Thống đốc NHTW Trung Quốc cảnh báo nợ của doanh nghiệp quá cao
Thống đốc PBoC Chu Tiểu Xuyên |
“Vấn đề chính là nợ của doanh nghiệp quá cao”, Thống đốc Chu cho biết tại một hội thảo của nhóm G30 ở Washington được tổ chức cùng với các cuộc họp thường niên của IMF/WB.
“Chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để giảm tỷ lệ đòn bẩy và tăng cường chính sách để ổn định tài chính”, Chu nói. Ông xuất hiện cùng với các nhà hoạch định chính sách khác bao gồm Chủ tịch Fed Janet Yellen và Thống đốc NHTW Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda.
Nợ doanh nghiệp tăng cao tại Trung Quốc đã trở thành một mối quan tâm cho các nhà hoạch định chính sách toàn cầu và các nhà đầu tư. Mặc dù IMF vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nhưng nhà cho vay toàn cầu này cũng cảnh báo, sự mở rộng kinh tế đi kèm với việc vay nợ tăng trong tương lai có thể tiềm ẩn rủi ro. Thống đốc Fed Jerome Powell cũng cho rằng “rủi ro rất quan trọng và phải theo dõi chặt chẽ”.
Trong bài trình bày của Thống đốc Chu, tổng nợ của Trung Quốc, bao gồm cả doanh nghiệp, chính phủ và hộ gia đình, bắt đầu giảm trong năm nay sau khi các nhà hoạch định chính sách nỗ lực kiềm chế sử dụng đòn bẩy tài chính. “Mặc dù mức độ suy giảm là khá nhẹ, nhưng dù gì thì xu hướng này đã thay đổi”, ông nói.
Thống đốc Chu cho biết, một số khoản nợ của doanh nghiệp Trung Quốc bao gồm cả các khoản vay từ các tổ chức tài chính do các chính quyền địa phương sở hữu. Vì vậy, khi xác định lại, tổng nợ của các doanh nghiệp chỉ khoảng 120 - 130% GDP, thay vì con số chính thức là 160% GDP. Nợ của chính phủ vào khoảng 70% GDP thay vì 36% GDP. Mặc dù đó là một cấu trúc nợ cân bằng hơn thường được nhìn nhận, “việc xem xét hành vi của chính quyền địa phương là rất quan trọng”, Zhou nói thêm.
“Có một vấn đề là tính minh bạch trong chính sách tài khóa có thể không đủ tốt”, Thống đốc Chu, 69 tuổi, đã dẫn dắt PBoC từ năm 2002, cho biết. “Không có kỷ luật tài chính rõ ràng để hạn chế các chính quyền địa phương. Trong thị trường tài chính, có sự biến dạng”.
Tuy nhiên Thống đốc Chu cũng cho biết, Chính phủ Trung Quốc sẽ “dần dần” giải quyết những vấn đề này, và “sớm hay muộn, chính phủ phải chú ý nhiều hơn vào cải cách tài khóa”.
Đây là những lời bình luận mới nhất trong một chuỗi các bình luận công khai của Thống đốc PBoC. Trước khi đi Washington, ông đã trả lời phỏng vấn tạp chí tài chính Caijing của Bắc Kinh, trong đó kêu gọi tiếp tục mở cửa lĩnh vực tài chính.
Trong cuộc thảo luận nhóm Chủ Nhật, Thống đốc Chu cho biết, nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc cắt giảm sản lượng dư thừa trong ngành công nghiệp thép và xi măng đã chứng tỏ tốt hơn dự kiến và có thể đạt được mục tiêu giảm 10% năng lực. Ông cũng nói rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể đạt 7% trong năm nay, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2014.
Trở lại với vẫn đề ổn định tài chính, Thống đốc Chu cho biết, hoạt động ngân hàng ngầm đã chậm lại trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực nhằm giảm rủi ro tài chính.
Tuy nhiên, các lỗ hổng khác vẫn tồn tại. Ông gọi hoạt động kinh doanh quản lý tài sản là “tương đối hỗn loạn” vì ba nhà quản lý giám sát ngành này đặt ra các quy tắc khác nhau. Bên cạnh đó, các công ty Internet không có giấy phép tài chính có thể “gây ra sự cạnh tranh nhất định và các vấn đề về ổn định tài chính”, ông nói...
Thống đốc Chu trước đó đã phát biểu trong các cuộc họp của IMF rằng, chiến dịch kiềm chế đòn bẩy tại Trung Quốc đang cho thấy kết quả và Trung Quốc sẽ theo dõi và ngăn chặn rủi ro ngân hàng ngầm và bất động sản.
Các báo cáo kinh tế cho thấy “tăng trưởng ổn định và mạnh hơn” và động lực tăng trưởng 6,9% trong nửa đầu năm 2017 “có thể tiếp tục trong nửa cuối năm”, Thống đốc Chu cho biết vào tuần trước tại một sự kiện ở Washington.
Theo dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg, tăng trưởng GDP quý 3 của Trung Quốc (sẽ được công bố vào thứ năm tới) sẽ đạt 6,8% . Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng dự báo rằng tăng trưởng GDP quý 3 của Trung Quốc sẽ đạt 6,8% và tăng trưởng 6,7% trong quý 4.