Thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi
Hơn 3,3 triệu lượt học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi | |
Tận tâm vì tổ viên nghèo |
Trường hợp của hộ gia đình anh Nguyễn văn Hồng, ở ấp Láng, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) là một ví dụ điển hình.
Nằm ở phía Đông Nam của huyện, đường về xã Tân Thành đi theo tỉnh lộ 862, cách trung tâm huyện khoảng 15km.
Anh Nguyễn Phạm Hạnh - cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang cho biết: “Xã Tân Thành là xã ven biển trước đây bị nước mặn xâm nhập nên chỉ trồng được 1 vụ lúa, đời sống dân cư gặp rất nhiều khó khăn, việc phát triển sản xuất của bà con ở đây gặp nhiều trở ngại, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo gần 9%. Thêm nữa, các hộ sinh sống trong xã phần lớn là hộ nghèo, trình độ dân trí thấp... Vì vậy, để thoát được cái nghèo, người dân phải cố gắng nhiều hơn so với các khu vực khác”.
Nhiều hộ dân tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) dùng vốn ưu đãi đầu tư đào ao thả cá |
Để minh chứng cho lời mình nói, anh Hạnh đã dẫn chúng tôi tới thăm nhà anh Nguyễn Văn Hồng, ở ấp Láng, xã Tân Thành. Nhìn ngôi nhà khang trang và những vật dụng khá tươm tất trong gia đình của vợ chồng anh Hồng, không ai nghĩ rằng chỉ chừng 5 năm trước, gia đình anh Hồng còn là hộ nghèo.
Anh Hồng nhớ lại: “Vợ chồng tôi trước đây nghèo lắm, chạy ăn từng bữa. Ban đầu hai vợ chồng chỉ chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ kiếm cái ăn cũng đã khó rồi. Mãi cho đến khi được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, vợ chồng mới bảo nhau quyết tâm xây dựng mô hình phát triển sản xuất. Có thế mới đảm bảo cuộc sống được”.
Từ số tiền vay ban đầu 10 triệu đồng của NHCSXH, vợ chồng anh Hồng đã cải tạo chuồng trại để nuôi 4 con dê. Sau một thời gian, nhận thấy nhu cầu thị trường về thịt dê ngày một tăng cao, anh Hồng đã mạnh dạn vay tiếp nguồn vốn từ NHCSXH với số tiền 40 triệu đồng của chương trình hộ cận nghèo để đầu tư mở rộng mô hình nuôi dê.
Anh chia sẻ: “Từ nguồn tiền này, tôi lại đầu tư mở rộng chuồng trại, mua con giống để phát triển mô hình nuôi dê”. Do được chăm sóc tốt, đến nay đàn dê của anh tăng lên 20 con và anh tiếp tục nhân đàn. Từ đó, kinh tế gia đình dần được cải thiện, mua sắm được nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình.
Còn đối với gia đình anh Nguyễn Thành Nguyên và chị Kim Thị Hạnh, ngụ Ấp Gò Táo - xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông có 4 thành viên, là một trong những gia đình vượt khó vươn lên đảm bảo cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.
Trước kia anh Nguyên sống trong gia đình nghèo có đến 6 anh, em trai, mẹ lại mất sớm. Năm 1998 anh lập gia đình và được cha cất cho căn nhà lá đơn sơ ra ở riêng cùng với 3,5 công đất ruộng. Đời sống kinh tế rất khó khăn, con thì còn nhỏ, thu nhập kinh tế chỉ đủ sống qua ngày. Anh tham gia công tác ở xã Tân Đông, còn chị Hạnh đi làm ở công ty may.
Năm 2010, anh Nguyên chuyển đổi 2,5 công đất lúa sang sản xuất rau màu như: rau cần, cà, ớt; khi thì dưa leo, cải tiều sậy, quế cắt cành; cứ 1 tuần đến 10 ngày thu hoạch một lần, luân canh suốt năm. Chị Hạnh chia sẻ: Từ nguồn vốn giải quyết việc làm 20 triệu đồng và sự cần cù, chịu khó, chí thú làm ăn, gia đình chị đã có cuộc sống ổn định, bước đầu thoát nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, anh Bùi Thanh Hùng - Giám đốc NHCSXH huyện Gò Công Đông cho biết: “Hiện nay tổng dư nợ NHCSXH huyện đạt trên 198 tỷ đồng với 11.720 khách hàng vay vốn. Qua rà soát nguồn vốn cho thấy người dân sử dụng hiệu quả và đúng mục đích. Bên cạnh đó, nhằm giúp cho hộ vay từng bước có thói quen thực hành tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có, quen dần với sản xuất hàng hoá, hoạt động tín dụng, tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ viên trong việc vay vốn và trả nợ, cán bộ NHCSXH huyện đã tuyên truyền cho hộ vay tham gia gửi tiền tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện có 11.135 tổ viên tại 315 Tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư trên 15 tỷ đồng”.