Báo chí chống tham nhũng, lãng phí: Dấn thân và quả cảm
Nhiều vụ việc từ sự phản ánh của báo chí mà các cơ quan chức năng đã điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Điển hình như các vụ việc tham nhũng tiêu cực về đất đai ở Quảng Nam, Đồ Sơn (Hải Phòng), hay các vụ Vinashin, Vinalines, và mới đây nhất là các vụ Trịnh Xuân Thanh, Bộ Công Thương, vụ bổ nhiệm thần tốc ở Thanh Hóa…
Ảnh minh họa |
Theo Chủ tịch ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, cuộc đấu tranh chống tham nhũng vô cùng cam go. Nghị quyết Trung ương IV đã nói những biểu hiện tham nhũng đe dọa sự tồn vong của đất nước. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải huy động sức mạnh nhân dân, sức mạnh báo chí vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Thời gian qua báo chí đã phát hiện nhiều các vụ tiêu cực, tham nhũng là điều rất tốt. Với đà này báo chí còn phát hiện nhiều hơn nữa các vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Vấn đề là các cơ quan chức năng xử lý thế nào với những vụ việc tiêu cực mà báo chí đã nêu.
Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương PGS, TS. Trần Văn Độ khẳng định, báo chí là sự hỗ trợ rất lớn cho công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm. Nhiều vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được phát hiện, khởi tố từ nguồn tin báo chí. Nhiều vụ án oan sai được báo chí đề cập. Nhiều vụ án được báo chí phát hiện có bất cập trong xử lý… đã giúp cơ quan có thẩm quyền có biện pháp sửa chữa kịp thời.
Có thể nói, trên mặt trận phòng chống tham nhũng, lãng phí thì báo chí luôn là lực lượng tiên phong và có vai trò đặc biệt quan trọng, là vũ khí trấn áp về tinh thần để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
Mặt khác báo chí cũng là một nguồn quan trọng để đấu tranh, triệt phá tội phạm tham nhũng, lãng phí. Chính từ những thông tin phản ánh những vụ việc, sự việc bất bình thường, gây bức xúc trong dư luận được phản ánh trên các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan điều tra đã vào cuộc, tiến hành điều tra, làm rõ và phát hiện tội phạm.
Từ đó, tổ chức đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật. Ông Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao vai trò của báo chí trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
Trên mặt trận chống tham nhũng, lãng phí thì hoạt động báo chí được coi là nghề nguy hiểm. Phóng viên là người đi đầu trong việc vạch trần hiện tượng tham nhũng. Tuy nhiên họ cũng có thể vì thế mà phải đối mặt với những mối đe dọa về mặt tinh thần và thể xác. Phóng viên thường phải bất chấp những nguy hiểm về tính mạng để đưa tin về các hành vi tham nhũng. Và sau khi bị vạch trần, họ cũng thường xuyên bị quấy rối, đe dọa. Để bắt phóng viên giữ im lặng, một số kẻ tham nhũng thậm chí không từ thủ đoạn, bao gồm cả âm mưu trả thù…
Nhà báo Vũ Văn Tiến, Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận cho biết, những người viết điều tra là động đến lĩnh vực nhạy cảm, có sự va chạm với các thế lực có chức quyền, hoặc với những đối tượng làm ăn phi pháp, có rất nhiều tiền, có quan hệ rộng, thậm chí sẵn sàng hành hung, “xử lý” nhà báo bất cứ lúc nào. Chính những khó khăn đó làm hạn chế tính chiến đấu của nhà báo.
Những nhà báo viết bài điều tra chống tiêu cực cũng thường xuyên phải đối mặt với cám dỗ về vật chất, đôi khi còn bị sức ép về chính trị. Các cơ quan báo chí cũng chịu những sức ép, đơn kiện và đối mặt với nhiều rủi ro khi đăng tải các loạt bài liên quan đến phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Đồng quan điểm, Nhà báo Trần Trung Chính, Báo Nhân Dân cho rằng, chống tham nhũng, lãng phí là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Báo chí là một lực lượng tiên phong trong mặt trận ấy. Nhà báo và cơ quan báo chí tham gia đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí sẽ bị cuốn vào cuộc chơi lớn với nhiều đe dọa, rủi ro.
Để đảm bảo tính khách quan, nhiều trường hợp nhà báo phải thực hiện các cuộc điều tra độc lập với những chức vụ, quyền hạn rất hạn chế. Không chỉ các nhóm lợi ích, tham nhũng cản trở, chống phá hoạt động tác nghiệp của nhà báo. Thói quen cửa quyền, quan liêu, vô cảm của bộ máy công chức cũng gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động nghiệp vụ của nhà báo.
Lấy ví dụ khi thực hiện loạt phóng sự điều tra “Than lậu ở Quảng Ninh”, Nhà báo Trần Trung Chính cho biết, để lấy thông tin xuất nhập khẩu của một DN ngành than, nhóm phóng viên báo Thời Nay đã 6 lần làm việc với Cục Hải quan Quảng Ninh và Chi cục Hải quan Cẩm Phả với đủ loại công văn, giấy giới thiệu.
Kết quả vẫn không được cung cấp, dù đã có ý kiến chỉ đạo từ Tổng Cục Hải quan. Mà đây thuộc loại thông tin hoàn toàn có thể công khai. Ngay khi phát hiện nhà báo tìm hiểu thông tin về vụ việc, vấn đề có tính đụng chạm nhóm lợi ích, sẽ có hàng loạt biện pháp ngăn chặn quyết liệt nhằm vào nhà báo, những người thân quen, các lãnh đạo trong tòa soạn và các cá nhân trong cơ quan quản lý báo chí…
Khi bài báo chống tham nhũng, lãng phí được đăng tải, các biện pháp ngăn chặn được nâng lên mức khốc liệt. Có thể nói trong quá trình tác nghiệp, nhà báo hầu như “độc hành” trên con đường của mình.
Chính vì những khó khăn trong tác nghiệp, nhà báo Phùng Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho rằng cần coi hoạt động tác nghiệp của những nhà báo tham gia vào mặt trận phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là một loại thi hành công vụ, cần tạo hành lang pháp lý tốt để các nhà báo, cơ quan báo chí yên tâm dấn thân. Bên cạnh sớm bổ sung chế tài xử lý hành vi không trả lời báo chí theo luật định, cần có chế tài trong việc cung cấp thông tin khách quan, kịp thời đối với những vụ việc có dấu hiệu sai phạm, khi cơ quan báo chí đề nghị cung cấp thông tin.
Theo PGS, TS. Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), do đặc thù hoạt động của nhà báo trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng là thường hoạt động “đơn tuyến” và “độc lập”, cho nên không có cách nào hiệu quả hơn bằng việc trang bị kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho nhà báo thật mang tính chuyên nghiệp cao. Đồng thời cần có sự vào cuộc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng như vai trò kết nối của giới luật sư, MTTQVN và sự bảo vệ của Hội Nhà báo Việt Nam.
Ông Thuận Hữu khẳng định, thời gian tới Hội Nhà báo Việt Nam sẽ xem xét vấn đề hợp đồng bảo trợ thông tin, truyền thông tại các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử gắn với chế tài, quy định chặt chẽ xử lý sai phạm, nhất là quản lý đối với một số báo mạng có tình trạng “sáng đăng”, “trưa gặp”, “chiều gỡ”.
Từ đó giúp các cơ quan báo chí, nhà báo, các cấp Hội Nhà báo trong việc phòng ngừa, đấu tranh chống tiêu cực, lệch lạc của nhà báo, giám sát và quản lý hiệu quả hội viên, nhà báo. Đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên trong tác nghiệp phòng chống tham nhũng, lãng phí.