Thoát nghèo nhờ rót vốn đúng địa chỉ
Đề nghị nâng mức cho vay xây dựng công trình nước sạch lên 12 triệu đồng | |
Thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi |
Những mô hình điểm ở đất Cố Đô
Theo chân đoàn cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn, chúng tôi về huyện Phú Vang – một trong những địa phương có nhiều mô hình người dân vay vốn làm kinh tế hiệu quả vươn lên thoát nghèo bền vững. Nếu như trước đây, luôn trong cảnh phải chạy ăn từng bữa, thì đến nay, đa số các hộ đã có “của ăn của để”, nhiều hộ gia đình sắm được các phương tiện đắt tiền phục vụ cho đời sống hằng ngày.
Vốn ưu đãi đã giúp gia đình chị Ma Thị Dành trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao |
Trong số các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả ở Phú Vang, thì mô hình trồng nấm rơm của xã Phú Lương đem lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít, mau thu hoạch, có thị trường tiêu thụ mạnh.
Đến thôn Vĩnh Lưu, xã Phú Lương hỏi nhà chị Ma Thị Dành hầu như ai cũng biết, bởi mô hình trồng nấm của gia đình chị Dành đã nổi tiếng khắp xã. Không những thế, nhờ thu nhập từ trồng nấm chị Dành đã nuôi hai người con học xong đại học, sắm phương tiện sản xuất hàng chục triệu đồng và xây được căn nhà lầu 2 tầng khang trang.
“Nhờ có vốn vay của NHCSXH với lãi suất ưu đãi nên gia đình tôi đã đầu tư trồng nấm tạo việc làm quanh năm. Với hai vòm nấm, trừ chi phí gia đình cũng lãi hơn 5 triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi năm cũng lãi hơn 60 triệu đồng”, chị Dành phấn khởi nói.
Theo chị Dành, người nông dân không có nghề nào làm ra tiền nhanh như trồng nấm vì thời gian thu hoạch rất ngắn. Sau khi rải meo giống khoảng 1 tháng là thu hoạch được. Giá bán nấm rơm hiện nay cũng khá ổn định. Nếu so sánh hiệu quả kinh tế thì trồng nấm rơm thu nhập gấp 3 - 4 lần trồng lúa.
Cũng từng là hộ nghèo của thôn Vĩnh Lưu, nhưng nay chị Bùi Thị Thu Hồng đã thoát nghèo từ nấm. Chị Hồng cho biết, cách nay ba năm gia đình chị vay NHCSXH huyện Phú Vang 10 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo. Sau ba năm sản xuất nấm, chị xây được căn nhà ngói ba gian, nuôi hai người con theo học đại học và mua một chiếc máy cày 50 triệu đồng. “Nghề trồng nấm rơm cho thu nhập cao, cứ bỏ ra 1 đồng vốn là có thể thu được 4 đồng lời và rất ít rủi ro” - chị Hồng vui vẻ khoe với chúng tôi.
Ông Nguyễn Văn Tân - Chủ tịch UBND xã Phú Lương cho biết: Hiện toàn xã đã có hơn 560 hộ dân trồng nấm với 1120 vòm, mỗi năm thu nhập trên 15 tỷ đồng. Năm 2013, xã Phú Lương được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là Làng nghề truyền thống.
Có thể nói những hộ trồng nấm ở xã đều đã có thu nhập ổn định, cuộc sống của bà con ngày càng được cải thiện, góp phần đáng kể vào thành tích chung của xã trong việc giảm nghèo vươn lên làm ăn khá giả. Theo ông Tân, hiện nay, bà con trong xã đang có thu nhập cao từ mô hình này. Nếu phát huy tốt cách làm, ứng dụng kỹ thuật mới thì đây sẽ là một trong những mô hình xóa nghèo hiệu quả.
Ông Đào Bá Thuận, Giám đốc NHCSXH huyện Phú Vang cho hay: “Trong các chương trình cho vay hộ nghèo thì mô hình trồng nấm rơm của xã Phú Lương được xem là hiệu quả nhất. Nhiều hộ gia đình từ chỗ nghèo khó thì nay trong nhà đã có của ăn của để, xây được nhà và sắm nhiều vật dụng đắt tiền. Cái được lớn nhất là các hộ trồng nấm đã có tiền để đầu tư cho con cái ăn học và sắm các phương tiện máy móc để làm ăn. Về phía NHCSXH chúng tôi luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận với nguồn vốn vay để sản xuất góp phần giảm nghèo bền vững theo chủ trương của Chính phủ”.
Có thể nói nguồn vốn của NHCSXH đã hỗ trợ cho người dân mỗi huyện, thị phát huy được lợi thế sản xuất của mình. Nếu như ở huyện Phú Vang nổi trội với mô hình trồng nấm thì ở thị xã Hương Trà nổi lên những mô hình chăn nuôi. Trong đó, gia đình chị Trần Thị Bé, thôn Giáp Nhì, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà là một điển hình.
Chị Bé tâm sự: cách đây hai năm gia đình chị được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo. Có đồng vốn trong tay, chị mua ba con heo nái và hai con heo thịt, đến nay heo nái đã đẻ ba lứa chị bán được 15 triệu đồng, tính tổng thu nhập từ nuôi heo, mỗi năm chị thu lãi hơn 30 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi, chị Bé còn đầu tư trồng lạc, mỗi vụ cũng thu lãi hơn 10 triệu đồng. “Từ chỗ gia đình phải chạy ăn từng bữa, nợ nần bủa vây nhưng từ khi vay được vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi lợn và buôn bán nhỏ, tui đã trả hết nợ” - chị Bé chia sẻ.
Ông Trương Công Huy, Giám đốc NHCSXH thị xã Hương Trà cho biết: Tính đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 253.436 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn vay này bà con nông dân không phải đi vay ngoài với lãi suất cao. Nhiều gia đình trả hết nợ cho ngân hàng sau thời gian ngắn.
Chỉ đạo sâu sát, bám chắc cơ sở
Với mạng lưới hoạt động gồm NHCSXH tỉnh và 9 Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế trong những năm qua đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh và chủ động phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội để triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương.
Bằng sự nỗ lực của đơn vị và sự phối hợp tích cực của các đoàn thể nói chung chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đáp ứng kịp thời, đủ nguồn vốn để phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, Chi nhánh đang triển khai thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách, thông qua hoạt động ủy thác cho vay trên 99% đối với các tổ chức chính trị - xã hội. Các chương trình tín dụng đã góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Tổng dư nợ đến 31/12/2016 là 2.112 tỷ đồng, tăng 225 tỷ đồng so với năm 2015, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ đạt 11,97%, với 95.917 khách hàng còn dư nợ, trong năm đã thực hiện cho vay đến 40.882 lượt khách hàng để đầu tư SXKD và phục vụ đời sống.
Thực hiện Chỉ thị 40 CT-TW của Ban Bí thư, trong năm 2016, nguồn vốn ủy thác địa phương tăng đáng kể. Theo đó, ngân sách cấp tỉnh được bổ sung là 6 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện là 5,1 tỷ đồng và cấp xã là 470 triệu đồng.
Ông Trương Công Lân, Giám đốc Chi nhánh cho biết: năm 2017 Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu thực hiện 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng Trung ương giao; Tỷ lệ nợ quá hạn không quá 0,14%; tỷ lệ nợ xấu không quá 0,30%; và tỷ lệ thu lãi đạt trên 98% tổng số lãi tháng phải thu, phấn đấu giảm 30% lãi tồn đọng. Tập trung chấn chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động Điểm giao dịch xã. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tại cơ sở, nâng cao chất lượng tín dụng đảm bảo ổn định, bền vững…
Theo ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, các chương trình cho vay của NHCSXH đã tạo được sức bật trong đời sống của bà con nông dân. Nguồn vốn ngân hàng đã giúp địa phương giảm được tỷ lệ hộ nghèo tích cực.
“Phát huy những mặt đã đạt, tôi cũng đề nghị trong thời gian tới ngân hàng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách. Đặc biệt, cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo vốn vay an toàn, hiệu quả và đúng đối tượng” – ông Dung nhấn mạnh.