Thời của phim truyền hình Việt
Theo kết quả khảo sát ý kiến của khán giả về lượng người xem và chất lượng phim truyền hình do Trung tâm sản xuất phim truyền hình - VFC (Đài Truyền hình Việt Nam) trong năm qua, có 42% khán giả xem phim truyền hình thường xuyên. Chủ yếu nằm ở nhóm khán giả trên 50 tuổi (74,5%) và nhóm 40 - 49 tuổi (50%). Đặc biệt, 51% quan tâm nhất là nội dung phim...
Cảnh trong phim truyền hình “Mộng phù hoa” đang được khán giả quan tâm, đón nhận |
Điều này cho thấy, khán giả Việt đã chú ý và xem phim do các nhà sản xuất, nghệ sĩ trong nước thực hiện nhiều hơn dù hiện nay mảng phim truyền hình được mua bản quyền, phát sóng trên các kênh sóng truyền hình trung ương, địa phương ở Việt Nam khá lớn.
Đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải cho biết, phim truyền hình Việt ngày càng tìm được chỗ đứng bởi ngoài kịch bản, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng của bộ phim chính là diễn viên. Nhiều phim truyền hình được khán giả yêu mến thời gian qua như “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Khúc hát mặt trời”, “Cầu vồng tình yêu”, “Tuổi thanh xuân”, “Thương nhớ ở ai”... đều có dàn diễn viên chuyên nghiệp cũng như các diễn viên trẻ tài năng tham gia rất phù hợp với vai diễn như NSND Lan Hương, NSND Hoàng Dũng, nghệ sĩ Trung Anh, diễn viên trẻ Việt Anh, Bảo Thanh, Anh Dũng, Hồng Đăng, Thanh Hương...
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng phim truyền hình, kỹ năng và công nghệ làm phim đã được các nhà sản xuất đầu tư đáng kể. Trong vài năm trở lại đây, chất lượng phim đã được nâng cao, từ chất lượng SD thì các bộ phim hiện nay đã đạt được chất lượng full HD, thậm chí một số bộ phim đạt chất lượng 4K (chất lượng hình ảnh cao). Ngoài ra, một số phim truyền hình hiện nay cũng đã tiến hành thu tiếng đồng bộ thay vì lồng tiếng như trước đây, giúp hình ảnh và âm thanh rõ nét, chân thực và gần gũi với khán giả hơn.
Trong năm 2018, nhiều nghệ sĩ tin tưởng phim truyền hình Việt sẽ tiếp tục tạo được dấu ấn và sức hút với khán giả cả nước thông qua nhiều tác phẩm giàu tính nghệ thuật, nội dung sâu sắc. Đang gây “sốt” với người xem là phim “Mộng phù hoa” (kịch bản Nguyễn Chương, đạo diễn Bùi Nam Yên - Trần Quế; 36 tập). Bộ phim này lấy cảm hứng từ cuộc đời cô Ba Trà (Trần Ngọc Trà), một trong những phụ nữ nổi tiếng nhất Nam kỳ lục tỉnh và được xem là “đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn xưa” những năm 30 - 40 của thế kỷ trước. Trong phim, khán giả thấy cuộc đời của Ba Trang được xây dựng từ nhân vật cô Ba Trà lúc nhỏ với những mất mát đau thương, song khi trở thành một nhan sắc nức tiếng Sài Gòn, Ba Trang khiến bao công tử phải điêu đứng.
Trên sóng truyền hình Việt hiện tại cũng đang chiếu các tập phim “Tình khúc Bạch Dương” (đạo diễn NSƯT Vũ Trường Khoa; dài 36 tập), tái hiện không khí thời thanh xuân rực rỡ của các sinh viên Việt Nam lần đầu tiên được đến Liên Xô, cùng với đó là những tình cảm nồng hậu của các thầy cô giáo, những người dân Nga - Xô viết tốt bụng.
“Tình khúc Bạch Dương” khai thác mảng đời sống của những người Việt sang Liên Xô làm việc với bao trăn trở và cả những nỗi niềm trong giai đoạn Việt Nam vừa bước qua thời kỳ bao cấp còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, bộ phim này còn gây ấn tượng mạng với người xem bởi những ứng xử, cách đối mặt với tình yêu, tình bạn, sự lựa chọn giữa tha thứ và hy sinh, giữa hạnh phúc gia đình với tình cảm cá nhân sau khoảng thời gian 30 năm.
Thời gian tới, nhiều phim truyền hình Việt đặc sắc sẽ tiếp tục đến với khán giả cả nước, trong đó VFC cho biết đạo diễn Mai Hồng Phong đang thực hiện bộ phim “Quỳnh Búp bê” (dài 34). Ê-kíp làm phim “Quỳnh Búp bê” vẫn đang trong quá trình ghi hình, hoàn thiện hậu kỳ. Tuy nhiên, đạo diễn Mai Hồng Phong “bật mí”, “ Quỳnh Búp bê” thuộc thể loại tâm lý xã hội nhưng chạm đến một vấn đề khá nhạy cảm, nóng hổi là câu chuyện về một cô gái trẻ đã trải qua những thăng trầm và bị đẩy vào hoàn cảnh ổ buôn người, cuộc sống trôi dạt...
Trong khi đó, trong năm nay, 49 tập phim “Mỹ nhân Sài Thành” của đạo diễn Lê Cung Bắc cũng sẽ được chiếu trên sóng truyền hình quốc gia. Phim này có đề tài cổ trang, là câu chuyện diễn ra vào năm 1950 trong một cuộc thi Người đẹp xứ Nam Kỳ được tổ chức tại Nhà hát Lớn, Sài Gòn.
Trong số các cô gái xinh đẹp tham dự cuộc thi, nổi bật nhất là ba cô gái cùng mang tên Trà, đó là Bạch Trà, Hồng Trà và Thanh Trà. Cả ba cô gái này đều vào vòng chung kết và đoạt giải. Xuyên suốt chuyện phim, ba cô gái mang ba số phận khác nhau, gắn bó với nhau với những câu chuyện tình cảm, tình yêu đan xen toát lên tính nhân văn, tinh thần người Việt.
Có thể nói, thời gian qua và hiện tại, phim truyền hình Việt đã có sức hút lớn và tạo dựng cho mình vị trí quan trọng trong nền điện ảnh. Điều này có được là do nhà sản xuất đã có sự đầu tư kịch bản, diễn viên và công nghệ làm phim để đem đến cho khán giả những thước phim đẹp, giàu cảm xúc và nhiều nội dung nhất. Bởi vậy, không ít người lạc quan đánh giá “thời của phim truyền hình Việt” đã tới!