Xóa bỏ rào cản cho doanh nghiệp
Thời cơ cho lớp doanh nhân mới | |
Rào cản giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế |
Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI
Chúng ta đang sống trong một thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng. Và bản thân chúng ta cũng phải thay đổi, dù muốn hay không muốn, vấn đề là có theo hướng tích cực hay không. Trong nhiều năm qua, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP thuộc hàng cao nhất trong khu vực và thế giới, nhưng hiện đang có xu hướng chậm dần.
Không chỉ Việt Nam, các nền kinh tế khác đều đang đặt ra câu hỏi về vấn đề nguồn lực để phát triển. Trong đó, nổi lên là sự cạnh tranh giữa các khu vực và quốc gia, giữa các DN và các sản phẩm. VCCI đã kết hợp với Hội đồng kinh doanh ASEAN và trường Đại học Lý Quang Diệu để xếp hạng mức độ cạnh tranh của các nước trong khu vực. Kết quả cho thấy thông tin không mấy lạc quan đối với Việt Nam.
Về các tiêu chí môi trường tài chính, hạ tầng cơ sở, Việt Nam đứng cuối bảng so với các nước ASEAN. Trong khi đó, lực cầu trên thế giới đang thay đổi, các khu vực kinh tế đang hình thành. Ví dụ như hiệp định TPP bao trùm trên 800 triệu người dân, ASEAN có 600 triệu dân.
Chính phủ Việt Nam nhận định rõ, DN là trọng tâm của sự thay đổi kinh tế đất nước. VCCI đang là đơn vị được giao trách nhiệm đầu tàu thực hiện Nghị quyết 35. Với mục tiêu đạt 1 triệu DN có chất lượng, trong thời gian qua chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức và cơ quan pháp lý xây dựng hệ thống luật cho các DNNVV.
Hiện nay chúng ta đang xây dựng một luật dành riêng cho DN loại này. Và nếu được thông qua, sẽ gỡ nhiều khó khăn cho DN.
Bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam
Mọi chính sách luôn hướng tới sự đơn giản, dễ hiểu, nhất quán, nhưng phải phù hợp thực tiễn. Tại Việt Nam, rất nhiều DN đa quốc gia đã vào Việt Nam, nhưng hiện sổ sách kế toán vẫn phải in ra. Bạn thử hình dung, với một công ty thực hiện 20, 30 ngàn nghiệp vụ mỗi ngày, thì một năm lấy đâu ra chỗ để lưu những hồ sơ về các nghiệp vụ đó?
Bên cạnh đó, DN đề nghị gửi bản hồ sơ mềm thì cơ quan thu thuế không nghe, và tất nhiên, không đủ hồ sơ thì không được hoàn thuế. Thế là họ phải chạy khắp nơi để có thể đủ giấy tờ để hoàn được thuế. Đây là quyền được thụ hưởng của DN mà họ phải cậy cục như vậy.
Tiếp theo là khâu hành thu, rồi vấn đề trốn thuế, cũng đang có những tranh luận nhiều chiều giữa cơ quan thuế và DN.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM
Hiện kinh tế Việt Nam đang có những bước ngoặt. Thành tựu nhiều nhưng thách thức cũng nhiều hơn. Chúng ta phải nhìn lại những cải cách. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trong vài năm gần đây, đã có những thay đổi tích cực về cách hành xử của bộ máy nhà nước với DN, không chỉ minh bạch hơn mà còn thân thiện hơn.
Chúng ta cần tạo dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh minh bạch, không chỉ hướng đến xóa bỏ các rào cản, mà còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.
Đó chính là tinh thần của Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 của Chính phủ. Kết quả bước đầu dễ nhận thấy là sự ra đời của các DN mới. Số DN được thành lập dự kiến sẽ cao nhất trong năm nay.
Luật DNNVV tạo thuận lợi cho sự phát triển của DN. Luật này có tinh thần tốt. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam có đến 95-97% là DN nhỏ, không có nguồn lực nào có thể hỗ trợ tất cả.
Hỗ trợ nhưng không được làm méo mó thị trường, vi phạm cam kết quốc tế. Đi vào thực tế, nó sẽ động chạm tới rất nhiều luật khác và các cam kết quốc tế. Muốn hỗ trợ một nhóm, một lĩnh vực thì không phải dễ. Thế nên tôi cho rằng, để thực hiện hóa thì phải cân nhắc rất thận trọng để ra một luật thực sự tốt cho doanh nhân.
Theo tôi, có bốn lý do lớn tác động lên sự phát triển của các DN. Một là quyền tài sản; thứ hai là vấn đề cạnh tranh; thứ ba là các yếu tố sản xuất: đất đai vốn, môi trường sản xuất; và thứ tư là chi phí giao dịch.