh tranh là động lực giúp đạt được hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực, thúc đẩy, đạt được hiệu quả các nguồn lực đó. Viện trưởng Cung cho rằng "Tư duy sợ cạnh tranh vẫn đang diễn ra trong quản lý Nhà nước".
Còn trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – ông Đậu Anh Tuấn phát biểu: “Ở Việt Nam như một thói quen cố hữu, các cơ quan quản lý dường như luôn bị ám ảnh về nhu cầu quản lý, bị bệnh “nghiện quản lý” như đánh giá của một số chuyên gia. Chúng ta thường thấy, các cơ quan soạn thảo pháp luật khi lý giải cho mục tiêu của chính sách, mục đích của một quy định, đạo luật vẫn là nhằm "đáp ứng mục tiêu quản lý Nhà nước" hay để "tăng cường quản lý Nhà nước". Một sự nhầm lẫn lớn! Quản lý Nhà nước không phải là mục tiêu mà là cách thức, công cụ”.
Khi quản lý Nhà nước đắt đỏ thì kinh doanh ngầm
Sự nhầm lẫn lớn đó khiến cho quản lý Nhà nước rất “đắt đỏ”. Khi Nhà nước can thiệp vào thị trường, can thiệp vào hoạt động của các DN bằng các công cụ quản lý của mình như cấp phép, đặt ra điều kiện… luôn làm phát sinh các phí tổn. Có thể phân chia làm hai loại phí tổn: phí tổn trực tiếp và phí tổn gián tiếp. Phí tổn trực tiếp bao gồm chi phí trực tiếp đối với bộ máy Nhà nước, chi phí tuân thủ quy định của các DN và người tiêu dùng. Phí tổn gián tiếp là toàn bộ các chi phí gián tiếp mà nền kinh tế và hoạt động đầu tư phải gánh chịu.
Chỉ ra hàng loạt những bất hợp lý của điều kiện kinh doanh và di hại của nó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: “Khi phải đối mặt với gánh nặng quá lớn về quy định thủ tục hành chính, điều kiện khắt khe, người kinh doanh ít động lực để ra hoạt động chính chức, nhiều DN tại các nước đang phát triển lựa chọn chuyển sang hoạt động trong nền kinh tế ngầm (nền kinh tế phi chính thức)”.
Những điều kiện kinh doanh kiểu như quy định chỉ một số lượng nhất định các DN được mua lúa gạo với giá sàn chung tại một thời kỳ là tạo nên một nhóm DN thống lĩnh, độc quyền trong kinh doanh lúa gạo. Việc này dẫn đến nhiều khả năng lạm dụng vị thế thống lĩnh, độc quyền của nhóm DN và hiệp hội kinh doanh lúa gạo, gây hạn chế đáng kể sự cạnh tranh của các DN khác trong việc tiêu thụ lúa gạo cho sản xuất nông nghiệp.
Liệt kê hàng loạt các vụ việc vi phạm luật cạnh tranh, TS.Trần Mai Hiến - Chánh văn phòng Hội đồng cạnh tranh cho rằng một số quy định của cơ quan Nhà nước các cấp, nhất là ở địa phương vẫn cản trở hoạt động kinh doanh, cạnh tranh hợp pháp của DN.
Ông cũng chỉ ra những quy định về điều kiện kinh doanh, sử dụng hàng hóa dịch vụ; các chuẩn mực nghề nghiệp đang là rào cản rất lớn trong cạnh tranh và gia nhập thị trường… được quy định trong Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định… cũng như được "cụ thể hóa" bằng các Thông tư, Giấy phép… của các Bộ, ngành; hoặc phân cấp cho các đơn vị chuyên ngành. Các địa phương cũng quy định các điều kiện, chuẩn mực chuyên môn đặc thù ở các vùng miền, khu vực…
Nhìn lại thể chế về cạnh tranh, dù Việt Nam có Luật cạnh tranh, có Hội đồng cạnh tranh quốc gia, có Cục quản lý cạnh tranh… nhưng hiệu quả, hiệu lực đều rất yếu. Và để hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, ông Đậu Anh Tuấn chốt lại rằng: “Dường như Việt Nam cải cách nói thì dễ nhưng làm thì ít và khó, ban hành rào cản kinh doanh rất dễ nhưng loại bỏ rất khó. Chúng tôi kiến nghị cần xây dựng cơ chế quản lý Nhà nước theo kiểu: "Cơ quan quản lý" thì "không được chủ trì cấp phép" các điều kiện kinh doanh để loại bỏ đặc quyền, đặc lợi người ra chính sách".